Dòng sự kiện:
Sigapore, Nhật Bản: Tiền ảo tự do trong vòng kiểm soát
01/11/2017 15:17:35
Tại Nhật Bản và Sigapore, tiền ảo được phép giao dịch nhưng vẫn có những chế tài kiểm soát chặt chẽ.

Trả lời câu hỏi liệu rằng các loại tiền điện tử như bitcoin và ether có thể đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế hay không, ông Eichengree cho rằng: “Tôi nghĩ rằng loại đồng tiền điện tử do ngân hàng phát hành khác hẳn so với các loại tiền điện tử khác- loại tiền ẩn danh. Thứ nhất, loại tiền điện tử do ngân hàng phát hành sẽ giúp giao dịch trở nên hiệu quả hơn. Thứ 2, các loại tiền điện tử khác là công cụ của rửa tiền, tránh thuế và các vấn đề tương tự”.

Người đứng đầu ngân hàng trung ương nước Singapore cho biết nước này không có kế hoạch điều tiết các loại tiền kỹ thuật số như bitcoin. Tuy nhiên, Singapore vẫn sẽ cảnh báo về hoạt động rửa tiền và các rủi ro tiềm ẩn khác từ việc sử dụng tiền kỹ thuật số. “Trong thời điểm hiện tại, tôi không thấy có cơ sở nào để điều chỉnh tiền kỹ thuật số. Thay vào đó, trọng tâm của ngân hàng trung ương là nhìn vào các hoạt động xung quanh hệ thống tiền kỹ thuật số để xác định những rủi ro nào có thể xảy ra, và sau đó điều chỉnh hợp lý ngay từ đó”, Ravi Menon, giám đốc Cơ quan Tiền tệ Singapore, nói.

Bitcoin đã được công nhận là phương thức thanh toán tại Nhật Bản.

“Hiện có rất ít quy định pháp lý cho các loại tiền kỹ thuật số. Thực tế bản thân loại tiền tệ này không gây ra nhiều nguy cơ rủi ro, nhưng chúng lại bị lạm dụng cho những mục đích tài chính phi pháp. Do đó, điều chúng ta cần làm là kiểm soát các hoạt động bất hợp pháp xung quanh tiền kỹ thuật số hơn là chỉ tập trung vào bản thân đồng tiền”, ông Menon nhận định.

Singapore đã yêu cầu các tổ chức trung gian về tiền kỹ thuật số như sàn giao dịch tuân thủ các quy định chống lại nạn rửa tiền và tài trợ cho khủng bố. Theo ông Menon, “những điều này sẽ được chính thức hóa trong các quy chế giao dịch sắp tới của chúng tôi. Nếu ICO bao gồm cả việc chia cổ tức hoặc đảm bảo các lợi ích kinh tế khác, thì hoạt động này có thể giống với các đợt chào bán chứng khoán thông thường, và do đó sẽ được bảo vệ bởi đạo luật Chứng khoán và Hàng hóa Singapore”.

Nhiều công ty ở Singapore đã tiến hành ICO, trong đó TenX, công ty khởi nghiệp chuyên về dịch vụ thanh toán qua thẻ, đã thu được 80 triệu USD hồi tháng 6/2017.

Giá trị bitcoin đã vượt qua mốc 6.000 USD lần đầu tiên vào cuối tuần trước, tăng hơn 500% kể từ đầu năm nay. Song, đồng tiền này hiện vẫn phải chịu không ít lời chỉ trích. “Chúng tôi luôn giữ thái độ cởi mở về bitcoin. Tôi nghĩ đồng tiền này đang bị cường điệu quá mức bởi vì mọi người chỉ đơn thuần nghĩ rằng bitcoin là một phương tiện đầu tư và nó sẽ tăng giá trị. Nhưng đó là cách tiếp cận sai lầm đối với việc sử dụng bitcoin cũng như các loại tiền kỹ thuật số khác”, ông Menon cho hay.

Gần đây, cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản chính thức công nhận 11 công ty là nhà điều hành sàn tiền ảo đã đăng ký hoạt động. Việc đăng ký đòi hỏi các sàn này tuân thủ nhiều quy định, như có hệ thống máy tính ổn định, kiểm tra được hồ sơ người dùng để tránh rửa tiền. Những quy định này nhằm bảo vệ nhà đầu tư khỏi nguy cơ lừa đảo và lợi dụng, đồng thời hỗ trợ sự tiến bộ về công nghệ tài chính.

“Nhu cầu giao dịch Bitcoin và các dịch vụ liên quan đến tiền ảo tại Nhật Bản đang bùng nổ”, Kano cho biết, “Việc FSA chấp thuận cho bitFlyer làm sàn giao dịch tiền ảo, cũng như sự cởi mở và các quy định tân tiến của cơ quan này, đến vào thời điểm không thể thích hợp hơn với công nghệ khối chuỗi”.

Đây là quyết định mới nhất cho thấy sự ủng hộ của Nhật với các loại tiền kỹ thuật số. Hồi tháng 4, họ đã thông qua luật công nhận Bitcoin là phương thức thanh toán. Nhiều hãng bán lẻ đã ủng hộ luật này. Tuần này, giới truyền thông cũng đưa tin các ngân hàng Nhật đang cân nhắc lập tiền kỹ thuật số riêng có tên J-Coin.

Các động thái của Nhật Bản hoàn toàn trái ngược với Trung Quốc. Giới chức Trung Quốc đã cấm huy động vốn bằng tiền ảo (ICO) từ đầu tháng 9. Vài sàn Bitcoin sau đó cũng thông báo ngừng giao dịch từ tháng 10.

Sáng 28/10, trong văn bản gửi cơ quan báo chí, Ngân hàng nhà nước đã khẳng định bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.

Việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.

Các hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức từ 150 triệu đến 200 triệu đồng.


Mạnh Long (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến