Mô hình cảng Phước An.
Nhiều bất đồng của cổ đông lớn
Điểm bất đồng của cổ đông lớn tại Cảng Phước An đã xuất hiện tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024, diễn ra ngày 28/6. Trong đó, nhóm cổ đông đại diện 35 triệu cổ phiếu, khoảng 17,5% vốn điều lệ đã phủ quyết nhiều văn bản quan trọng như Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2023, định hướng năm 2024; báo cáo thay đổi phương án sử dụng vốn đợt tăng vốn từ 1.500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng; báo cáo tình hình sử dụng vốn đợt tăng vốn từ 1.500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng; Báo cáo tình hình triển khai kế hoạch lựa chọn nhà thầu Phân kỳ 1 - Dự án cảng Phước An và khu dịch vụ hậu cần cảng; kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2023…
Thực tế, nếu xét về cơ cấu cổ đông tại thời điểm 31/12/2023, Cảng Phước An có 2 cổ đông lớn, gồm Công ty TNHH một thành viên Hoành Sơn (sở hữu 20,1% vốn điều lệ) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN (sở hữu 17,5% vốn điều lệ, với 35 triệu cổ phiếu), còn lại 62,4% vốn điều lệ thuộc cổ đông khác.
Thêm nữa, cũng tại Đại hội, ông Đào Minh Tùng, thành viên HĐQT, kiêm Phó tổng giám đốc Cảng Phước An, đồng thời là người đại diện phần vốn của PVN tại Cảng Phước An yêu cầu Công ty Cảng Phước An lập kế hoạch tổng thể triển khai dự án, cũng như khẩn trương xây dựng kế hoạch sản xuất - kinh doanh dài hạn, đảm bảo việc triển khai dự án và hoạt động sản xuất - kinh doanh hiệu quả, tuân thủ theo đúng các quy định của Nhà nước và pháp luật; Hội đồng Quản trị và Ban Điều hành Cảng Phước An chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cổ đông về việc quản lý, điều hành, đảm bảo hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn của các cổ đông và tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật.
Đồng thời, đề nghị Cảng Phước An khẩn trương hoàn thành xử lý dứt điểm khoản phải thu của Gói thầu xây lắp XL01 còn tồn lại 3,8 tỷ đồng, chịu trách nhiệm đối với các khoản công nợ phải thu, phải trả, trả trước cho người bán, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Đối với vấn đề Báo cáo tình hình triển khai kế hoạch lựa chọn nhà thầu Phân kỳ 1 - Dự án cảng Phước An và Khu dịch vụ hậu cần cảng, đại diện cổ đông PVN đề nghị Cảng Phước An thực hiện lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả.
Mặc dù hầu hết tờ trình bị phủ quyết, nhưng Đại hội vẫn được thông qua do nhóm cổ đông tư nhân nắm quyền chi phối.
Cổ đông nhà nước mất quyền kiểm soát sau các đợt phát hành riêng lẻ
Theo tìm hiểu, Cảng Phước An được thành lập để thực hiện việc đầu tư, khai thác cảng tổng hợp Phước An. Trong đó, cổ đông sáng lập ban đầu gồm PVN sở hữu 79,54%, Tổng công ty Phát triển khu công nghiệp sở hữu 17,05%, các cổ đông khác sở hữu 3,41% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2016, Cảng Phước An liên tục phát hành riêng lẻ để pha loãng sở hữu nhà nước.
Cụ thể, năm 2016, phát hành 46 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho Công ty TNHH một thành viên Hoành Sơn để tăng vốn điều lệ từ 440 tỷ đồng lên 900 tỷ đồng; năm 2017, tiếp tục phát hành thêm 20 triệu cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn từ 900 tỷ đồng lên 1.100 tỷ đồng; năm 2021, phát hành 40 triệu cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ từ 1.100 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng; năm 2022, chào bán riêng lẻ 50 triệu cổ phiếu để nâng vốn điều lệ từ 1.500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng.
Nếu như năm 2015, cổ đông nhà nước là PVN sở hữu 79,54% vốn điều lệ tại Cảng Phước An với 35 triệu cổ phiếu, thì trải qua 4 lần tăng vốn, từ 440 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng, số lượng cổ phiếu của PVN sở hữu tại Cảng Phước An không đổi, nhưng tỷ lệ sở hữu giảm giảm 62,04% (từ 79,54%, còn 17,5%).
Trong đó, đỉnh điểm lần tăng vốn năm 2016, Công ty phát hành 46 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho Công ty TNHH một thành viên Hoành Sơn và đơn này trở thành công ty mẹ của Cảng Phước An, thay PVN.
Vậy là, từ khi thành lập năm 2008 tới nay, cổ đông nhà nước không bán vốn, nhưng do trải qua các đợt phát hành riêng lẻ, tỷ lệ sở hữu nhà nước đã giảm từ trên 51% xuống còn 17,5% vốn điều lệ, quyền chi phối Công ty đã chuyển sang nhóm cổ đông tư nhân.
Sở hữu của PVN có thể giảm còn 14,71% vốn
Đầu tháng 7/2024, Cảng Phước An tiếp tục thông qua kế hoạch chào bán 38 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 12.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn so với giá thị trường hiện tại hơn 30.000 đồng/cổ phiếu, để tăng vốn từ 2.000 tỷ đồng lên 2.380 tỷ đồng.
Với việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ, trong khi cổ đông nhà nước PVN không thực hiện quyền mua, tỷ lệ sở hữu của cổ đông nhà nước sẽ tiếp tục giảm, từ 17,5% còn 14,71% vốn điều lệ, nếu kế hoạch thực hiện thành công.
Ông Lâm Văn Vân, đại diện Quỹ đầu tư ECI Capital chia sẻ: “Thông thường, để giảm áp lực pha loãng, các doanh nghiệp sẽ chọn phát hành riêng lẻ với giá cao hơn giá thị trường để bù đắp tỷ lệ pha loãng đối với cổ đông hiện hữu. Tuy nhiên, một số trường hợp phát hành riêng lẻ thấp hơn giá thị trường, nên nhà đầu tư hiện hữu chịu đồng thời 2 áp lực, gồm pha loãng tỷ lệ sở hữu và phải giao dịch giá thị trường cao hơn giá của nhóm cổ đông mới mua thông qua đợt phát hành riêng lẻ. Việc này có thể kích hoạt nhóm cổ đông mới chốt lời khi hết thời gian hạn chế chuyển nhượng”.
Như vậy, mặc dù Dự án cảng Phước An chưa đi vào khai thác, nhưng thông qua các đợt phát hành riêng lẻ, cổ đông nhà nước đã mất quyền kiểm soát tại dự án này.
Tác giả: Duy Bắc
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy