Dòng sự kiện:
Sở LĐ-TB&XH Bình Dương nói gì sau sai phạm cấp phép lao động nước ngoài
13/10/2023 16:54:08
Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương cho biết, để không xảy ra sai phạm trong cấp phép lao động cho người nước ngoài, đơn vị đã tự rà soát quy trình, các bước để chấn chỉnh.

Ông Phạm Văn Tuyên - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bình Dương cho biết, sau sai phạm trong cấp giấy phép cho lao động nước ngoài, việc cấp phép có bị chậm trễ do lãnh đạo và cán bộ của Sở bị Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam. Sau đó, Sở đã bố trí nhân sự thay thế, rà soát lại các quy trình để chấn chỉnh, đồng thời hướng dẫn doanh nghiệp trực tiếp nộp hồ sơ thay vì qua "cò dịch vụ" như trước đây. Do ban đầu doanh nghiệp trực tiếp làm nên thấy phiền hà vì hồ sơ thiếu nhiều giấy tờ và bị trả lại bổ sung. Để doanh nghiệp nắm rõ các thủ tục cần thiết, sở đã cử cán bộ hướng dẫn tại bộ phận một cửa Trung tâm Hành chính công.

Nhân sự các công ty nhờ cán bộ bộ phận tiếp nhận hồ sơ cấp phép lao động nước ngoài hướng dẫn làm thủ tục

Đơn vị cũng đã tham mưu UBND tỉnh ủy quyền lại cho Sở LĐ-TB&XH chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài để rút ngắn thời gian cho doanh nghiệp. Từ đó, việc cấp phép cho lao động nước ngoài tại sở được nhanh chóng, thuận lợi hơn.

Ngày 18/9/2023, Nghị định 70/2023 của Chính phủ có hiệu lực và việc cấp phép lao động nước ngoài không chia thành 2 cơ quan là Ban quản lí các khu công nghiệp (cấp phép lao động trong khu công nghiệp) và Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (cấp ngoài khu) mà quy về một đầu mối của Sở.

Các bị cáo trong vụ sai phạm cấp phép lao động nước ngoài xảy ra tại Bình Dương, Bình Phước tại phiên tòa đang được TAND tỉnh Bình Dương xét xử sơ thẩm

Với số lượng hồ sơ tăng gấp đôi nên đã gây áp lực lớn cho sở, do đó việc cấp phép có phần chậm trễ khiến doanh nghiệp phản ứng. Hiện Sở đang tăng cường nhân lực hỗ trợ và làm cả ngày nghỉ để kịp cấp phép cho lao động người nước ngoài.

Theo thống kê, toàn tỉnh có hơn 21.000 người lao động nước ngoài. Vụ án sai phạm trong cấp phép cho lao động nước ngoài đang được TAND tỉnh Bình Dương xét xử có 17 bị cáo, trong đó 7 bị cáo là cựu cán bộ bị xét xử về 2 tội “Nhận hối lộ” hoặc “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; 10 bị cáo khác phạm tội “Đưa hối lộ”, “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”, “Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”.

Ở ngày xét xử thứ 4, Viện kiểm sát đã đề nghị mức án cho 17 bị cáo. Trong đó, bị cáo Lê Minh Quốc Cường (57 tuổi, cựu Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương) bị Viện Kiểm sát đề nghị từ 3 đến 4 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Ông Phạm Văn Tuyên, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay số lượng hồ sơ xin cấp mới, gia hạn giấy phép nhiều trong khi nhân sự ít cũng gây áp lực không nhỏ cho sở

Bị cáo Nguyễn Kiên Cường (37 tuổi, cựu chuyên viên Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương) bị đề nghị từ 16 năm đến 16 năm 6 tháng tù về tội “Nhận hối lộ” với số tiền hơn 8,3 tỷ đồng. Cùng về tội "Nhận hối lộ", bị cáo Hoàng Thanh (60 tuổi, cựu Trưởng phòng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương), bị đề nghị mức án 14 năm đến 14 năm 6 tháng tù.

3 cựu Phó ban Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là Nguyễn Thành Trung (50 tuổi) bị đề nghị từ 2 đến 3 năm tù; bị cáo Đặng Quang Việt (64 tuổi) bị đề nghị từ 1 năm đến 2 năm tù; bị cáo Nguyễn Thành Nhân (51 tuổi) bị đề nghị từ 1 năm 6 tháng đến 2 năm 6 tháng tù.

Bị cáo Đinh Thái Tuấn, cựu Phó trưởng phòng Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Bình Phước bị đề nghị mức án từ 7 năm đến 7 năm 6 tháng tù về tội “Nhận hối lộ”. Đối với 10 bị cáo phạm tội “Đưa hối lộ”, “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”, “Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”, mức án cao nhất do Viện Kiểm sát đề nghị là từ 12 năm đến 14 năm tù giam, mức án thấp nhất 1 năm đến 1 năm 6 tháng tù treo.

Tác giả: Thiên Lý

Theo: VOV.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến