Trong Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016 do Kiểm toán Nhà nước (KTNN) trình Quốc hội, đề cập đến công tác giao đất, KTNN cho biết, đa số không thực hiện đấu thầu dự án hoặc đấu giá quyền sử dụng đất mà áp dụng ngay hình thức chỉ định nhà đầu tư là vi phạm Luật Đấu thầu và Nghị định số 71/2010/NĐ-CP, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP.
Theo báo cáo của KTNN, dự án 'đất vàng' 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1 cùng với 2 dự án 'đất vàng' khác tại TP.HCM là dự án số 8 Hoàng Minh Giám, phường 9, quận Phú Nhuận và dự án 79/81 Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh nằm trong số dự án chuyển mục đích sử dụng đất không đúng đối tượng, không thuộc danh mục di dời, không thuộc trường hợp giao chỉ định theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg và Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Liên quan đến lô "đất vàng" 2-4-6 Hai Bà Trưng rộng hơn 6.000m2 nằm tại trung tâm TP.HCM (phường Bến Nghé, quận 1), nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín và 4 cán bộ dưới quyền vừa bị Cơ quan điều tra của Bộ Công an khởi tố do sai phạm trong quản lý khu đất này.
Đầu năm 2016, dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng được dựng rào chắn khởi công, tuy nhiên, đến nay vẫn nằm yên bất động.
Khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng có 4 mặt tiền giáp với đường Hai Bà Trưng, Đông Du, Thi Sách và Công Trường Mê Linh (cạnh bên phố đi bộ Nguyễn Huệ) từng thuộc về Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) theo phương án sắp xếp lại nhà, đất công của Bộ Tài chính. Bộ Tài chính giao khu đất này cho Sabeco xây dựng trụ sở văn phòng và trung tâm thương mại dịch vụ văn phòng.
Tuy nhiên, từ một khu đất thuộc sở hữu nhà nước nằm ở vị trí đắc địa hiếm có tại trung tâm TP.HCM, 2-4-6 Hai Bà Trưng đã được giao không qua đấu giá và sau nhiều đường đi lắt léo lại về tay tư nhân. Đến nay, dự án vẫn là bãi đất trống bị bỏ hoang nhiều năm, chưa phát huy được hiệu quả của 'đất vàng'.
Vỉa hè 4 tuyến đường xung quanh khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng trở nên nhếch nhác sau một thời gian dài bị bỏ hoang.
Dự án thứ hai nằm trong số dự án chuyển mục đích sử dụng đất không đúng đối tượng, không thuộc danh mục di dời, không thuộc trường hợp giao chỉ định được Kiểm toán Nhà nước nhắc tên là dự án số 8 Đường Hoàng Minh Giám, phường 9, quận Phú Nhuận
Khu đất này nay là nơi tọa lạc dự án căn hộ chung cư Garden Gate, được xây dựng với diện tích 4.600m2. Dự án ban đầu có tên là Skyway Tower, nằm ngay liền kề công viên văn hóa Gia Định. Dự án cao 21 tầng, có 3 tầng dành cho thương mại và 272 căn hộ.
Dự án số 8 Hoàng Minh Giám, phường 9, quận Phú Nhuận đã hoàn thiện và đang cho thuê mặt bằng.
Khu đất số 8 Hoàng Minh Giám trước đây vốn do Công ty TNHH MTV du lịch Thanh niên Việt Nam (Công ty du lịch Festival) thuê làm xưởng sản xuất gỗ.
Năm 2012, Festival hợp tác với công ty bất động sản thành lập công ty liên doanh, làm thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án khu thương mại, dịch vụ, văn phòng, officetel và căn hộ.
Hiện nay Garden Gate đã có cư dân đến ở và một số thương hiệu đang thuê mặt bằng kinh doanh tại đây.
Dự án thứ ba được nhắc tên trong báo cáo của KTNN là dự án 79/81 Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh. Dự án 79/81 Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh vốn là dự án Saigonres Plaza nay được đổi địa chỉ thành 188 Nguyễn Xí. Chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Nam Đô (thành viên của Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn - Saigonres Group). Đơn vị phát triển dự án là Tập đoàn Đất Xanh.
Dự án Saigonres Plaza gồm 2 khối nhà A và B cao 22 tầng. Dự án gồm 749 căn hộ, có diện tích từ 65 - 92 m2. Dự án được khởi công vào tháng 5/2015 và khánh thành vào cuối năm 2016.
Dự án Saigonres Plaza gồm 2 khối nhà A và B cao 22 tầng tại 188 Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh (địa chỉ cũ là 79/81 Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh).
Hiện, khối đế Block A của Saigonres Plaza là 5 tầng thương mại với các tiện ích đã được định hình: cụm rạp chiếu phim 4D hiện đại CGV, khu siêu thị mua sắm vui chơi, khu nhà hàng cà phê, khu vực Gym Spa…
Khu đất 79/81 Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh trước đây vốn thuộc Công ty Thiết bị giáo dục 2. Công ty này được Nhà nước giao quản lý 21.053m2 nhà xưởng và văn phòng làm việc tại số 79/81 Nguyễn Xí. Mục đích là để phục vụ cho việc sản xuất thiết bị giáo dục. Thế nhưng, trên thực tế công ty chỉ sử dụng đúng mục đích một phần nhỏ diện tích. Toàn bộ phần còn lại rộng hơn chục ngàn mét vuông được đơn vị phân thành từng khu cho hàng chục công ty, cá nhân thuê làm cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Năm 2009, Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam đã tiếp nhận Công ty Cổ phần Thiết bị giáo dục 2 trở thành đơn vị thành viên.
Do gặp khó khăn trong kinh doanh nên Công ty Thiết bị giáo dục 2 đã bán lại một phần khu đất cho Saigonres (gần 1,15ha) để triển khai dự án trên.
Theo Nhà đầu tư
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy