Dòng sự kiện:
Số tiền nhận hối lộ của 'người đặc biệt' trong vụ Sài Gòn Đại Ninh sẽ bị tịch thu
05/12/2024 10:08:16
Truy tố 10 bị can trong vụ án Sài Gòn Đại Ninh, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao còn xác định, ông Trần Văn Minh (cố Phó Tổng Thanh tra Chính phủ) đã nhận hối lộ 10 tỷ đồng, do đó cần thu hồi số tiền này.

Dùng tiền “bẻ lái” kết luận thanh tra

Tại bản cáo trạng truy tố các bị can vụ Sài Gòn Đại Ninh, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao xác định, bị can Mai Tiến Dũng (cựu Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - VPCP) cùng 2 bị can liên quan phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Bị can Nguyễn Cao Trí (Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh - SGĐN) phạm tội “Đưa hối lộ”.

Các bị can Trần Đức Quận (cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng); Trần Văn Hiệp (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng); Lê Quốc Khanh (cựu Phó Cục trưởng Cục Thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 2, Cục II, Thanh tra Chính phủ); Hoàng Văn Xuân (cựu Thanh Tra viên chính Cục II, Thanh tra Chính phủ); Nguyễn Nho Định (cựu Thanh Tra viên chính Cục II, Thanh tra Chính phủ) và Nguyễn Ngọc Ánh (cựu Thanh tra viên chính, Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng) bị truy tố tội “Nhận hối lộ”.

Bị can Nguyễn Cao Trí - Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh.

Theo cáo buộc, Dự án Đại Ninh do Công ty SGĐN làm chủ đầu tư có diện tích hơn 3.500ha gồm đất rừng, đất lòng hồ, đất ngoài lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, được cấp phép năm 2010. Dự án Đại Ninh để xảy ra nhiều sai phạm nên năm 2020, Thanh tra Chính phủ (TTCP) ra kết luận số 929 kiến nghị chấm dứt hoạt động, thu hồi dự án.

Biết việc này, bị can Nguyễn Cao Trí đã mua lại dự án, đồng thời tác động đến cán bộ thuộc VPCP, TTCP, UBND tỉnh Lâm Đồng để dự án được hoạt động. Do tác động của Trí nên TTCP ra kết luận mới theo hướng đi ngược lại kết luận thanh tra 929 trước đó. Dự án Đại Ninh không bị thu hồi mà được gia hạn, tiếp tục thực hiện. 

Nhằm “bẻ lái” được kết luận thanh tra, Nguyễn Cao Trí đưa hối lộ cho nhiều cá nhân. Trong đó, hối lộ cựu Bí thư Lâm Đồng Trần Đức Quận 2,1 tỷ đồng, cựu Chủ tịch tỉnh Trần Văn Hiệp 4,2 tỷ đồng. Tại Văn phòng Chính phủ, Trí biếu cựu Bộ trưởng Mai Tiến Dũng 200 triệu đồng và đưa cho Trần Bích Ngọc 50 triệu đồng...

Không xử lý hình sự đối với một số cá nhân

Ngoài việc cáo buộc, truy tố 10 bị can trong vụ án, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao cũng xác định còn một số cá nhân liên quan.

Cụ thể, theo Viện kiểm sát, ông Trần Văn Minh (Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, đã chết), là người ký kết luận thanh tra 929 kiến nghị Chính phủ thu hồi Dự án Đại Ninh. Tuy nhiên, ông Minh về sau đã nhận hối lộ 10 tỷ đồng từ Nguyễn Cao Trí.

Một góc Dự án Đại Ninh tại tỉnh Lâm Đồng.
 

Sau khi nhận hối lộ, ông Minh hướng dẫn Trí tác động đến các cá nhân có thẩm quyền thực hiện việc chuyển đơn trái quy định của pháp luật; lập hồ sơ hợp thức về năng lực tài chính của Công ty SGĐN; ký quyết định thành lập và chỉ đạo tổ công tác đề xuất, trình Minh ký báo cáo 715 và kết luận 1033 kiến nghị sửa đổi kết luận thanh tra 929 theo hướng không thu hồi, giãn tiến độ Dự án Đại Ninh.

Theo Viện kiểm sát, hành vi của ông Minh tạo điều kiện cho Nguyễn Cao Trí trục lợi, đủ yếu tố cầu thành tội “Nhận hối lộ”. Tuy nhiên, do ông này đã chết nên không xem xét trách nhiệm hình sự, song cần thu hồi số tiền đã nhận hối lộ.

Đối với Phạm Đức Thắng (Phó Giám đốc) và Trần Mai Hải Đăng (Kiểm toán viên Công ty Kiểm toán DFK), Viện kiểm sát đánh giá, hai người này đã ban hành báo cáo kiểm toán về tình hình góp vốn của các cổ đông tại thời điểm 31-12-2020, xác định vốn góp của chủ sở hữu dự án là 2.000 tỷ đồng. Đây là hành vi vi phạm các quy định của Chuẩn mực kiểm toán số 260 và Chuẩn mực kiểm toán số 500.

Nhưng ông Thắng và Đăng không biết mục đích sử dụng báo cáo kiểm toán của Trí là để xin gia hạn Dự án Đại Ninh nên chưa đủ căn cứ xử lý hình sự. Mặt khác, Công ty DFK đã nộp lại số tiền 50 triệu đồng phí dịch vụ kiểm toán, Cơ quan điều tra đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, xử lý bằng biện pháp khác.

Một số cá nhân tại VPCP, TTCP, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng có hành vi sai phạm liên quan ở các mức độ khác nhau nhưng không thỏa thuận, thông đồng với Nguyễn Cao Trí và Công ty SGĐN.

Theo Viện kiểm sát, những cá nhân này giữ vai trò thứ yếu, thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao và theo sự chỉ đạo của cấp trên nên không cần thiết phải xử lý bằng hình sự. Thay vào đó, cơ quan tố tụng có văn bản kiến nghị xử lý nghiêm về Đảng và hành chính.

Viện kiểm sát cũng xác định, một số cá nhân khác cũng có dấu hiệu sai phạm. Tuy nhiên, do thời hạn điều tra vụ án đã hết nên Cơ quan điều tra tách rút thông tin, tài liệu liên quan đến các cá nhân này để tiếp tục điều tra, xử lý sau là có căn cứ.

Tác giả: Hoàng Lâm
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến