Sáng nay (6/12), Ngân hàng KienLongBank điều chỉnh giảm lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn từ 1-3 tháng. Cụ thể, kỳ hạn 1 và 2 tháng giảm 0,4%/năm xuống còn 4,15%/năm. Kỳ hạn 3 tháng cũng được KienLongBank điều chỉnh giảm mạnh 0,6%/năm, về còn 4,15%/năm.
Lãi suất giảm quá nhanh và mạnh khiến nhiều người gửi tiền bị sốc.
Trước đó, đầu tháng 12, ngân hàng Eximbank giảm 0,1% lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng xuống 4,9%/năm; lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng cũng giảm 0,1 điểm phần trăm lãi suất xuống 5,5%/năm.
Các kỳ hạn còn lại, lãi suất giữ nguyên với kỳ hạn 1-2 và 3 tháng lần lượt là 3,6%-3,7% và 3,9%/năm. Kỳ hạn 9 tháng là 5,3%/năm, kỳ hạn 15 tháng là 5,6%/năm.
Như vậy, Kể từ đầu tháng 12 đến nay đã có 4 ngân hàng giảm lãi suất huy động là HDBank, Techcombank, Eximbank, KienLongBank.
Trong tuần trước, các ngân hàng thương mại nhà nước và một số ngân hàng thương mại cổ phần tiếp tục điều chỉnh giảm thêm lãi suất huy động. Lãi suất ở các Ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) giảm về thấp nhất trong lịch sử, chỉ từ 4,3% - 4,8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.
Hiện chỉ còn một số ngân hàng duy trì mức lãi suất trên 6% đối với tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng. Trong đó, lãi suất tiền gửi cao nhất hiện nay là 6,5% thuộc về HDBank với kỳ hạn tiền gửi 18 tháng, dành cho khách hàng thông thường.
Tại ACB, lãi suất huy động kỳ hạn 13 tháng đang niêm yết là 4,6%/năm, nhưng “lãi suất đặc biệt” dành cho khách hàng gửi tiền từ 200 tỷ đồng trở lên là 5,6%/năm.
MSB đang huy động tiền gửi kỳ hạn 12 và 13 tháng với lãi suất 5,1%/năm, tuy nhiên khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất lên đến 9%/năm khi số tiền gửi từ 500 tỷ đồng.
Nhìn lại tháng 11 vừa qua có đến 32 ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động. Trong đó có những ngân hàng lớn có ảnh hưởng đến thị trường như Agribank, VietinBank, Vietcombank, Techcombank, MB, Sacombank, ACB,…
Những ngân hàng có hai lần điều chỉnh giảm lãi suất như VietBank, Dong A Bank, VIB, NCB, OCB, Bac A Bank, Sacombank, BaoVietBank, BVBank.
Techcombank có tới 3 lần giảm lãi suất trong tháng qua.
Trong báo cáo vừa công bố VNDirect Research, về lãi suất huy động, tính đến ngày 24/11, bình quân kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng quốc doanh đã giảm về mức 5,13%/năm, giảm 0,1 % so với cuối tháng 10.
Trong khi đó lãi suất huy động 12 tháng của các ngân hàng tư nhân dao động từ 4,6% đến 5,7%/năm với mức bình quân khoảng 5,14%/năm, giảm gần 0,3% so với tháng trước.
Một số ngân hàng thương mại có mức bình quân lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng giảm mạnh nhất so với tháng trước bao gồm: Sacombank (giảm 0,7 %), ACB (giảm 0,5%), SHB (giảm 0,3%) và LPBank (giảm 0,3%).
Như vậy so với đầu năm nay mặt bằng lãi suất huy động hiện nay đã giảm một nửa. Thời điểm này cũng là lúc nhiều khoản tiền gửi của người dân đáo hạn. Nhìn bảng lãi suất huy động mới, nhiều người hoang mang không biết nên gửi tiền tiếp tục hay đầu tư vào kênh khác.
Trên các hội nhóm mạng xã hội về ngân hàng, những ngày này nhận được nhiều câu hỏi về lãi suất gửi tiết kiệm để người dân lựa chọn. Tuy nhiên, mức chênh lệch giữa các ngân hàng thương mại không nhiều.
Chị Bích Thu (ở Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, từ đầu năm chị nhận được nhiều nhân viên ngân hàng chào mời gửi tiết kiệm 9-10%/năm, cộng thêm nhiều quà tặng. Đến nay, khoản tiền gửi kỳ hạn 9 tháng đến hạn đáo hạn nhưng khi nhìn vào bảng lãi suất chị Thu không khỏi "sốc".
"Lãi suất giảm quá nhanh và bằng một nửa so với đầu năm tôi gửi. Năm nay khó khăn nên dù lãi suất thấp nhưng tôi vẫn quyết định gửi ngân hàng nhưng chọn kỳ hạn ngắn để có thể rút ra bất cứ lúc nào cho kênh đầu tư khác", chị Thu nói.
Với khoản tiền 5 tỷ đồng vừa đáo hạn tại ngân hàng, anh Minh Quân (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, gia đình anh chia chứng vào nhiều giỏ, hiện khoản đầu tư vào bất động sản vẫn nằm im chưa thanh khoản, chứng khoán lỗ nên tôi quyết định gửi tiếp ngân hàng.
"Trước đây, với khoản tiền gửi này, tôi còn thỏa thuận lên tới hơn 10%/năm kỳ hạn 18 tháng. Thậm chí, vào những ngày đặc biệt như lễ, Tết, sinh nhật, tôi thường xuyên nhận được quà tặng có giá trị từ ngân hàng. Nay, chính ngân hàng này đưa lãi suất về dưới 5%/năm kỳ hạn 12 tháng khiến tôi bất ngờ. Nhìn sang các ngân hàng thương mại khác, lãi suất cũng tương đương".
Theo anh Quân, với khoản tiền gửi này, mỗi tháng anh chỉ nhận 15 triệu đồng tiền lãi thay vì hơn 40 triệu đồng tiền lãi như trước.
Theo số liệu mới được Ngân hàng Nhà nước công bố, lượng tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng đã tăng thêm 15.935 tỷ đồng trong tháng 9, lên mức kỷ lục hơn 6,449 triệu tỷ đồng. Mức tăng này cao gấp 11 lần cùng kỳ năm 2022 nhưng là tháng tăng thấp thứ hai trong 9 tháng đầu năm (chỉ cao hơn tháng 7 - tăng 6.707 tỷ đồng). So với cuối năm 2022, lượng tiền gửi của dân cư đã tăng tổng cộng 583.494 tỷ đồng, tương đương 9,95%. Đây là mức tăng trưởng tiền gửi 9 tháng cao nhất kể từ năm 2018. |
Tác giả: Ngọc Mai
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy