Ðáng chú ý, báo cáo tài chính 9 tháng của không ít ngân hàng ghi nhận nợ xấu tiếp tục tăng khá mạnh, cả về tỷ lệ lẫn giá trị tuyệt đối.
Nợ xấu nhiều ngân hàng tăng mạnh
BIDV là điển hình cho nhóm này, khi số dư nợ xấu đã tăng thêm 3.634 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm lên 22.436 tỷ đồng.
Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng thêm hơn 5.000 tỷ đồng, lên 12.194 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu vì thế cũng tăng từ mức 1,9% tại thời điểm cuối năm 2018 lên 2,09% vào cuối tháng 9/2019.
Số dư nợ xấu của Vietcombank cũng tăng từ 6.223 tỷ đồng thời điểm cuối năm 2018 lên 7.625 tỷ đồng; trong đó, nợ nhóm 5 tăng gần 100 tỷ đồng lên 4.860 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu vì thế cũng tăng từ mức 0,98% lên 1,08%.
Techcombank, tại thời điểm cuối tháng 9, có số dư nợ xấu là 3.704 tỷ đồng, tăng 901 tỷ đồng so với cuối năm 2018; tỷ lệ nợ xấu cũng tăng từ 1,75% lên 1,80%.
Hay như ACB, nợ xấu tăng từ 1.675 tỷ đồng cuối năm 2018 lên 1.705 tỷ đồng tính tại thời điểm cuối tháng 9 và nợ nhóm 5 tăng từ 1.164 tỷ đồng lên 1.191 tỷ đồng. Techcombank và ACB cũng là những ngân hàng ghi nhận giảm mạnh chi phí dự phòng, hỗ trợ lợi nhuận trong thời gian qua.
Tại một số ngân hàng khác, mặc dù tỷ lệ nợ xấu có giảm nhẹ, song số dư nợ xấu tuyệt đối vẫn tăng như VietinBank và VPBank. “Do dư nợ tín dụng (mẫu số) tăng lên đẩy tỷ lệ nợ xấu xuống, còn thực tế giá trị tuyệt đối vẫn tăng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế phân tích.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng vừa gửi báo cáo tới Quốc hội đã cho biết, hiện nay, có nhiều dự án BOT, BT giao thông đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu, với dư nợ khoảng 53.000 tỷ đồng có nguy cơ phải cơ cấu nợ, phát sinh nợ xấu cho các ngân hàng thương mại.
“Nợ xấu đã xử lý được một bước quan trọng, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Nợ xấu hiện đang tập trung chủ yếu ở các tổ chức tín dụng yếu kém, tuy nhiên còn gặp nhiều khó khăn do để xử lý dứt điểm nợ xấu, thu hồi tài sản không sinh lời của các tổ chức tín dụng này đòi hỏi phải có cơ chế phân bổ tổn thất, giảm nhẹ gánh nặng tài chính bằng chính sách tài chính phù hợp để tổ chức tín dụng hấp thụ dần tổn thất, vượt qua được khó khăn tài chính.
Bên cạnh đó, việc xử lý, thu hồi nợ và tài sản bảo đảm của các ngân hàng mua bắt buộc khó khăn do phần lớn tài sản đảm bảo cho các khoản nợ đều đang bị kê biên, liên quan đến các vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh”, ông Lê Minh Hưng cho biết.
Còn nhiều nỗi lo
Theo ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc Agribank, bên cạnh những kết quả thu được từ quá trình thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội (về xử lý nợ xấu) trong thực tiễn còn có nhiều khó khăn, vướng mắc như sự vào cuộc của các bộ ngành hữu quan và chính quyền địa phương có các mức độ quyết liệt khác nhau. Cách ứng xử của mỗi địa phương cũng khác nhau trong vấn đề xử lý nợ xấu.
“Việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm còn hạn chế. Với tổng số 6.805 vụ tranh chấp dân sự của Agribank mà tòa án đã và đang giải quyết, có một số vụ việc chuyển thủ tục rút gọn nhưng qua quá trình thụ lý lại chuyển sang thông thường”, ông Vượng chia sẻ.
Việc hỗ trợ chưa đúng tinh thần Nghị quyết 42 được ông Vượng nêu điển hình là trong vụ xử lý nợ tại Dự án Khu dân cư Hòa Lân, do Công ty Thiên Phú làm chủ đầu tư. Ðây là khoản tín dụng do Agribank Chi nhánh Chợ Lớn cấp từ những năm 2003 - 2007.
Ðược biết, Agribank đã tiến hành xử lý tài sản theo đúng quy định và sau 13 lần đấu giá công khai đã thành công.
Ðến ngày 15/3/2019, Công ty Kim Oanh TP.HCM, đơn vị mua tài sản đấu giá đã thanh toán đủ số tiền mua tài sản, Agribank đã thu nợ cho Công ty Thiên Phú.
Tuy nhiên, UBND tỉnh Bình Dương chưa thực hiện các thủ tục chuyển đổi chủ đầu tư Dự án cho Công ty Kim Oanh TP HCM và Tòa án Nhân dân Quận 7, TP.HCM có quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm dịch chuyển quyền về tài sản dưới mọi hình thức.
Việc hoàn trả tài sản đảm bảo là vật chứng trong các vụ án hình sự, ông Vượng chia sẻ, hiện cũng là một vấn đề phải phụ thuộc nhiều vào quan điểm của mỗi cơ quan tiến hành tố tụng do chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào giải thích cụ thể thế nào là “ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án”.
Bên cạnh đó, nhiều tài sản bảo đảm đã đấu giá thành công không chuyển nhượng được trong thời gian dài do vướng mắc về thuế mặc dù thu không đủ nợ gốc, gây thiệt hại cho cả bên mua và bên vay.
Việc phải thực hiện nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thực tế thu hồi nợ, tăng nghĩa vụ còn lại với ngân hàng; có trường hợp phát mại tài sản đảm bảo trị giá hơn 500 tỷ đồng bằng hình thức trả chậm 20 năm nhưng phải nộp thuế ngay hơn 40 tỷ đồng.
“Nhằm tạo điều kiện triển khai có hiệu quả hoạt động cho vay đối với các dự án giao thông theo hình thức BOT, phục vụ phát triển kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ và tham gia hỗ trợ tích cực với ngành ngân hàng: thứ nhất, hoàn thiện cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông; thứ hai, tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm huy động các nguồn vốn có tính chất dài hạn phù hợp với nhu cầu vốn dài hạn của các dự án; thứ ba, tập trung xử lý các vướng mắc liên quan đến thu phí và triển khai thu phí tự động không dừng”, Thống đốc kiến nghị.
Ðể tạo điều kiện triển khai có hiệu quả Nghị quyết 42 và Ðề án 1058, Ngân hàng Nhà nước cũng đề xuất Quốc hội yêu cầu Tòa án Nhân dân Tối cao thực hiện ba nhóm giải pháp.
Một là, sớm có văn bản gửi cơ quan toà án địa phương yêu cầu các đơn vị này ưu tiên áp dụng các thủ tục rút gọn được quy định tại Nghị quyết số 03/2018/NQ-HÐTP khi giải quyết các vụ án liên quan đến xử lý nợ xấu.
Hai là, xem xét, phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp (Tổng cục Thi hành án dân sự) sớm có văn bản chỉ đạo về việc hoàn trả các tài sản đảm bảo là vật chứng của vụ án hình sự sau khi đã hoàn tất các thủ tục xác minh chứng cứ quy định tại Nghị quyết 42.
Ba là, phối hợp với Cơ quan thi hành án dân sự sớm xây dựng hệ thống dữ liệu liên quan đến các vụ việc đang được thụ lý giải quyết và cho phép các tổ chức tín dụng được tra cứu, trích xuất các thông tin liên quan từ hệ thống dữ liệu này.
Theo Đầu tư chứng khoán
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy