Dòng sự kiện:
'Soi' hai sự kiện quốc tế tác động đến chứng khoán Việt
18/03/2018 07:00:34
Theo các chuyên gia Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), hai sự kiện quốc tế cần theo dõi là nguy cơ chiến tranh thương mại do Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump khởi xướng và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED)

Lý do, đây là hai sự kiện có sức tác động khá mạnh đến xu hướng dòng vốn trong tương lai, đặc biệt là tại các thị trường mới nổi (EM). Việt Nam dù chưa thuộc EM nhưng cũng đang ngấp nghé được thăng hạng vào thị trường này nên thị trường chứng khoán (TTCK) cũng sẽ bị những tác động tương tự.

FED nâng lãi suất sẽ khiến dòng tiền rút khỏi EM

Có thể thấy, phản ứng tiêu cực của thị trường tài chính trong quãng thời gian cuối tháng 2/2018 được gắn với nguyên nhân chính là FED sẽ nâng lãi suất nhiều hơn so với dự kiến. Xác suất FED nâng lãi suất 2 lần trong năm 2018 giảm nhanh, thế vào đó là xác suất nâng 3 và đặc biệt là 4 lần. Vào ngày 9/2/2018, xác suất dự báo FED nâng lãi suất 4 lần là 12,6%, nhưng đến đầu tháng 3, tỷ lệ này đã tăng lên 24%.

Nhà đầu tư Nhật Bản tìm hiểu thị trường Việt Nam. Ảnh Đ.Doãn

Hai sự kiện được cho là có ảnh hưởng lớn đến khả năng FED nâng lãi suất là việc Tổng thống Donald Trump đưa ra quan điểm cần tăng thuế với thép và nhôm, đẩy giá thép và nhôm tại Hoa Kỳ tăng, làm tăng dự báo lạm phát. Hơn thế, giới đầu tư lo ngại đây mới chỉ là dấu hiệu ban đầu của các cuộc chiến thương mại trong tương lai, từ đó còn kéo nhiều mặt hàng khác tăng giá.

Sự kiện thứ hai, Chủ tịch mới của FED, ông Jerome Powell, trong phiên điều trần trước Ủy ban Tài chính Quốc hội Hoa Kỳ ngày 27/2 cho biết, các thành viên của FED “đang cân nhắc các diễn biến kể từ phiên họp tháng 12 và đưa ra lộ trình lãi suất mới”.

Phát biểu này ngay lập tức được giới đầu tư đánh giá là sẽ tăng khả năng FED nâng lãi suất nhiều hơn so với dự kiến. Tính đến thời điểm hiện tại, FED đã nâng lãi suất 5 lần, trong đó 2 năm 2015 và 2016 mỗi năm tăng 1 lần vào tháng 12, còn vào năm 2017, FED nâng lãi suất 3 lần vào tháng 3, 6 và 12.

Trước mỗi lần FED nâng lãi suất, phản ứng của dòng vốn lại rất khác nhau. Năm 2015 dòng vốn thể hiện xu hướng thường thấy đó là rút khỏi các thị trường mới nổi để chuyển về các thị trường phát triển (DM), đặc biệt là Hoa Kỳ. Tỷ lệ dự báo FED nâng lãi suất vào phiên họp tháng 12/2015 thường xuyên ở mức cao trên 60%.

Trái lại, khi bước sang năm 2016, tỷ lệ dự báo FED nâng lãi suất biến động tăng giảm liên tục, có lúc rơi xuống thấp dưới 20%. Nguyên nhân chính là các căng thẳng chính trị Trung Đông dẫn đến các xáo trộn kinh tế tại Châu Âu, Brexit và lo ngại Trung Quốc hạ cánh cứng làm giảm triển vọng kinh tế toàn cầu, từ đó hạ thấp khả năng FED nâng lãi suất.

Mọi chuyện thay đổi nhanh kể từ khi ông Donald Trump thắng cử Tổng thống vào đầu tháng 11/2016. Tỷ lệ dự báo FED nâng lãi suất vào tháng 12/2016 lập tức tăng nhanh. Cùng với đó dòng vốn cũng xoay về xu hướng thường thấy, rút khỏi EM và đổ về DM.

Yếu tố tác động đến dòng vốn ngoại tại Việt Nam

Tuy nhiên, giới đầu tư cũng càng ngày càng hoài nghi về khả năng thực thi các chính sách của ông Donald Trump. Cùng với đó, các dấu hiệu kinh tế hồi phục không chỉ ở Hoa Kỳ mà trên phạm vi toàn cầu đã khiến dòng vốn nhanh chóng quay trở lại các kênh đầu tư mạo hiểm, bao gồm cổ phiếu và thị trường mới nổi. Kể từ tháng 1/2017, các quỹ đầu tư cổ phiếu của cả DM lẫn EM cùng nhận được dòng vốn mạnh và xu hướng này tiếp diễn sang năm 2018.

Tại Việt Nam, hiện đang có 4 quỹ ETF đầu tư chuyên biệt vào Việt nam với phần lớn vốn của các quỹ đến từ các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài. Dòng tiền vào (Inflow) 4 quỹ ETF này tăng rất nhanh trong tháng 1/2018 và chững lại từ tháng 2. So với mức đỉnh ngày 7/2/2018, lượng vốn bị rút ra (outflow) là 383 tỷ đồng, bằng 7% tổng lượng vốn đổ vào từ đầu năm tính cho đến ngày 7/2.

Giá trị của 4 ETF là không lớn nếu so sánh với tổng giá trị đầu tư của NĐT nước ngoài tại Việt nam. Tuy nhiên có một sự tương đồng giữa dòng vốn ở 4 ETF với xu hướng dòng vốn tại các EM và việc bán ròng của NĐT nước ngoài tăng lên ở Việt Nam trong tháng 2. Vì lẽ này, có một mối liên hệ nhất định giữa xu hướng dòng vốn trên toàn cầu với xu hướng mua/bán ròng của NĐT nước ngoài trên TTCK Việt nam.

Với xu hướng dòng vốn trên toàn cầu chưa xoay chuyển theo hướng bất lợi cho EM, hiện tại chưa quá lo ngại về dòng vốn nước ngoài rút khỏi Việt Nam. Tuy vậy, hai sự kiện quốc tế cần phải tiếp tục theo dõi để có thể dự báo được xu hướng dòng vốn trong tương lai.

Thứ nhất, đó là nguy cơ chiến tranh thương mại do ông Donald Trump khởi xướng. Cuộc chiến thương mại sẽ ảnh hưởng đến các nước xuất khẩu nhiều vào Mỹ, trong đó có Việt nam. Từ đây sẽ dẫn đến nhiều hệ quả như cán cân thương mại, tỷ giá… tác động đến tăng trưởng và tâm lý của NĐT nước ngoài.

Thứ hai là khả năng FED nâng lãi suất do lạm phát. Bên cạnh yếu tố lạm phát đến từ chiến tranh thương mại, lạm phát còn đến từ nhiều nguyên nhân khác, bao gồm cả việc tăng lương. Nếu khả năng FED nâng lãi suất 4 lần trong năm 2018 tăng, chiến lược phân bổ tài sản và xu hướng dòng vốn trên toàn cầu rất có thể sẽ thay đổi.

“Tóm lại, mặc dù chưa phải quá lo lắng về xu hướng rút vốn của NĐT nước ngoài, nhưng những diễn biến mới tại Hoa Kỳ đang tạo ra nhiều ẩn số cho xu hướng dòng vốn toàn cầu cũng như tại Việt Nam trong thời gian tới”, báo cáo Dòng vốn toàn cầu (Global Fund Flow Update) của SSI nhận định.

Theo Thời báo Tài chính Việt Nam

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến