3 cái tên sở hữu tỉ lệ nợ xấu dưới 1%
Người Đưa Tin thống kê tại số liệu báo cáo tài chính quý I/2023 của 28 ngân hàng và nhận thấy, tổng số dư nợ xấu nội bảng của các ngân hàng đến thời điểm 31/3/2023 tăng 25% so với cuối năm 2022, lên mức hơn 170.000 tỷ đồng.
Trong số đó, hầu hết tỉ lệ nợ xấu của hầu hết ngân hàng đều tăng; chỉ có 3 ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu giảm là VietABank (giảm 0,37%), KienlongBank (giảm 0,25%) và PG Bank (giảm 0,1%).
Đáng chú ý, chỉ còn 4 cái tên ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu dưới 1% hiện tại là Vietcombank, ACB, Techcombank và Bac A Bank. Tuy nhiên, tỉ lệ nợ xấu của các ngân hàng đều trong xu hướng tăng so với thời điểm đầu năm.
Theo đó, Bac A Bank hiện là ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống với mức 0,57%, chỉ tăng nhẹ 0,02% so với đầu năm.
Các ngân hàng có tỉ lệ dưới 1% còn lại thuộc về "ông lớn" Vietcombank và Techcombank đều cùng mức 0,85%. Ngân hàng còn lại tiệm cận mức 1% là ACB với 0,97%.
Các ngân hàng ghi nhận tỉ lệ nợ xấu thấp trong hệ thống tính đến cuối quý I/2023, ở dưới mức 2% gồm Sacombank (1,19%), VietinBank (1,28%), VietABank (1,43%), TPBank và LienVietPostBank (1,45%), BIDV (1,59%), SeABank (1,6%), KienlongBank (1,64%), MB (1,76%), HDBank (1,85%).
Ngược lại, các ngân hàng giữ vị trí top đầu về nợ xấu sau quý I/2023 gồm VPBank (6,24%), VietBank (4,31%), ABBank (4,03%), BaovietBank (4,69%), VIB (3,64%), VietCapital Bank (2,93%), OCB (3,32%), SHB (2,83%)...
Xét về mức độ tăng của nợ xấu, các nhà băng ghi nhận nợ xấu tăng mạnh trong quý I/2023 gồm TPBank tăng mạnh nhất với 83,96%, MB (tăng 68,02%), OCB (tăng 1,4%), VIB (tăng 46,69%), BIDV (tăng 40,32%), ABBank (tăng 35,25%), MSB (tăng 33,76%), ACB (tăng 31,47%), Techcombank (tăng 30,13%).
5 ngân hàng có tỉ lệ bao phủ nợ xấu tăng trưởng dương
Nợ xấu tăng cao đồng nghĩa với việc nhiều ngân hàng cũng phải gia tăng chiến lược trích lập dự phòng rủi ro.
Các chuyên gia dự báo, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng năm 2023 sẽ tăng và ảnh hưởng trực tiếp triển vọng lợi nhuận ngân hàng.
Theo đó, các nhà băng có tỉ lệ cho vay lớn ở lĩnh vực bất động sản, các khoản cho vay này có thể trở thành nợ xấu nếu dòng vốn vào lĩnh vực này tiếp tục bị thắt chặt. Dù vậy, rủi ro tín dụng sẽ có sự phân hóa giữa các ngân hàng, các nhà băng có dư nợ tín dụng bất động sản cao sẽ phải đối mặt với áp lực trích lập dự phòng lớn hơn so với các ngân hàng thuần bán lẻ.
Cũng thống kê từ báo cáo tài chính quý I/2023 của 28 ngân hàng, tổng mức trích lập dự phòng rủi ro cho vay khách hàng trong 3 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 181.000 tỷ đồng, tăng 7,7% so với thời điểm đầu năm.
Trong đó, BIDV là “quán quân” dự phòng rủi ro cho vay khách hàng trong quý I khi tăng chỉ tiêu này 10,8% so với cùng kỳ lên gần 42.360 tỷ đồng, nhưng tỉ lệ bao phủ nợ xấu lại giảm từ 217% xuống 171%.
Tiếp đến là 2 “ông lớn” Vietcombank với 31.894 tỷ đồng, tăng gần 29% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, số dư dự phòng rủi ro tại VietinBank lại giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 29.500 tỷ đồng.
Những cái tên có số dư trích lập dự phòng rủi ro cao nhất hệ thống còn gồm VPBank, MB, SHB, Sacombank, Techcombank, ACB, Lienvietpostbank, HDBank, VIB đều trên mức hơn 3.000 tỷ đồng.
Xét về mức tăng của chỉ tiêu này, có đến 20 ngân hàng tăng cường trích lập dự phòng so với cùng kỳ. Trong đó, Vietcombank và MSB là những ngân hàng có số dư dự phòng rủi ro khách hàng tăng trên 20%.
Một số ngân hàng khác cũng có trích lập dự phòng tăng mạnh so với cùng kỳ như OCB (tăng 19,6%), SHB (tăng 19,1%), KienlongBank (tăng 15%),...
Ngược lại, có 8 ngân hàng lại giảm số dư dự phòng rủi ro tín dụng so với năm ngoái gồm VietinBank, VPBank, MB, Sacombank, ACB, LienVietPostBank, Bac A Bank và PG Bank.
Về tỉ lệ bao phủ nợ xấu, những ngân hàng có tỉ lệ bao phủ nợ xấu cao trên 100% gồm Vietcombank (321%), BacABank (195%), VietinBank (173%), BIDV (171%), MB (138%), Techcombank (134%), ACB (117%), Lienvietpostbank (111%), SeABank (105%), Sacombank (104%).
Tuy nhiên, tỉ lệ bao phủ nợ xấu tại các ngân hàng đều có xu hướng giảm trong quý I/2023, phản ánh số dư nợ xấu tăng cao. Theo đó, MB, TPBank, VIB, ACB, Lienvietpostbank là những cái tên giảm mạnh chỉ tiêu này.
Tính đến hết quý I/2023, chỉ có 5 ngân hàng ghi nhận tỉ lệ bao phủ nợ xấu tăng trưởng dương gồm Vietcombank, SeABank, VietABank, SHB, PG Bank.
Khó khăn từ bất động sản thử thách ngành ngân hàng
Tại báo cáo cập nhật ngành ngân hàng quý I/2023 của Công ty Chứng khoán VNDirect, cơ quan này dẫn số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy tỉ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành cuối quý I đã tăng lên 2,9% so với mức 2% của đầu năm. Đa số các nhà băng đều ghi nhận tỉ lệ nợ xấu tăng và tỷ lệ bao phủ nợ xấu LLR giảm so với quý trước.
Theo VNDirect, khó khăn từ thị trường bất động sản vẫn là một thử thách lớn cho triển vọng ngành ngân hàng khi lĩnh vực này chiếm đến 21% tín dụng hệ thống vào cuối 2022.
Ngân hàng với bộ đệm dự phòng tốt và danh mục cho vay không tập trung vào bất động sản như Vietcombank, ACB… sẽ hạn chế được rủi ro hiện tại.
Tuy vậy, các chuyên gia tại công ty chứng khoán này kỳ vọng áp lực trích lập dự phòng cũng như rủi ro nợ xấu của các ngân hàng, cụ thể như Techcombank, MB, VPBank… được giảm bớt trong thời gian tới, khi dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản có thể cải thiện phần nào nhờ các chính sách hỗ trợ được ban hành và một số các dự án bất động sản được tháo gỡ pháp lý.
Còn theo phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), nợ xấu có xu hướng gia tăng do sự đóng băng của thị trường bất động sản và sức khỏe tài chính của doanh nghiệp và người vay tiền có xu hướng yếu đi trong môi trường lãi suất cao, tuy nhiên sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm ngân hàng.
Nhóm phân tích cho rằng các ngân hàng có thể ghi nhận các khoản nợ xấu tăng nhanh trong năm nay, áp lực trích lập dự phòng cao dần về nửa cuối năm.
"Nhóm các ngân hàng có rủi ro ở thời điểm hiện tại các đơn vị có tỉ trọng cho vay bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp cao cũng như có tỉ lệ bao phủ nợ xấu thấp", báo cáo của VCBS nêu.
Chuyên gia Đặng Trần Phục - Chủ tịch HĐQT Azfin Việt Nam dự phóng tỉ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành ngân hàng sẽ tăng thêm 0,3 - 0,5% so với năm 2022.
Ông Phục cho rằng, thị trường bất động sản “đóng băng” khiến nợ xấu ngân hàng tăng lên. Vì phần lớn các khoản vay tại ngân hàng liên quan đến bất động sản.
Bên cạnh đó, tài sản đảm bảo chính của các ngân hàng cũng là bất động sản, nhưng do thanh khoản thị trường sụt giảm khiến việc thu hồi xử lý nợ xấu qua thanh lý tài sản bảo đảm đang rất chậm, tài sản rao bán dù giảm giá mạnh mà vẫn không tìm được người mua. Điều này tác động lên công tác xử lý nợ và nợ xấu ngân hàng.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy