Dòng sự kiện:
Sớm có thêm cơ chế thúc doanh nghiệp lớn lên sàn
07/07/2024 13:03:14
Trong khi có những doanh nghiệp lớn chờ đợi thị trường được nâng hạng, thị trường chứng khoán muốn tiến lên và trụ vững ở thị trường mới nổi, thì điều quan trọng lại lại chính là việc có “hàng hoá” tốt.

Rút ngắn thời gian IPO gắn với niêm yết

Đầu tuần này, hơn 300 triệu cổ phiếu DSE của Chứng khoán DNSE chính thức giao dịch trên sàn chứng khoán TP.HCM (HoSE). Đúng hẹn với những chia sẻ trước đó của lãnh đạo Công ty, DNSE lên sàn sau 5 tháng kể từ thời điểm hoàn tất chào bán cổ phần ra công chúng. Dù không phải lần tăng vốn mạnh nhất trong lịch sử hoạt động, song đợt chào bán này ghi nhận mức giá phát hành cao nhất (30.000 đồng/cổ phiếu), qua đó giúp công ty chứng khoán này thu về 900 tỷ đồng.

Đối với thị trường chứng khoán, đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của DNSE cũng là khởi đầu tích cực của năm 2024, sau năm liền trước có mức huy động thấp kỷ lục của kênh này.

Nửa đầu năm nay, trong khi tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt được khá thấp so với cùng kỳ những năm gần đây, thì kênh chứng khoán có phần khởi sắc hơn cùng kỳ, phát huy tốt vai trò huy động vốn cho nhiều tổ chức. Không ít doanh nghiệp đã thành công huy động vốn thêm cả ngàn tỷ đồng “tiền mới” thông qua hoạt động chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành riêng lẻ.

Chứng khoán đang phát huy tốt vai trò huy động vốn cho nhiều tổ chức. Ảnh: Đ.T

Ngoài DNSE chào sàn, một thương hiệu lớn ngành sữa cũng vừa trở thành tân binh của sàn HoSE trong tháng 6 mới đây. Tuy vậy, khác với DNSE, cổ phiếu MCM của Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu đã giao dịch trên sàn UPCoM từ 4 năm trước. Một thực tế được chỉ ra nhiều lần, trong 10 năm qua, Top 10 cổ phiếu lớn chủ yếu thay đổi thứ hạng, chứ chưa có nhiều hàng hoá mới; các doanh nghiệp có quy mô vốn hoá trên 1 tỷ USD vẫn chỉ loanh quanh 50 doanh nghiệp.

Chia sẻ tại một hội thảo mới đây, ông Bùi Hoàng Hải, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, cơ quan này đang đưa ra các giải pháp để tích hợp IPO và niêm yết. “Doanh nghiệp muốn thu hút nhà đầu tư tham gia IPO gặp khó khăn vì thời gian có cổ phiếu trên thị trường không kéo dài. Trong thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đưa ra các giải pháp để rút ngắn thời gian giữa hai quá trình này. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp lớn thu hút nhà đầu tư và nguồn vốn lớn. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang nghiên cứu và có giải pháp ban đầu, trong thời gian tới sẽ đưa vào các dự thảo, thông tư và nghị định”, ông Hải cho hay.

Cũng theo ông Hải, số lượng doanh nghiệp có vốn hóa thị trường trên 1 tỷ USD hiện nay “không hề ít” nếu so sánh với các nước trong khu vực. Qua trao đổi thực tế, có những doanh nghiệp có vốn hóa thị trường lớn chia sẻ rằng, họ đang chờ đợi thị trường chứng khoán nâng hạng mới niêm yết.

Nâng hạng - Bài toán cần sự đồng lòng

Trong khi có những doanh nghiệp lớn chờ đợi thị trường được nâng hạng để tham gia sân chơi, để nâng hạng thị trường chứng khoán và sau đó là trụ vững ở hạng thị trường mới nổi, thì điều quan trọng lại là cần có “hàng hoá” tốt.

Một trong các giải pháp để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam là sự minh bạch thông tin của các công ty niêm yết. Theo ông Bùi Hoàng Hải, trên thị trường chứng khoán, thông tin rất quan trọng. Lý do để thị trường chứng khoán tồn tại là nhằm phân bổ một cách có hiệu quả nguồn vốn đến địa chỉ tốt nhất. Không công bố minh bạch sẽ không thực hiện được chức năng ban đầu này.

Để có thông tin chất lượng, đáp ứng yêu cầu cao, ông Hải nhấn mạnh, cần thời gian dài, từ việc thay đổi ý thức của doanh nghiệp, không phải do cơ quan quản lý bắt buộc, mà xuất phát từ chính lợi ích của doanh nghiệp.

Nửa đầu năm nay, không ít doanh nghiệp đã thành công huy động vốn thêm cả ngàn tỷ đồng “tiền mới” thông qua hoạt động chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành riêng lẻ.

Giải pháp thứ hai từ phía các doanh nghiệp là câu chuyện quản trị công ty. Cơ quan quản lý đưa ra những yêu cầu tối thiểu để nâng cao quản trị công ty. Các doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở mức tuân thủ quy định, có thể tiến tới vượt trên tuân thủ, tăng cường sự giám sát, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.

Đồng tình với quan điểm trên, bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch HĐQT Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) cũng đánh giá, quản trị công ty là yếu tố quan trọng nhất, bên cạnh trách nhiệm xã hội để củng cố niềm tin thị trường đối với một doanh nghiệp niêm yết.

Không chỉ từ các doanh nghiệp niêm yết trên sàn, công ty chứng khoán thành viên cũng là yếu tố quan trọng cùng bước trong hành trình nâng hạng. Theo ông Nguyễn Khắc Hải, Giám đốc Khối phụ trách luật và Kiểm soát tuân thủ Công ty Chứng khoán SSI, đối với thay đổi khi áp dụng mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) hay dịch vụ hỗ trợ thanh toán đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, trách nhiệm thanh toán giao dịch cho nhà đầu tư thuộc về công ty chứng khoán, do đó, tất yếu các công ty chứng khoán phải chuẩn bị nguồn lực lớn về vốn để hạn chế rủi ro thanh toán.

Làn sóng tăng vốn mạnh mẽ của nhóm công ty chứng khoán thời gian qua, theo ông Nguyễn Khắc Hải, một phần cũng để đón đầu yêu cầu về nguồn vốn.

Công ty cổ phần Chứng khoán Tiên Phong phân phối được toàn bộ 100% lượng cổ phiếu ORS chào bán, thu về 1.000 tỷ đồng. Có tỷ lệ phân phối thành công ít hơn (77,94%), Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC) cũng thu ròng 1.780 tỷ đồng từ đợt chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 2:1.

Hiện tại, nhiều tổ chức đang tiến hành cũng như chuẩn bị các bước trong lộ trình tăng vốn. Chứng khoán VNDirect vừa chốt quyền nhận cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu và thực hiện quyền mua cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu hôm 30/5. Thời gian nộp tiền mua vừa kết thúc ngày 3/7.

Chứng khoán SSI mới đây cập nhật hồ sơ đăng ký phát hành chuẩn bị cho đợt tăng vốn phát hành tối đa tới 453 triệu cổ phiếu với giá phát hành 15.000 đồng/cổ phiếu.

Trong khi đó, Chứng khoán SHS vừa xây dựng hồ sơ phát hành vào cuối tháng 6, mục tiêu huy động 8.130 tỷ đồng.

Để đạt được mục tiêu nâng hạng, theo ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cơ quan quản lý sẵn sàng giữ vai trò tiên phong để thực hiện quá trình này. Tuy vậy, ông cũng nhấn mạnh, cơ quan quản lý nhà nước đi đầu, nhưng không đi một mình. Cả thị trường chứng khoán cần đồng lòng, không ai đi một mình, mà cần phải đi cùng nhau, gồm Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, doanh nghiệp niêm yết, các đơn vị truyền thông…

Tác giả: Thanh Thủy

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến