Dòng sự kiện:
'Sống chung an toàn với COVID-19' đòi hỏi thích ứng linh hoạt, hiệu quả
15/10/2021 14:58:33
Theo các chuyên gia, Nghị quyết 128 là bước thay đổi để Việt Nam dần trở lại cuộc sống bình thường mới, chung sống an toàn với dịch COVID-19.

 

Sau Nghị quyết 128 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, Bộ Y tế cũng đã có Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế nêu cụ thể 3 tiêu chí đánh giá cấp độ dịch. Theo đó, với từng cấp độ sẽ có những tiêu chí cụ thể, đi kèm với các yêu cầu xét nghiệm, cách ly và các phương án về y tế phù hợp.

Bộ Y tế nêu rõ, dựa trên những tiêu chí này, các địa phương sẽ dự trên thực tế để đảm bảo các biện pháp chuyên môn nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Độ bao phủ vaccine là một trong ba tiêu chí đánh giá cấp độ dịch.

Sống chung với dịch

Trước bước thay đổi linh hoạt này, PGS.TS Vũ Đình Thiểm, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho rằng đến thời điểm này, Việt Nam cần xác định sống chung với dịch COVID-19.

Nói về việc Bộ Y tế nêu 3 tiêu chí đánh giá cấp độ dịch, gồm: Tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian; Độ bao phủ vaccine và Đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến. theo PGS Vũ Đình Thiểm, tiêu chí về độ bao phủ vaccine chính là tiêu chí xác đáng để đánh giá các mức độ dịch ở các khu vực khác nhau, là một chỉ tiêu để đánh giá khả năng lây lan dịch. “Ở đâu tỷ lệ tiêm vaccine cao chắc chắn dịch sẽ giảm, còn nơi nào tỷ lệ tiêm vaccine còn thấp thì nguy cơ lây lan càng mạnh” - PGS Thiểm nói.

Theo các chuyên gia, sau gần 2 năm xuất hiện và diễn biến phức tạp, khó lường trên phạm vi toàn cầu, đại dịch COVID-19 đến nay vẫn liên tục xuất hiện những biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Trước tình trạng này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thay đổi quan điểm ứng phó dịch bệnh từ “Zero COVID-19” sang “sống chung an toàn với COVID-19”. Hiện các nhà khoa học vẫn chưa thể đánh giá được mất bao lâu để COVID-19 trở thành căn bệnh thông thường, nhưng chiến dịch tiêm vaccine sẽ giúp các quốc gia giảm tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 nặng phải nhập viện và tử vong.

Với Hà Nam, địa phương đang ghi nhận gần 700 ca mắc COVID-19 trong đợt bùng phát dịch mới từ ngày 19/9/2021, để thực hiện Nghị quyết 128, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy yêu cầu các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị quyết liệt thực hiện chiến dịch tiêm phòng vaccine, khẳng định đây là giải pháp căn cơ để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Lãnh đạo tỉnh Hà Nam yêu cầu, tập trung tiêm sớm, tiêm đủ 2 mũi vaccine cho tất cả các đối tượng nguy cơ cao như: Người lao động trong khu công nghiệp, chủ nhà trọ, cấp dưỡng, lái xe, bảo vệ, người bán hàng, người giao hàng, giáo viên...; tiếp tục rà soát, tiêm vaccine Pfizer cho người già, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền.

“Duy trì hoạt động thiết yếu ở vùng nguy cơ rất cao”

Nghị quyết 128 của Chính phủ về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả dịch bệnh COVID-19” có hiệu lực từ ngày 11/10 đã đánh dấu bước chuyển lớn trong tư duy, quan điểm chống dịch của Việt Nam. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Nghị quyết 128 vừa được Chính phủ ban hành đã đáp ứng với tình hình phòng, chống dịch COVID-19 mới hiện nay.

Ngày 14/10, xe buýt, taxi ở Hà Nội được hoạt động trở lại sau 3 tháng tạm dừng. (Ảnh minh họa)

Ông Phu nêu cụ thể, Nghị quyết 128 quy định và hướng dẫn đánh giá nguy cơ dịch bệnh để đưa ra những đáp ứng một cách hợp lý nhất, tránh hiện tượng dịch ở mức độ nguy cơ cao nhưng đáp ứng thấp dẫn đến không phòng được dịch. Đồng thời, tránh hiện tượng dịch ở mức độ nguy cơ thấp hoặc trên phạm vi hay nhỏ nhưng lại phản ứng thái quá ảnh hưởng tới làm ăn kinh tế và an sinh xã hội của người dân.

“Quy định đánh giá nguy cơ từ cấp xã nhưng có thể từ cấp độ nhỏ hơn. Thời gian qua có những địa phương ghi nhận một số ca mắc xâm nhập từ tỉnh khác về, nhưng đã tiến hành giãn cách theo Chỉ thị 15 hoặc 16 toàn tỉnh. Đây là điều mà tôi muốn nhấn mạnh về việc xác định nguy cơ dịch ở mắc độ nào để ứng phó hợp lý, hiệu quả” và thực hiện phong toả hoặc giãn cách đúng theo nguy cơ càng nhỏ càng tốt. Ông Phu nói.

Đáng chú ý, theo Nghị quyết 128, kể cả địa phương ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao), vẫn có một số hoạt động được phép. “Đây là những hoạt động thiết yếu và được duy trì dựa trên những nguyên tắc. Thứ nhất là độ phủ của vaccine. Thứ hai là đã đánh giá được nguy cơ và có đáp ứng để kiểm soát dịch như số giường bệnh để đảm bảo tiếp nhận bệnh nhân cần can thiệp y tế, đảm bảo ca bệnh nặng không tử vong. Trên thực tế nhiều địa phương đã có kinh nghiệm chống dịch, do đó có thể đảm bảo vừa duy trì các hoạt động thiết yếu vừa chống dịch hiệu quả. Theo đó, không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế”, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng phân tích.

Với quyết định mới ngày 14/10 của Bộ Y tế về tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi, ông Phu cũng cho rằng, đây là quyết định hoàn toàn phù hợp và cũng là một cách đáp ứng trong tình hình phòng, chống dịch COVID-19 mới.

“Dịch bệnh không trừ một ai và trẻ em cũng mắc bệnh. Khi có vaccine tiêm cho trẻ em chúng ta sẽ tiêm cho trẻ em theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất. Trẻ em khi đi học cần có miễn dịch. Với việc chuyển chiến lược từ “Zero COVID-19” sang “sống chung an toàn với COVID-19”, trẻ em sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ hơn, bởi mầm bệnh sẽ có trong cộng đồng và sẽ có nhiều ca mắc hơn”, ông Phu nhấn mạnh.

Theo quyết đinh của Bộ Y tế, đối tượng tiêm vaccine phòng COVID-19 được mở rộng cho người từ 12-17 tuổi theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp, trong đó, tiêm trước cho lứa tuổi từ 16-17 tuổi và hạ dần độ tuổi.

Tác giả: Thiên Bình - Minh Khánh

Theo: VOV.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến