Dòng sự kiện:
'Sốt' dịch vụ test cúm A tại nhà, chuyên gia khuyến cáo khẩn
04/08/2022 15:03:26
Lo ngại lây lan dịch khi đến các điểm công cộng như bệnh viện, nhiều người dân ở Hà Nội chọn dịch vụ test cúm tại nhà, với mức giá vô cùng đa dạng.

Con trai 3 tuổi của chị Nguyễn Hoài (Hoàng Mai, Hà Nội) sốt nhiều ngày liên tục. Ngày thứ 3, thấy trẻ vẫn chưa cắt sốt (trên 38.5 độ), người mỏi mệt, kém ăn, người mẹ vô cùng bất an. “Xung quanh nhiều người mắc cúm A và Hà Nội đang có dịch này vì vậy tôi nghi ngờ con cũng mắc cúm A”, chị Hoài nói.

Lo lắng, chị cho con đến một phòng khám tư cạnh nhà để test cúm A với giá 349 nghìn đồng. “Làm xét nghiệm buổi sáng, đến trưa chúng tôi nhận được kết quả. Cháu không bị cúm A, sau khi thăm khám tại một bệnh viện, con được chẩn đoán viêm Amidan cấp”, chị Hoài thông tin.

Tương tự, chị Lê Minh (SN 1992, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng sử dụng dịch vụ này khi xuất hiện các dấu hiệu sốt, đau đầu, họng rát, ho. “Ở Hà Nội, ngoài Covid-19, còn có nhiều dịch bệnh như cúm A, sốt xuất huyết, tay chân miệng… Khi xuất hiện các dấu hiệu như sốt, đau đầu… tôi nghĩ mình mắc cúm A vì trước đó tôi cũng đã tiếp xúc với đồng nghiệp mắc bệnh này”, chị Lê Minh chia sẻ.

Phiếu kết quả xét nghiệm tại một cơ sở y tế của chị Minh

Đinh ninh bản thân mắc cúm A như các đồng nghiệp và khi sốt, mệt mỏi, chị Minh dùng thuốc giảm đau, hạ sốt. Tuy nhiên đến nửa đêm, đầu “đau như búa bổ” khiến chị không thể ngủ nổi, thức trắng đêm. Đến ngày thứ 3 (ngày 31/7), không thể chịu nổi, chị Minh được chồng đưa ra phòng khám gần nhà kiểm tra. Cứ nghĩ là bị cúm A nhưng kết quả chị Minh nhận được lại là cúm B.

Theo đó, chị Minh test cúm A với giá 150 nghìn, kết quả âm tính. Chị thực hiện thêm test cúm B, giá 150 nghìn, kết quả dương tính. Được bác sĩ kê thuốc, người phụ nữ này về nhà và thực hiện việc cách ly tại phòng riêng để tránh lây cho chồng và con trai 3 tuổi.

Tuy nhiên hiện nay nhiều người khi nghi ngờ mắc cúm A không đến cơ sở y tế, thay vào đó họ gọi dịch vụ test tại nhà. Theo chị Minh, đồng nghiệp của chị cũng xuất hiện sốt, mệt mỏi nên gọi điện thoại cho dịch vụ tets tại nhà của một bệnh viện tư với giá hơn 300 nghìn đồng. Ngoài ra, 1 đồng nghiệp khác của họ cũng dùng dịch vụ test tại nhà. Kết quả, cả 2 người này đều mắc cúm A.

Do nhu cầu test cúm của người dân tăng, dịch vụ này trên mạng xã hội cũng vô cùng sôi động. Chỉ cần gõ từ khóa, hàng loạt kết quả hiện ra với quảng cáo sẵn sàng cung cấp dịch vụ này với mức giá cũng rất đa dạng.

Chị Thanh H. (Thanh Oai, Hà Nội) cũng nhận test tại nhà cho người dân nơi khu vực chị sống. Chia sẻ với PV VietNamNet, chị H. cho biết giá test nhập vào khoảng 100-105 nghìn đồng/kit vì vậy chị lấy giá test tại nhà 150 nghìn đồng/người. Người sử dụng dịch vụ sẽ được test 3 trong 1 (cúm A, cúm B và Covid-19) chỉ 15 phút là có kết quả.

Theo chị H., đây là mức giá phải chăng bởi có một số nơi test đơn (cúm A hoặc cúm B) báo giá 170 nghìn-180 nghìn đồng/người. Cũng theo chị H., khách hàng của chị chủ yếu là trẻ em. Do dịp này nhiều trẻ sốt kéo dài, bố mẹ lo lắng nên gọi người đến test tại nhà.

“Có trường hợp sốt cao, không hạ sau khi có kết quả là cúm A đã phải vào viện. Người sốt kéo dài, đau mỏi người không rõ nguyên nhân, họ test để yên tâm hơn”, chị H. thông tin.

Một loại test 3 trong 1 (cúm A, cúm B và Covid-19) được quảng cáo trên mạng

Gọi tiếp một số điện thoại cung cấp dịch vụ test tại nhà, phóng viên được thông tin dịch vụ test tại nhà 250 nghìn/đồng, nhanh chóng cho kết quả 3 trong 1 là cúm A, cúm B và Covid. Nếu tự mua que về test, giá là 180 nghìn đồng/kit. Dịch vụ test tại nhà đang “sốt”, giá test cúm A tuần qua cũng nhiều biến động. Một người bán chia sẻ giá bán lẻ (loại test 3 trong 1) là 80 nghìn/ kit, mua số lượng lớn sẽ được giá 60 nghìn/kit. Tuy nhiên, một số nơi khác, giá lại giao động từ 100-150 nghìn đồng/kit test.

Về vấn đề này BS Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM, cho biết test cúm A khá nhạy, khi sốt ngày đầu tiên nếu thực hiện test có thể ra kết quả (dương tính hoặc âm tính). “Độ chính xác cao nhưng người dân không cần thiết phải test”, BS Khanh chia sẻ.

Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính thường lưu hành khi thời tiết chuyển mùa, do các chủng virus cúm A phổ biến như A/H1N1, A/H3N2 gây ra. BS Trương Hữu Khanh, cho biết bệnh cúm có thể tự khỏi. Khi sốt quá cao, cần loại trừ mắc sốt xuất huyết, người dân mới nên test.

Người có yếu tố nguy cơ như lớn tuổi, suy giảm miễn dịch có bệnh nền (tiểu đường, huyết áp…), phụ nữ mang thai… nên tới cơ sở y tế để được test nhằm có kết quả chính xác. BS Khanh không khuyến cáo người dân tự test vì có thể kết quả sai dẫn đến xử trí bệnh sai ví dụ uống thuốc không đúng gây kháng thuốc…

“Tại cơ sở y tế, tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định có nên test hay không. Việc test tràn lan gây lãng phí và có thể kết quả không chính xác. Điều trị tại nhà cúm A như các bệnh về viêm đường hô hấp trên. Người bệnh sử dụng thuốc phải có sự tư vấn của bác sĩ, đặc biệt là thuốc kháng virus”, BS Khanh khẳng định.

Về vấn đề một số người chia sẻ, triệu chứng cúm A nặng hơn Covid-19, BS Khanh cũng giải thích do người đó chưa từng mắc cúm A. Cúm A có 2 dạng, với những người có miễn dịch (ví dụ từng mắc cúm, chích ngừa vắc xin) triệu chứng sẽ nhẹ hơn.

Nhóm thứ 2 là những người chưa miễn dịch (chưa mắc cúm, chưa tiêm vắc xin cúm) sẽ có triệu chứng nặng hơn như sốt cao, mệt mỏi… Thời gian khỏi bệnh từ 5-7 ngày. Trường hợp bệnh trở nặng như tím tái, thở nhanh, thở mệt… người dân phải đến ngay cơ sở y tế.

BS Nguyễn Trí Thức - Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng đưa ra lời khuyên, đôi khi các triệu chứng cúm A tự khỏi, hoặc nhẹ có thể điều trị tại nhà. Nhưng nếu các triệu chứng kéo dài hơn 1 tuần, người bệnh không được chủ quan mà nên đến cơ sở khám chữa bệnh uy tín để điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nghiêm trọng do cúm gây ra. Đặc biệt, người trên 65 tuổi, trẻ em dưới 2 tuổi, và người mắc các bệnh mạn tính như: hen suyễn, bệnh phổi, đái tháo đường… bệnh dễ biến chuyển thành ác tính.

Đặc biệt, biến chứng nguy hiểm nhất của cúm A là gây phù não và tổn thương gan trầm trọng, tỷ lệ tử vong rất cao. Cần lưu ý thêm với phụ nữ đang mang thai nếu mắc cúm A cũng có thể gây ra biến chứng viêm phổi hoặc sẩy thai. “Chính vì vậy, người dân nên đề cao cảnh giác, chủ động phòng bệnh. Khi mắc bệnh nếu thấy có các biểu hiện bất thường cần đưa ngay người bệnh đến các cơ sở y tế tin cậy, tốt nhất là cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để xảy ra các biến chứng đáng tiếc”, BS Nguyễn Trí Thức thông tin.

Tác giả: Ngọc Trang

Theo: Vietnamnet
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến