Dòng sự kiện:
Sự hoạt ngôn và chiêu trò của đệ tử ông Lê Tùng Vân
04/11/2022 16:11:57
Tại tòa, các đệ tử của ông Lê Tùng Vân luôn miệng kêu oan và khẳng định sư phụ mình không mạo danh Đức Phật, không xúc phạm giáo lý nhà Phật.

Vụ án "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân" ở Tịnh thất Bồng Lai đã chính thức khép lại với mức án tương xứng cho từng hành vi của các bị cáo.

Thời gian đầu khi vụ việc mới bị phanh phui vẫn có người lên tiếng bênh vực cho ông Lê Tùng Vân. Thế nhưng sau khi có kết quả giám định AND đối với 27 người ở Tịnh thất Bồng Lai, Công an tỉnh Long An đã ra quyết định phục hồi giải quyết nguồn tin về tội phạm “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và đang trong quá trình xem xét các chứng cứ để phục hồi điều tra hành vi “Loạn luân”, thì dư luận đã hiểu điều gì đang thực sự diễn ra tại Tịnh thất Bồng Lai.

Trong phiên xét xử phúc thẩm vụ án "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân", các bị cáo vẫn lớn tiếng kêu oan.


Các bị cáo tại phiên phúc thẩm

HĐXX trình chiếu lại video được quay vào ngày 12/12/2019 vu khống Công an huyện Đức Hòa bắt cóc Võ Thị Diễm My, đánh đập các bị cáo.

Trong video có tiếng hô lớn “công an bắt cóc, công an bắt cóc người”. Kết quả giám định xác định giọng nói này của bị cáo Lê Thanh Nhất Nguyên.

HĐXX đặt câu hỏi có nhận ra giọng nói trong video hay không, bị cáo Nhất Nguyên không trả lời thẳng vào câu hỏi, chỉ trả lời chung chung: “Đây là video không phải do tôi đăng tải, người ta có nhiều chiêu trò cắt ghép nên tôi không trả lời”.

Có mặt tại tòa, mẹ của Diễm My khẳng định, con gái bị nhóm người ở Tịnh thất Bồng Lai dụ dỗ. “Sau khi được Công an huyện Đức Hòa giao lại cho gia đình vào ngày 12/12/2019, con gái tôi về nhà được 6 tháng thì lại tiếp tục bỏ đi. Con tôi là đứa trẻ hiền lành, đã bị nhóm người ở Tịnh thất Bồng Lai dụ dỗ”, bà Đoàn Thị Tuyết Mai nói.

Về video ghi lại cảnh ông Lê Tùng Vân mặc áo vàng, ngồi sau bàn thờ và được các đệ tử thắp hương, quỳ lạy khấn “Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu ni phật”, được xác định ông Lê Tùng Vân đã mạo danh Đức Phật, xuyên tạc giáo lý.

Thế nhưng, Nhất Nguyên lại cho rằng sư phụ của bị cáo không mạo danh phật và giải thích “Bổn sư”chỉ là một danh xưng, là một người đứng đầu. Trong trường hợp của ông Lê Tùng Vân, theo Nhất Nguyên, “bổn sư” là người đứng đầu của Tịnh thất Bồng Lai. “Ví dụ chủ tọa đây là người đứng đầu phiên tòa cũng có thể gọi là bổn tọa”, Nhất Nguyên dẫn chứng.

Tuy nhiên, trên thực tế câu niệm “Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni”, thì chữ bổn có nghĩa là gốc, sư là thầy, bổn sư mang ý nghĩa là bậc thầy gốc. Câu niệm này có ý chỉ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là bậc thầy gốc của tất cả chúng sinh tại cõi Sa Bà.

Dù kêu oan, khẳng định mình không xúc phạm ai, nhưng tại CQĐT và tại phiên sơ thẩm, phúc thẩm, ông Lê Tùng Vân và các bị cáo đều thừa nhận, việc làm các video để đăng lên trang Youtobe 5 chú tiểu, Thiền am bên bờ vũ trụ là theo chỉ đạo và duyệt nội dung của ông Lê Tùng Vân.

Từ những tài liệu chứng cứ và chính lời khai của các bị cáo có đủ cơ sở kết luận mức án mà cấp sơ thẩm đã tuyên là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật nên cấp phúc thẩm đã bác đơn kháng cáo của các bị cáo.

Tác giả: Thanh Phương

Theo: Vietnamnet
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến