Sau gần 50 năm được giải oan, cụ Trần Văn Thêm (SN 1936), ở xã Yên Phụ, huyện Yên Phong (Bắc Ninh) đã TAND cấp cao tại Hà Nội bồi thường số tiền hơn 6,7 tỷ đồng.
Điều oái oăm thay, khi có tiền, câu chuyện riêng tư của cụ bị xới lên bởi lý do, khoản tiền của cụ Thêm được bồi thường là vậy nhưng người thân lại cho rằng, cụ Thêm chỉ nhận được hơn 2 tỷ đồng.
Được bồi thường 6,7 tỷ đồng sau hàng chục năm gánh nỗi hàm oan
Tại buổi trao đổi với PV ANTT, cụ Thêm cho biết, mình rất minh mẫn và hoàn toàn tỉnh táo. Ông kể, vào năm 1970, lúc đó ông mới 34 tuổi cùng người em họ Nguyên Khắc Văn ghé vào ngủ ở lều cắt tóc. Nửa đêm, hung thủ xông vào dùng búa bổ củi đánh ông Văn tử vong. Sau đó ông bị kết tội giết người em họ của mình.
Cụ Trần Văn Thêm (ngồi giữa) cho biết, mình đã nhận được đủ số tiền 6,7 tỷ đồng. Việc có tin đồn ông chỉ nhận được 2 tỷ là không đúng. Ảnh: Đoàn Tân.
Năm 1973, các cơ quan tố tụng tỉnh Vĩnh Phú (sau này tách ra thành tỉnh Phú Thọ và tỉnh Vĩnh Phúc) đưa ra xét xử và kết tội ông Thêm mức án tử hình.
Không đồng ý với bản án, ông Thêm kêu oan. Đến năm 1974, TAND Tối cao xét xử phúc thẩm kết tội y án sơ thẩm mức án tử hình.
Đến năm 1975, sau khi đối tượng Phan Thanh Nhàn khai giết hại nạn nhân Nguyễn Khắc Văn, Ủy ban thẩm phán TAND Tối cao đã mở phiên toà theo thủ tục giám đốc thẩm tuyên hủy toàn bộ 2 bản án phúc thẩm, sơ thẩm và giao hồ sơ để cơ quan công an điều tra, xử lý lại theo quy định của pháp luật.
Sau khi được tạm tha, ông Trần Văn Thêm đã có nhiều đơn kêu oan đến các cơ quan cao nhất của Đảng, Quốc hội, cơ quan tiến hành tố tụng.
Vào năm 2015, TAND Tối cao đã sao chụp và nhận được các tài liệu liên quan do gia đình cụ Thêm cung cấp. Từ đó, các cơ quan tố tụng Trung ương tiến hành xem xét, xác định ông Thêm không thực hiện hành vi giết ông Nguyễn Khắc Văn vào năm 1970.
Dựa trên việc tính toán thời gian từ khi ông Trần Văn Thêm bị bắt giam, ở tù đến khi tại ngoại là 41 năm, gia đình ông Thêm đã đòi bồi thường 12 tỷ đồng. Việc thương lượng bồi thường suốt 3 năm sau mới thống nhất (số tiền bồi thường hơn 6,7 tỷ đồng).
Tháng 10/2017, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã có quyết định số 759 về việc giải quyết bồi thường đối với ông Trần Văn Thêm với tổng số tiền bồi thường hơn 6,7 tỷ đồng. Tuy nhiên sau đó, việc cấp kinh phí bồi thường gặp nhiều khó khăn, kéo dài.
Chỉ được bồi thường 2 tỷ đồng?
Trên cơ sở công văn đề nghị cấp kinh phí của TAND Tối cao, Bộ Tài chính đã cấp kinh phí và TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tiến hành việc chi trả tiền bồi thường theo quy định cho ông Thêm. Tuy nhiên, ông Trần Văn Thêm đã có giấy uỷ quyền cho ông Nguyễn Văn Hoà, Phó Giám đốc Công ty luật Hòa Lợi (Hà Nội) trong việc giải quyết bồi thường oan sai.
Do vậy, số tiền này được TAND Cấp cao tại Hà Nội chuyển vào tài khoản cá nhân của ông Nguyễn Văn Hòa. Giấy uỷ quyền do một văn phòng công chứng trên địa bàn huyện Thạch Thất (Hà Nội) thực hiện.
Trao đổi với PV, anh Trần Văn Được (SN 1974, là cháu cụ Thêm), người trực tiếp đi kêu oan cho cụ Thêm cho biết, sở dĩ cụ Thêm được giải oan như ngày hôm nay là được sự giúp đỡ của rất nhiều người thân và cac tổ chức cơ quan.
Toàn bộ số tiền 6,7 tỷ được bồi thường, cụ Trần Văn Thêm đã gửi tiết kiệm và chia cho các con trong gia đình. Ảnh: Đoàn Tân.
"Trước kia, tôi đến gõ cửa Công ty luật Hòa Lợi nhờ tư vấn về việc tranh chấp đất. Tại đây, tôi cũng có kể lại câu chuyện của cụ Thêm và được Luật sư Vũ Lợi, Giám đốc Công ty Luật Hòa Lợi nhận lời giúp đỡ. Sau đó, Luật sư Lợi giới thiệu cho ông Nguyễn Văn Hòa là người trực tiếp hướng dẫn các bước thực hiện kêu oan và mới được như bây giờ", anh Trần Văn Được kể.
Anh Được cũng khẳng định: "Quá trình đi tìm công bằng cho cụ Thêm, tôi là người trực tiếp tham gia việc này và đồng hành trong công việc còn ông Hòa là một người rất nhiệt tình chỉ mong sớm tìm lại công bằng cho cụ Thêm. Khi được bồi thường, ông Hòa cũng đã làm các thủ tục chuyển trả toàn bộ số tiền cho cụ Thêm".
Liên quan đến việc một số thông tin cho rằng, cụ Thêm được bồi thường số tiền lên tới hơn 6,7 tỷ đồng nhưng thực tế chỉ nhận về được có 2 tỷ đồng, dư luận đã không khỏi bức xúc.
Trao đổi với PV, anh Trần Văn Sáu (SN 1976, con trai út cụ Thêm) cho biết, bố tôi sau khi được giải oan được cơ quan chức năng đền bù số tiền hơn 6,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ thấy cụ Thêm mang về có hơn 2 tỷ đồng trong đó chia cho 2 con trai (trong đó có anh Sáu) mỗi người 500 triệu đồng và 4 người con gái, mỗi người 200 triệu đồng. Số tiền còn lại không biết để đâu.
Ngoài ra, anh Sáu cũng cho biết, trong quá trình đi tìm công lý, do bận công việc nên anh và những người con khác của anh không tham gia lần nào mà chỉ có người cháu là anh Trần Văn Được tham gia.
Liên quan đến những thông tin lùm xùm về vụ việc này, cụ Thêm khẳng định: "Việc đó tôi không biết thông tin từ đâu, không biết ai nói vậy. Tôi là chủ thể chính trong việc này sao họ lại không hỏi mà cứ đi nói lung tung".
Cụ Thêm cũng cho biết mình đã nhận được toàn bộ số tiền hơn 6,7 tỷ đồng tiền mặt từ người ủy quyền là ông Nguyễn Văn Hòa. Sau đó, cụ thêm đã làm 6 sổ tiết kiệm (trị giá mỗi sổ 500 triệu đồng).
"Trong 6 cuốn sổ tiết kiệm đều mang tên tôi, tôi giữ lại 5 sổ, còn 1 sổ tiết kiệm được lập giấy giao nhận, nhờ ông Nguyễn Văn Hòa giữ hộ với lý do, nếu có quan nhà nước yêu cầu nộp thuế thì ông Hòa sẽ là người thực hiện việc này khi cần thiết. Đây là vấn đề tế nhị, ông Hòa ban đầu không nhận nhưng tôi nói mãi và phải làm cả giấy tờ đầy đủ. Sổ này cũng vẫn mang tên tôi, nếu không được phép thì ai mà lấy tiền ra tiêu được?".
Cụ Thêm cũng cho biết thêm, sau khi được ông Hòa bàn giao số tiền hơn 6,7 tỷ đồng, cụ mang về một số tiền mặt chia cho các con (trong đó 4 cô con gái mỗi người 200 triệu đồng, 2 người con trai mỗi người 500 triệu đồng), còn lại chia cho một số người trước đó đã từng giúp đỡ trong hành trình kêu oan. Do không biết ai mình còn số tiền là bao nhiêu nên tôi không nói. Tôi sợ người thân lại đòi chia hết".
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó giám đốc Công ty luật Hòa Lợi cho biết, những thông tin cho rằng cụ Thêm chỉ nhận được tiền đền bù hơn 2 tỷ đồng là không đúng. Đây cũng là chuyện cá nhân của gia đình cụ.
"Còn số tiền cụ được đền bù bao nhiêu chúng tôi đã bàn giao đủ cho cụ Thêm. Việc này thể hiện trên các văn bản công chứng cũng như số tiền mặt và các sổ tiết kiệm đứng tên cụ. Việc cụ Thêm có làm gì hay sử dụng số tiền đó như thế nào là quyền của cụ. Có duy nhất một sổ tiết kiệm trị giá 500 triệu đồng mang ký hiệu: AC 00008923758 là cụ Thêm có nhờ tôi giữ để đề phòng khi phải nộp thuế", ông Hòa chia sẻ.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy