Nhiều tác động đến công nghiệp, thương mại Việt Nam
Thông tin từ Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (VIOIT), tình hình kinh tế - xã hội trong và ngoài nước đang có những tác động đến sự phát triển công nghiệp và thương mại Việt Nam.
Đối với công nghiệp, việc chính phủ Trung Quốc đã đưa ra gói kích thích kinh tế lớn nhất và quan trọng nhất kể từ sau đại dịch Covid-19 có thể sẽ vực giá dầu tăng lên.
Giá vàng sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi dự báo Fed sẽ cắt giảm thêm nhiều đợt lãi suất kéo dài đến năm 2026 do tăng trưởng việc làm vững chắc và sự mở rộng kinh tế của Mỹ cộng với các yếu tố như bất ổn địa chính trị gia tăng và lực mua vàng từ các ngân hàng trung ương.
Sau 9 tháng năm 2024, việc kiểm soát lạm phát của Việt Nam đạt được kết quả khá tích cực khi CPI bình quân mới tăng 3,88% so với cùng kỳ năm trước, dưới mức mục tiêu kiểm soát lạm phát trong khoảng 4 – 4,5%.
Ngoài ra, giải ngân vốn đầu tư công trong tháng 10 vẫn tăng chậm. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024 của cả nước ước đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (51,38%); vẫn còn 31 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương có tỉ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công dưới mức trung bình chung của cả nước.
Giải ngân vốn đầu tư công trong tháng 10 vẫn tăng chậm (Ảnh: Trọng Tùng).
Những yếu tố bất định về địa chính trị và kinh tế trên thế giới có thể sẽ các tác động tiêu cực đến tăng trưởng cũng như chỉ số giá tiêu dùng trong những tháng cuối năm.
Cụ thể, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine và tại Trung Đông vẫn đang có những diễn biến khó lường, tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn về giá cả năng lượng, tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất và hoạt động vận tải toàn cầu. Đồng thời sẽ tác động trực tiếp đến thị trường dầu mỏ toàn cầu cũng như các tuyến giao thông huyết mạch trên thế giới.
Với thương mại, Việt Nam là nền kinh tế mở nên về mặt xuất nhập khẩu, tác động chung của xu hướng hạ lãi suất của Fed sẽ dẫn đến sự suy yếu nhu cầu nhập khẩu khi nền kinh tế của các nước phát triển có dấu hiệu hạ nhiệt, điều này sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.
Xu hướng hạ lãi suất của Fed ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam (Ảnh: PT).
Điều này không những làm tăng thêm chi phí logistics mà còn tiềm ẩn nguy cơ bị hoãn/ hủy các hợp đồng xuất khẩu của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng.
Đặc biệt, trong chuyến làm việc của Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường với Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam – Trung Quốc.
Ngoài ra, theo cam kết trong Hiệp định CEPA, UAE sẽ cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định CEPA có hiệu lực đối với nhiều ngành hàng chủ lực và có tiềm năng xuất khẩu lớn của Việt Nam, tạo cơ sở thuận lợi cho việc xúc tiến xuất khẩu sang thị trường UAE và từ đó sang các nước Trung Đông. Theo cam kết, UAE sẽ mở cửa cho gần như toàn bộ các mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế xuất khẩu.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện của sàn thương mại điện tử Temu tại thị trường Việt Nam cũng làm gây ra những lo ngại về việc cạnh tranh không lành mạnh, hàng giả, hàng nhái, vi phạm pháp luật về thương mại điện tử. Theo đó, dù chưa được cấp phép hoạt động, Temu đã triển khai bán hàng rầm rộ với nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu, thu hút sự chú ý của người tiêu dùng.
Tập trung phát triển lĩnh vực có tính động lực
Từ những tình hình trên, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương cũng đưa ra đề xuất cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý Nhà nước. Giải quyết tốt những vấn đề còn tồn đọng để thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng, bao gồm cả hạ tầng công nghệ.
Đồng thời, tích cực trong công tác ngoại gia và hợp tác quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, tìm kiếm và mở rộng thị trường, tranh thủ các ưu đãi từ những FTA mang lại để đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó có Hiệp định CEPA mới được ký kết giữa Việt Nam và UAE.
Đặc biệt ưu tiên thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực có tính động lực như: kinh tế số, kinh tế xanh và tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh.
VIOIT khuyến khích doanh nghiệp cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh.
Đồng thời, VIOIT cũng kiến nghị Chính phủ kiềm chế lạm phát, áp dụng chính sách tiền tệ linh hoạt, hỗ trợ tối đa cho hoạt động xuất khẩu.
Khuyến khích doanh nghiệp cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm thông qua kết nối, đẩy mạnh hợp tác và chuyển giao công nghệ với các đối tác trong và ngoài nước.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nhất là quá trình thẩm định, phê duyệt và triển khai các dự án đầu tư, bảo đảm vừa thông thoáng, vừa hiệu quả và đúng tiến độ.
"Bộ Tài chính đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công; kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh", VIOIT nêu rõ.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước linh hoạt sử dụng nhiều công cụ khác nhau trong điều hành chính sách tiền tệ nhằm ổn định mặt bằng lãi suất, tỷ giá và thị trường ngoại hối, thị trường vàng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát trong mục tiêu.
Cũng theo VIOIT, Bộ Ngoại giao cần đẩy mạnh hiệu quả các hoạt động ngoại giao, trong đó có ngoại giao về kinh tế, góp phần kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước.
"Phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành có liên quan tiếp tục chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết và vận động để Hoa Kỳ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường", văn bản nêu rõ.
Tác giả: Thanh Loan
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy