Dòng sự kiện:
Sửa đổi Luật Kiểm toán: Sẽ kiểm toán thêm hàng loạt đối tượng?
02/03/2019 09:00:08
Kiểm toán Nhà nước muốn kiểm toán cả người nộp thuế; tổ chức sử dụng, khai thác đất đai, tài nguyên; tổ chức liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công...

Sau 3 năm thực thi, Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 có những bất cập phải giải quyết, hoàn thiện.

Nếu việc sửa đổi diễn ra suôn sẻ, Kiểm toán Nhà nước sẽ soi đến từng ngõ ngách sâu xa nhất của cả nền kinh tế. Dự kiến, dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước sẽ được trình tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội vào tháng 5 tới.

Một trong những đề xuất sửa đổi quan trọng và được quan tâm nhất hiện nay là đối tượng của kiểm toán. Theo đó, Kiểm toán Nhà nước muốn kiểm toán cả "người nộp thuế; tổ chức sử dụng, khai thác đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tổ chức khác có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công".

Cơ quan soạn thảo khẳng định đề xuất này không phải là mở rộng đơn vị được kiểm toán, mà chỉ quy định cụ thể cho phù hợp với Hiến pháp. Hiến pháp 2013 xác định đối tượng của Kiểm toán Nhà nước là "việc quản lý, sử dụng, tài chính công, tài sản công và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công". 

Cũng theo Hiến pháp, Điều 55 nêu: "đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản..., do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý". Điều 14, Luật Ngân sách Nhà nước 2015 quy định, "ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu chi của Nhà nước, mà ngân sách nhà nước thuộc tài chính công". Kiểm toán Nhà nước dựa trên những căn cứ này để cho rằng việc kiểm toán đất đai, tài nguyên khoáng sản và nhiệm vụ thu của cơ quan thuế (bao gồm nghĩa vụ của người nộp thuế) thuộc về mình.

Như việc chứng minh cho nhiệm vụ thu của cơ quan thuế (bao gồm nghĩa vụ của người nộp thuế), cũng là đối tượng cần kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước nêu lên con số, năm 2016, sau khi đối chiếu 1.653 người nộp thuế, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị nộp ngân sách tăng thêm hơn 2.060 tỷ đồng. Năm 2017, đối chiếu 2.497 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, Kiểm toán Nhà nước phát hiện 94% trường hợp có sai phạm. 

Năm 2018, qua đối chiếu thuế gần 3.000 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, cũng xác định số tiền nộp ngân sách tăng thêm hơn 1.684 tỷ đồng, kiến nghị giảm lỗ hơn 3.341 tỷ đồng.

Theo pháp luật thuế hiện hành, người nộp thuế tự kê khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm nên cơ quan thuế chỉ hậu kiểm được khoảng 18% trong tổng số các doanh nghiệp nộp thuế. Điều này có nghĩa 82% còn lại đang là "khoảng trống" chưa được cơ quan nào kiểm tra. Trong khi đó, tình trạng trốn thuế, chuyển giá đang trở nên nhức nhối, hiện làm thất thu lớn ngân sách. 

Hay với lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản, thông qua kiểm toán đất đai, tài nguyên khoáng sản, dự án hợp tác công - tư, Kiểm toán Nhà nước cũng đã kiến nghị xử lý tài chính gần 13.000 tỷ đồng...

Vấn đề này hiện chưa nhận được sự đồng thuận từ nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bởi theo các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, người nộp thuế là phạm vi rất rộng, không chỉ các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, các hộ, cá thể kinh doanh mà bao gồm một số không nhỏ những cá nhân thuộc đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân. 

Giả sử đề xuất của Kiểm toán Nhà nước được thông qua, thì liệu cơ quan này có đủ sức, đủ lực và thời gian để triển khai hay không? Có thực sự cần thiết và đạt được hiệu quả mong muốn không hay lại gia tăng lo lắng lên vai người nộp thuế, gây phiền cho doanh nghiệp?

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào cuối tuần trước đã tỏ ra rất bức xúc với việc kiểm toán ở lĩnh vực thuế. Ông Dũng cho biết từ năm 2013 đến năm 2018, đã phát sinh 14 vụ kiện của doanh nghiệp, chỉ vì cơ quan thuế thực hiện theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, trong đó, xử 10 vụ thì thua cả 10 vụ, 3 vụ đang tiếp tục thụ lý và 1 vụ tạm dừng vì có tình tiết mới.  

Cơ quan thuế đã thua kiện khi không giải trình được. Đơn cử ví dụ về 2 vụ việc Chính phủ đang giao Bộ Tài chính và các bộ, ngành xử lý hiện nay là Sabeco và Unilever, kết luận của kiểm toán 2 lần ra 2 số khác nhau, lần đầu là 882,9 tỷ đồng, lần 2 kết luận là 575,8 tỷ đồng, đối tượng mới chấp nhận 316 tỷ đồng.

Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 đã giúp xã hội, các nhà kiểm toán có sự nhìn nhận đánh giá đầy đủ hơn về vai trò, ý nghĩa, đặc tính, nội hàm cũng như cách thức tổ chức kiểm toán, xử lý các mối quan hệ xã hội giữa kiểm toán nhà nước với tài chính nhà nước, với các tổ chức và cá nhân trong nền kinh tế - xã hội.

Nhưng sau 3 năm thực thi, Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 có những bất cập phải giải quyết, hoàn thiện và mong mỏi của Ban soạn thảo là sửa đổi để đưa Kiểm toán Nhà nước xứng đáng là công cụ kiểm tra, kiểm soát tài chính nhà nước tối cao, xứng đáng với kỳ vọng của nhân dân về một nền tài chính quốc gia mạnh và minh bạch.

Theo Vneconomy

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến