Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico đã có những trao đổi xung quanh chủ đề này.
Chiếm tỷ lệ áp đảo trên thị trường, đóng góp đáng kể vào doanh thu của các công ty chứng khoán, cũng như đóng góp không nhỏ thuế cho Nhà nước, nhưng nhà đầu tư nhỏ lẻ đang than phiền hiện cơ chế bảo vệ họ trước những rủi ro trên thị trường chứng khoán vừa chưa rõ ràng, vừa kém hiệu quả. Ông chia sẻ gì về nỗi niềm này của nhà đầu tư?
Đúng là chế tài xử lý các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán nói chung, hành lang pháp lý bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường hiện vừa thiếu, vừa yếu.
Chính điều này khiến cho nhà đầu tư nhỏ lẻ dễ chịu thiệt đơn, thiệt kép khi đối mặt với các rủi ro, tranh chấp phát sinh trong quá trình tham gia thị trường. Điều này ảnh hưởng xấu đến niềm tin của nhà đầu tư, làm xấu hình ảnh của thị trường trong con mắt nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đáng lo ngại là trong khi các vi phạm trên thị trường ngày một diễn ra tinh vi, với tính chất và mức độ nghiệm trọng ngày một gia tăng thì chế tài xử phạt vẫn còn nhẹ, nên không tạo ra tính răn đe.
Để khắc phục tình trạng trên, qua đó bảo vệ hiệu quả nhà đầu tư nhỏ lẻ, theo ông, dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đang được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xây dựng nên bổ sung những quy định nào?
Việc gia tăng mức phạt về hành chính đang gặp khó khăn do mức trần xử phạt bị khống chế trong Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, mức phạt tối đa với tổ chức vi phạm chỉ là 2 tỷ đồng, còn cá nhân là 1 tỷ đồng. Mức phạt này là quá nhẹ, không phù hợp với đặc thù vi phạm trên thị trường chứng khoán, nên không đảm bảo tính răn đe.
Do đó, Luật Chứng khoán sửa đổi lần này cần tìm cách định ra nguyên tắc nâng mức xử phạt hành chính tối đa lên hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. Mức xử phạt phải tính bằng mức gấp vài lần giá trị thu lợi bất chính hay giá trị vi phạm thì mới đủ sức răn đe.
Mức phạt phải cao hơn nhiều so với nguồn lợi có được từ việc vi phạm thì mới làm chùn tay các đối tượng vi phạm. Kèm theo đó là các hình thức xử phạt bổ sung như cấm giao dịch trên thị trường chứng khoán trong một khoảng thời gian nhất định…
Còn với chế tài hình sự thì sao? Theo ông, có nên mở rộng các hành vi bị xử lý theo chế tài này, hoặc nâng mức xử phạt?
Chế tài hình sự với các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán được thay đổi trong Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017, vừa có hiệu lực từ năm 2018, nên không thể bàn đến việc sửa đổi tại thời điểm hiện nay. Điều quan trọng lúc này là tổ chức triển khai nghiêm chế tài hình sự để bảo vệ tính công bằng cho thị trường, bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ trước những vi phạm ngày một diễn ra tinh vi, phức tạp.
Câu hỏi đặt ra là vì sao thời gian qua chế tài hình sự chưa phát huy tác dụng trong đấu tranh với các hành vi vi phạm? Là do quy định trước đây thiếu cụ thể, thiếu khả thi, thậm chí không loại trừ khả năng có sự “chạy chọt”, “nương tay”, xuê xoa chuyển từ xử lý hình sự xuống xử lý vi phạm hành chính, từ xử lý hành chính với mức xử phạt cao xuống mức thấp.
Để đấu tranh có hiệu quả với các hành vi vi phạm, Bộ Tài chính từng đề xuất trao thẩm quyền điều tra cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nhưng Quốc hội cũng như nhiều bên liên quan không ủng hộ. Theo ông, hiện đã là thời điểm chín muồi để trao thẩm quyền này cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước?
Các vi phạm trên thị trường chứng khoán có tính chuyên môn sâu, hơn nữa, thông lệ quốc tế cũng trao thẩm quyền điều tra cho cơ quan quản lý thị trường chứng khoán, nên ở thời điểm hiện tại trao thẩm quyền điều tra cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là hợp lý.
Điều này sẽ giúp cho cơ quan quản lý thị trường chứng khoán chủ động và hiệu quả hơn trong đấu tranh ngăn chặn các trường hợp vi phạm, từ đó kịp thời tạo ra tính răn đe, đồng thời giảm thiểu các tác động lan rộng ra thị trường.
Tăng chế tài xử phạt, thêm thẩm quyền điều tra cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, theo ông như thế đã đủ bảo vệ hiệu quả nhà đầu tư nhỏ lẻ nói riêng, đảm bảo tính công bằng, minh bạch cho thị trường nói chung?
Theo tôi là chưa đủ. Để đảm bảo tính minh bạch cho thị trường, việc xử phạt chỉ là biện pháp cuối cùng, cái gốc vẫn phải từ ý thức tuân thủ nghiêm túc pháp luật của doanh nghiệp, cũng như nhà đầu tư và các thành phần khác tham gia thị trường.
Dù pháp luật có “rào” kín đến mấy, nhưng một khi các đối tượng tham gia thị trường vẫn tìm cách cố tình vi phạm, vượt rào thì vẫn gây nên những hậu quả khó lường trên thị trường.
Do đó, cái gốc để giảm thiểu các vi phạm phát sinh là doanh nghiệp niêm yết, các tổ chức cung cấp dịch vụ như công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty kiểm toán… cần nâng cao chất lượng quản trị công ty, cũng như tính liêm chính và minh bạch trong hoạt động. Nhà đầu tư cần nói “không” với các vi phạm vì mục tiêu kiếm lợi bất chính.
Thêm vào đó, cơ quan quản lý, tổ chức thị trường cũng cần nâng cao tính công bằng, minh bạch và nghiêm minh trong kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm.
Sự góp sức của tất cả các thành viên tham gia thị trường mới có thể “làm sạch” môi trường hoạt động của thị trường. Khi giá trị minh bạch, công bằng được đề cao trên thực tế, mang lại giá trị bền vững cho các bên liên quan thì sẽ có tác dụng trong đẩy lùi các hành vi vi phạm, tiêu cực.
Theo Tin nhanh chứng khoán
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy