Dòng sự kiện:
Sửa quy định về chi phí đối với chuyển nhượng vốn nhà nước
08/12/2019 09:17:39
Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 32/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN.

Ảnh minh hoạ

Theo đó, dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2018/NĐ-CP như sau:

Về chi phí đối với chuyển nhượng vốn nhà nước

Theo quy định hiện nay, khi chuyển nhượng vốn Nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu (là các Bộ và địa phương) phải căn cứ số tiền thu từ chuyển nhượng và các chi phí liên quan (thuê tư vấn, thuê tổ chức bán đấu giá...) để quyết toán và chuyển tiền thu về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp; trường hợp thiếu thì đề nghị Bộ Tài chính xuất Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp hoàn trả.

Theo phản ánh, dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan đại diện chủ sở hữu là các Bộ và địa phương không bố trí nguồn chi hoạt động chuyển nhượng vốn này. Khi thực hiện chỉ đạo xây dựng phương án chuyển nhượng vốn cũng như thuê tư vấn xác định giá khởi điểm, thuê tổ chức cung cấp dịch vụ đấu giá... cơ quan đại diện chủ sở hữu đã phải thanh toán một phần tiền cho các tổ chức này và không có nguồn.

Để khắc phục bất cập trên, dự thảo Nghị định (khoản 6 Điều 2) bổ sung quy định về chi phí đối với chuyển nhượng vốn nhà nước theo hướng: “Cơ quan đại diện chủ sở hữu là các Bộ, ngành và địa phương xây dựng dự toán chi phí chuyển nhượng vốn nhà nước (bao gồm cả trường hợp chuyển nhượng quyền mua cổ phần, quyền góp vốn) gửi Bộ Tài chính để Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp để cấp tiền tạm ứng. Mức tạm ứng tối đa 70% tổng dự toán chi phí chuyển nhượng vốn theo quyết định đã được duyệt cho các Bộ, ngành và địa phương. Đối với các đơn vị đã thực hiện chuyển nhượng vốn Nhà nước nhưng không thành công hoặc đang triển khai thực hiện chuyển nhượng vốn Nhà nước trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành số tiền cấp tạm ứng có thể lớn hơn 70% tổng dự toán chi phí chuyển nhượng vốn đã duyệt.

Đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp

 Về quy định xác định giá khởi điểm trong trường hợp thực hiện các phương thức đấu giá, chào bán cạnh tranh, thỏa thuận mà vẫn không chuyển nhượng hết số vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước: Bộ Tài chính cho biết, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP hiện nay chưa quy định việc xác định lại giá khởi điểm trong trường hợp thực hiện các phương thức đấu giá, chào bán cạnh tranh, thỏa thuận mà vẫn không chuyển nhượng hết số vốn nhà nước/vốn của doanh nghiệp nhà nước cần chuyển nhượng.

Do đó, dự thảo Nghị định (khoản 3 và khoản 5 Điều 2) sửa đổi, bổ sung theo hướng: Sau khi thực hiện các phương thức đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, thỏa thuận để chuyển nhượng vốn mà vẫn không chuyển nhượng hết số vốn nhà nước, vốn của DNNN cần chuyển nhượng thì cơ quan đại diện chủ sở hữu/doanh nghiệp nhà nước căn cứ nhu cầu thị trường và khả năng phát triển của doanh nghiệp để lựa chọn thời điểm tiếp tục thực hiện chuyển nhượng vốn, đồng thời quyết định xác định lại mức giá khởi điểm đã công bố để chuyển nhượng vốn theo thứ tự thực hiện các phương thức giao dịch quy định.

Trường hợp doanh nghiệp đang thực hiện chuyển nhượng vốn mà Chứng thư thẩm định giá hết hiệu lực thì phải thực hiện xác định lại giá khởi điểm và tiếp tục chuyển nhượng vốn theo phương thức chuyển nhượng mà doanh nghiệp đang triển khai

Khánh Linh (T/h)

 

 

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến