Những phiên giao dịch 30.000 tỷ đồng trở lại
Tính đến 14/8/2021, chỉ số VN-Index có ba tuần liên tiếp tăng điểm, với thanh khoản cải thiện. Trong tuần từ ngày 9/8 - 13/8/2021, giá trị giao dịch trung bình trên sàn HOSE là 23.647 tỷ đồng, tăng 15,27% so với tuần đầu tiên của tháng 8.
Trong tuần từ 16/8 - 20/8/2021, dù VN-Index có những phiên tăng giảm đan xen do nhà đầu tư tranh thủ chốt lời sau giai đoạn nhiều cổ phiếu hồi phục mạnh, thanh khoản toàn thị trường đều đạt từ 30.000 - 32.000 tỷ đồng.
Ngay phiên giao dịch đầu tuần, thanh khoản thị trường bùng nổ với 34.211 tỷ đồng toàn thị trường (tương đương gần 1,5 tỷ USD), trong đó thanh khoản của sàn HOSE là 27.340 tỷ đồng. Phiên giao dịch cuối tuần qua, chỉ số VN-Index mất 45,42 điểm, rơi về 1329,43 điểm, kích hoạt dòng tiền bắt đáy mạnh mẽ, thanh khoản đạt mức kỷ lục với 38.350 tỷ đồng, đưa tổng giá trị giao dịch toàn thị trường trong phiên lên tới 48.000 tỷ đồng.
Dòng tiền chảy mạnh vào thị trường trong bối cảnh nhà đầu tư ngoại miệt mài bán ròng, với tổng giá trị bán ròng trên toàn thị trường từ đầu tháng 8 tới nay khoảng 5.000 tỷ đồng.
Chính nhịp hồi phục khá ổn định sau đợt điều chỉnh mạnh của các chỉ số chứng khoán trong tháng 7 đã kích thích dòng tiền tham gia tìm kiếm lợi nhuận, trong đó chủ yếu vẫn đến từ nhà đầu tư cá nhân.
So với nhiều phiên giao dịch chỉ loanh quanh vùng 12.000 - 14.000 tỷ đồng trong tháng 7, thanh khoản sàn HOSE hiện đã tăng gấp đôi. Tuy vậy, nếu xem xét kỹ sẽ thấy, thanh khoản ở nhóm VN30 không tăng, thậm chí còn sụt nhẹ.
Bà Nguyễn Lý Thu Ngà, chuyên gia chiến lược đầu tư, SSI Research đánh giá, môi trường lãi suất thấp vẫn hỗ trợ kênh chứng khoán sôi động, tuy nhiên, với những diễn biến hiện tại, thanh khoản thị trường đang tiềm ẩn yếu tố bất định trong thời gian tới.
Dòng tiền gia tăng tập trung ở nhóm trung bình và nhỏ, nơi mà các điểm tựa đầu tư chưa thật sự chắc chắn, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở trong nước và các biện pháp giãn cách xã hội để phòng dịch ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp.
Nhiều quan điểm đồng tình, thị trường chứng khoán đã có những phiên “tăng hơi quá”, nhiều cổ phiếu đã bắt đầu test đỉnh. Sự điều chỉnh cuối tuần qua không phải là yếu tố bất ngờ.
Dưới góc nhìn của ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Đông Á, nhà đầu tư đang nhìn thanh khoản tăng và cho rằng dòng tiền đang vào mạnh, nhưng nếu nhìn kỹ hơn, thanh khoản mạnh được kích hoạt bởi nhóm cổ phiếu Vingroup và ở một số cổ phiếu ngân hàng sắp đến thời điểm chốt cổ tức hay công bố thông tin tin tốt dài hơi như VPB, hay VCB. Điều này tạo nên hiệu ứng ở các cổ phiếu ngân hàng khác cùng xanh mướt ở vài phiên gần đây.
Chính vì những phiên “nổ” thanh khoản trong tuần qua có sự đóng góp lớn từ nhóm cổ phiếu Vingroup (đặc biệt VHM, sắp tới còn giao dịch 100 triệu cổ phiếu) - có thể xem là các hiện tượng giao dịch bất thường - thì thanh khoản thị trường đang không quá cao.
Tuy vậy, ông Tuấn cho rằng, thanh khoản sàn HOSE ở vùng 20.000 - 21.000 tỷ đồng ở giai đoạn này là đã “đẹp” rồi, còn những phiên vọt lên 24.000 - 27.000 tỷ đồng thường sẽ có các giao dịch đột biến tập trung ở vài mã cổ phiếu lớn trên thị trường.
Đo sức bền của thanh khoản
Thanh khoản thị trường phụ thuộc vào hai yếu tố chính: một là câu chuyện vĩ mô, bức tranh tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp và hai là dòng tiền. Cả hai yếu tố này có sự liên thông với nhau, khi vĩ mô và bức tranh lợi nhuận doanh nghiệp tốt thì dòng tiền lớn nhỏ, trong nước, ngoài nước sẽ lan tỏa vào thị trường.
Mức thanh khoản như những tuần đầu tháng 8 liệu có duy trì bền vững?
Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng nêu số liệu so sánh, hiện số lượng tài khoản chứng khoán Việt Nam là 3,3 triệu, tương ứng 3% dân số, đang có thanh khoản quanh 1,4 tỷ USD/ngày, còn ở thị trường Thái Lan có sự gia nhập tốt hơn từ các nhà đầu tư tổ chức thì thanh khoản hiện nay khoảng 3 tỷ USD/ngày.
Theo ông Thành, thị trường chứng khoán trong nước với tỷ trọng tham gia thấp của nhà đầu tư tổ chức thì mức thanh khoản 1,4 tỷ USD/ngày là “chưa phù hợp”.
Có thể thấy, mỗi khi thanh khoản thị trường vượt mốc 30.000 tỷ đồng thì thường giá các cổ phiếu đã lên rất cao và thị trường xuất hiện áp lực điều chỉnh khi nhiều nhà đầu tư cá nhân chốt lời. Khi thị trường điều chỉnh mạnh, người bán không còn muốn bán, người mua chưa nhập cuộc mạnh thì thanh khoản sẽ loanh quanh một vùng nhất định sẽ cần có dòng tiền lớn tham gia ở các điểm kháng cự mạnh thì may ra thị trường mới bứt lên và dẫn dắt dòng tiền nhà đầu tư cá nhân đi theo.
Trước diễn biến dòng tiền ngoại chưa quay trở lại thị trường, ông Thành cho rằng, họ cần vĩ mô ổn định trở lại. Dù dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam điều chỉnh xuống 4%, cao hơn với mức tăng trưởng GDP 2,9% trong năm 2020, nhưng nhà đầu tư vẫn cần quan sát triển vọng tăng trưởng sắp tới có vững vàng hay không - liên quan trực tiếp tới việc tổ chức tiêm chủng nhanh, rộng, việc “mở cửa” các hoạt động trở lại thì mới hỗ trợ phục hồi của nền kinh tế. Khi đó, dòng tiền nước ngoài (cả ETF và các quỹ đầu tư dài hạn) mới quay lại, còn hiện nay, họ vẫn đang đứng ngoài quan sát.
Tuy vậy, ông Thành nhấn mạnh, khả năng thanh khoản sụt giảm về 200 - 300 triệu USD/phiên không thể xảy ra, dự báo mức thanh khoản 880 - 900 triệu USD/phiên là phù hợp với số lượng số lượng tài khoản hiện nay, cộng với dòng tiền margin sẽ được nới rộng sắp tới.
Tình trạng thanh khoản “bạo phát bạo tàn” như năm 2008 - 2009, theo ông Thành, cũng khó xảy ra.
Bởi thời điểm đó, bức tranh vĩ mô và tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp mờ mịt, còn hiện nay, nền kinh tế có dư địa tăng trưởng, chỉ cần dịch bệnh được kiểm soát là các hoạt động kinh doanh dần phục hồi.
Chỉ khi nào dịch bệnh có tiến triển tốt hơn thì dòng tiền lớn mới có khả năng quay lại. Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á |
Ngoài ra, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam tăng lên, tính theo thu nhập bình quân đầu người của nhân viên, người lao động ở các thành phố lớn, đang ở con số 7.000 - 8.000 USD, có bộ phận thu nhập cao hơn là 10.000 USD - là tầng lớp đã tính toán nhiều hơn tới việc đầu tư ở kênh chứng khoán.
Cộng thêm yếu tố khác là môi trường lãi suất thấp, thì ít nhất dòng tiền vẫn nằm lại thị trường chứng khoán đến hết năm 2022, khi mà chưa thể quay lại kênh tiết kiệm, còn kênh bất động sản cũng cần vài quý tới mới phục hồi.
Đồng quan điểm, Tổng giám đốc Chứng khoán Ngân hàng Đông Á Huỳnh Anh Tuấn cho rằng, chỉ khi nào dịch bệnh có tiến triển tốt hơn thì dòng tiền lớn mới có khả năng quay lại. Vắc-xin chính là yếu tố quan trọng để nền kinh tế bình thường trở lại. Hai yếu tố này quyết định chính thanh khoản trên thị trường chứng khoán.
Dòng tiền “nổ” cuối tuần qua, thị trường đối diện rủi ro phân phối và sự rút ra của các nhà đầu tư lớn hay kịch bản đạp xuống để "ăn hàng" có lẽ cần thêm thời gian để quan sát và trả lời.
Tác giả: Phan Hằng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy