HĐQT CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (Vinaconex ITC - UPCoM: VCR) vừa thông qua việc chấm dứt và thanh lý trước thời hạn hợp đồng hợp tác đầu tư với Tổng Công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - HoSE: VCG).
Đây là hợp đồng hợp tác đầu tư Phân khu CT02 và Hạ Tầng Kết Nối Phân Khu CT02 của Dự Án Khu đô thị du lịch Cái Giá – Cát Bà (Cát Bà Amatina) tại Tp.Hải Phòng giữa hai công ty.
Theo đó, hai doanh nghiệp đã thỏa thuận tự nguyên đồng ý chấm dứt và thanh lý hợp đồng trước thời hạn kể từ ngày 30/9 vừa qua. Phía Vinaconex ITC sẽ được nhận lại toàn bộ các tài sản đã thế chấp cho tổ chức tín dụng phát sinh từ thỏa thuận hợp đồng hợp tác đầu tư.
Đồng thời, Vinaconex ITC phải hoàn trả lại cho Vinaconex 2.200 tỷ đồng tiền nhận góp vốn trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày 30/9.
Vinaconex phát hành 2.200 tỷ đồng trái phiếu để hợp tác đầu tư
Theo hợp đồng, Vinaconex ITC góp vốn hợp tác đầu tư bằng tài sản và giá trị quyền đầu tư kinh doanh khai thác Phân khu CT02, còn phía Vinaconex góp vốn hợp tác đầu tư là 2.200 tỷ đồng bằng tiền mặt.
Vinaconex được hưởng 50% lợi nhuận từ Phân khu CT02. Khoản lợi nhuận được phân chia phụ thuộc vào quyết toán cuối cùng của Phân khu CT02, tuy nhiên Vinaconex ITC đảm bảo mức lợi nhuận được phân chia cho Vinaconex trong thời gian hợp tác đầu tư không thấp hơn 15%/năm trên số dư thực tế mức góp vốn đầu tư của Vinaconex theo từng thời điểm vào Phân khu CT02.
Phía Vinaconex ITC được hưởng 50% lợi nhuận từ Phân khu CT02 hoặc phần lợi nhuận còn lại tron trường hợp doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ đảm bảo mức lợi nhuận tối thiểu của Vinaconex. Lợi nhuận của Phân khu CT02 được tính theo nguyên tắc doanh thu trừ chi phí và sau thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trước đó vào tháng 6/2021, Vinaconex phát hành 10 lô trái trái phiếu với tổng giá trị 2.200 tỷ đồng. Mục đích huy động nhằm tham gia hợp tác đầu tư cùng Vinaconex ITC theo hợp đồng trên. Tài sản đảm bảo là toàn bộ quyền và lợi ích phát sinh thu được từ hợp đồng hợp tác kinh doanh này.
Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Vinaconex đã tất toán 8 trên 10 lô trái phiếu từ ngày 26/4 đến nay. 2 lô trái phiếu còn lại đang lưu hành với tổng giá trị 300 tỷ đồng.
Bức tranh lợi nhuận với gam màu xám
Về bức tranh tài chính, sau 1 năm niêm yết, năm 2010 doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan nhất từ trước đến nay với doanh thu 155 tỷ đồng và lợi nhuận 81,2 tỷ đồng. Thời điểm đó, doanh nghiệp này công bố đã bán được 95% biệt thự khu Tùng Thu và Bazzar Avenue.
Thế nhưng, đến năm 2011 lợi nhuận doanh nghiệp giảm mạnh về còn 21,3 tỷ đồng. Chỉ trong hai năm 2012 và 2012, Vinaconex ITC đã lỗ tổng cộng 77 tỷ đồng. Giai đoạn 2014 - 2016, công ty ghi nhận lãi từ 2 đến 7 tỷ đồng mỗi năm. Năm 2016, công ty đã quyết định đấu giá Khách sạn Holiday View tại Cát Bà và nhận về 13,4 tỷ đồng.
Từ năm 2017 đến 2021, Vinaconex ITC đã lỗ 5 năm liên tiếp. Đến năm 2022, doanh nghiệp đã có lãi trở lại sau 5 năm lỗ liên tục.
Cụ thể, luỹ kế năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu đạt kỷ lục 186 tỷ đồng, tăng 2,4 lần so với cùng kỳ. Trừ đi các chi phí, doanh nghiệp thu về khoản lãi 5,4 tỷ đồng, tăng trưởng tích cực so với khoản lỗ 7,1 tỷ đồng năm 2021.
Sang nửa đầu năm 2023, doanh thu Vinaconex ITC đạt mức 23,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ không ghi nhận. Tuy nhiên, giá vốn chiếm 82% tổng doanh thu, ghi nhận gần 19,5 tỷ đồng.
Điểm sáng là công ty ghi nhận lãi thanh lý, nhượng bán tài sản cố định gần 8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ không phát sinh và lợi nhuận khác ghi nhận tăng từ 474 triệu đồng cùng kỳ lên gần 8 tỷ đồng ở kỳ này.
Kết quả, Vinaconex ITC báo lãi sau thuế hơn 1,4 tỷ đồng, cải thiện so với khoản lỗ gần 9,3 tỷ đồng ở nửa đầu năm 2022. So với kế hoạch đem về 129,8 tỷ đồng doanh thu đạt 506 tỷ đồng và 19,25 tỷ đồng lãi sau thuế, Vinaconex ITC mới hoàn thành 18% kế hoạch doanh thu và 7% chỉ tiêu lợi nhuận.
Mặc dù ghi nhận có lãi trong nửa đầu năm 2023, nhưng tới 30/6/2023, tổng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của VCR vẫn âm 229,8 tỷ đồng và chiếm 11% vốn điều lệ.
Xét về dòng tiền, trong 6 tháng đầu năm 2023, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính của Vinaconex ITC ghi nhận dương 478,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận 66,2 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 321,4 tỷ đồng và dòng tiền tài chính âm 228,9 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản doanh nghiệp đạt hơn 6.583 tỷ đồng, giảm 8% so với đầu năm. Biến động chủ yếu ở khoản trả trước cho người bán dài hạn là Công ty TNHH MTV Vinaconex Xây dựng, khi công ty tạm ứng 2.353,6 tỷ đồng theo các hợp đồng thi công xây dựng liên quan đến Dự án Cát Bà Amatina, trong khi cùng kỳ tạm ứng 3.233,6 tỷ đồng.
Tài sản dở dang dài hạn tăng 10% so với đầu kỳ với 3.925,9 tỷ đồng. Trong đó có 3.380 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang và 545,7 tỷ đồng chi phí sản xuất kinh doanh dở dang dài hạn tại Dự án Cát Bà Amatina.
Lượng tiền và các khoản tương đương tiền sụt giảm từ gần 78 tỷ đồng cùng kỳ xuống gần 6 tỷ đồng ở kỳ này, phần giảm đến từ tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn khi còn vỏn vẹn 344,8 triệu đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả giảm 11% xuống 4.690 tỷ đồng; phần giảm chủ yếu đến từ khoản phải trả người bán ngắn hạn là Vinaconex ghi nhận 159,4 tỷ đồng, thu hẹp 68% so với cùng kỳ.
Chủ nợ lớn nhất của Vinaconex ITC là Sacombank (HoSE: STB), nửa đầu năm, doanh nghiệp đã trả ngân hàng hơn 228,9 tỷ đồng. Hiện công ty còn nợ Sacombank ngắn hạn từ 1 năm trở xuống gần 457,9 tỷ đồng và nợ dài hạn trên 1 năm đến 5 năm hơn 1.602 tỷ đồng.
Dự án Cát Bà Amatina do Vinaconex ITC làm chủ đầu tư, toạ lạc tại Thị trấn Cát Bà và xã Trân Châu, huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng. Dự án có quy mô 172 ha với tổng mức đầu tư dự kiến 10.941 tỷ đồng. Cát Bà Amatina được triển khai từ năm 2009 và được xem là dự án trọng điểm của Vinaconex ITC cũng như của Vinaconex. Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án bị đình trệ nhiều năm và từng đứng trước nguy cơ bị thu hồi. Đến cuối tháng 11/2021 dự án được tái khởi động. Theo quy hoạch, dự án có 7 khu resort với khoảng 800 biệt thự, hai bến du thuyền, một bến tàu du lịch, trung tâm hội nghị quốc tế, khu thương mại dịch vụ quốc tế, khu thể dục thể thao, các dịch vụ giải trí đa chức năng, 6 khách sạn 5 sao và 1 khách sạn 4 sao. Theo báo cáo tài chính bán niên đã soát xét năm 2023 của Vinaconex, công ty ghi nhận chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại Dự án Cát Bà Amatina gần 5.095 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của Vinaconex, Chủ tịch HĐQT Đào Ngọc cho biết đây là năm thứ 4 tập trung triển khai dự án, thời điểm đó công ty đã thanh toán toàn bộ chi phí hạ tầng và dự án đã được hoàn thành pháp lý. “Hiện tại VCG đang xem xét thị trường, cân nhắc đầu tư hoàn thiện hạ tầng, hoàn thiện những hạng mục mà khách hàng đã trả tiền trước. Đây là dự án lên tới hàng tỷ USD nên Hội đồng quản trị sẽ phải cân nhắc từng bước thực hiện để phù hợp với tình hình thị trường”, ông Thanh cho biết. |
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy