Thực tế thì sức mua của nền kinh tế ở thời điểm này vẫn tăng, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đầu năm 2024 tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng nên nhớ, đây là thời điểm có tới hai kỳ nghỉ Tết kéo dài, thông thường nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng. Cùng kỳ năm ngoái, tổng mức bán lẻ tăng tới 14,7%, kể cả loại trừ yếu tố giá cả cũng vẫn còn tăng ở mức 2 con số (10,9%). Trong khi đó, 2 tháng đầu năm nay, nếu loại trừ yếu tố giá cả, thì mức tăng chỉ còn 5%.
Chính Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi báo cáo Chính phủ về những tồn tại, hạn chế, những khó khăn của nền kinh tế, cũng đã chỉ ra rằng, dù cầu tiêu dùng cận Tết và Tết tăng khá, nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 và các năm trước dịch (2011-2019). Và rằng, sức mua giảm, người dân thắt chặt chi tiêu đối với một số mặt hàng như bánh kẹo, hoa quả và cây cảnh...
Thậm chí, hơn cả những con số, phần đông người dân đều cảm nhận được rõ nét sức mua yếu trong đợt Tết vừa qua, khi chi tiêu trong gia đình bị cắt giảm khá nhiều.
Sức mua yếu, bên cạnh vấn đề có tính cơ cấu là do sự thay đổi thị hiếu, thói quen, nhu cầu tiêu dùng của người dân, thì cũng có thể thấy rõ tâm lý tiết kiệm, chi tiêu thận trọng của doanh nghiệp, người dân trước những khó khăn của nền kinh tế hiện nay.
Vấn đề nằm ở chỗ, sức mua yếu sẽ ảnh hưởng đến động lực sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến khu vực thương mại, dịch vụ và qua đó sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh cầu thị trường thế giới chưa có nhiều cải thiện, mà cầu thị trường trong nước vẫn tiếp tục yếu, thì đó sẽ là những yếu tố cản trở sự phục hồi của nền kinh tế.
Cầu yếu chính là lý do dù sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp có chuyển biến, nhưng sản xuất công nghiệp vẫn phục hồi chậm. Điều này là một trong những nguyên nhân dẫn tới chỉ trong 2 tháng đầu năm, có gần 63.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là nguyên nhân khiến dư nợ tín dụng tính đến ngày 22/2 giảm 1,12% so với cuối năm 2023, cho dù lãi suất đã giảm, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 0,71%.
Có lẽ, đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá vàng, giá USD “nhảy múa” trong thời gian gần đây. Khi các hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh gặp khó, tâm lý đầu cơ sẽ xuất hiện, gây biến động thị trường.
Nền kinh tế thực sự đang đối mặt với những khó khăn rất lớn. Và chắc chắn, giải quyết vấn đề sức mua yếu không phải chỉ dùng biện pháp kích cầu tiêu dùng là đủ, bởi khó khăn như hiện nay, muốn “kích” cũng không đơn giản. Có lẽ, cần một giải pháp tổng thể để gỡ khó cho nền kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2 mới đây, đó là cần “thúc đẩy mạnh mẽ” và “làm mới” các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; đồng thời, khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn… Cần tiếp tục các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; khai mở và thúc đẩy việc xuất khẩu các mặt hàng mới, thị trường mới…
Chỉ khi nền kinh tế thực sự vượt qua bão giông, thu nhập và niềm tin của người tiêu dùng quay trở lại, bao gồm cả người tiêu dùng trong nước và quốc tế, thì sức mua sẽ tăng trở lại. Khi ấy, nền kinh tế sẽ có thêm động lực để tăng trưởng và phát triển.
Tác giả: Hà Nguyễn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy