Dòng sự kiện:
Sụp đổ ngân hàng Mỹ: Cơ hội tăng dự trữ ngoại hối, giảm lãi suất
21/03/2023 12:15:09
Các chuyên gia kỳ vọng sự sụt giảm nhanh chóng của lãi suất ở Mỹ và toàn cầu sẽ hỗ trợ cho đồng VND tăng giá, giúp Ngân hàng Nhà nước tích lũy lại dự trữ ngoại hối trong năm nay.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Vietnam+)

Việc Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) và Signature Bank của Mỹ tuyên bố phá sản và gần đây là ngân hàng Credit Suisse được dư luận quan tâm và khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định vấn đề này không tạo ra rủi ro đáng kể đến nền kinh tế Việt Nam, thậm chí còn có lợi vì đồng USD giảm giá giúp Ngân hàng Nhà nước có dư địa ổn định tỷ giá, lãi suất trong năm nay.

VND tăng giá so với USD

Trong báo cáo mới phát hành, Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đánh giá nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá sản của SVB là hơn 75% khách hàng gửi tiền là nhóm doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp. Đây là nhóm doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong bối cảnh lãi suất tăng cao, khó huy động vốn mới nên đã đi rút tiền gửi tại SVB.

Trong khi đó, hơn một nửa danh mục đầu tư của SVB là trái phiếu chính phủ Mỹ và chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp với kỳ hạn dài trên 10 năm, nên khi lãi suất tăng cao gây lỗ nặng trên danh mục đầu tư.

Các chuyên gia đánh giá sự sụp đổ của SVB đang đặt Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tình thế khó. Một mặt, Fed vẫn chịu áp lực phải tăng lãi suất điều hành để kiềm chế tình hình lạm phát, mặt khác việc tiếp tục tăng lãi suất có thể đẩy các tổ chức tài chính vào tình thế nguy hiểm. Do đó, thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ bớt “diều hâu” hơn so với trước đây.

Các nhà đầu tư dự đoán có 60% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm vào cuộc họp chính sách giữa tuần này, 40% còn lại dự đoán Ngân hàng trung ương này sẽ đóng băng lãi suất chủ chốt. Trong khi đó một số giám đốc điều hành ngân hàng đã lên tiếng kêu gọi Fed ưu tiên ổn định thị trường tài chính trước.

Theo nhận định của các chuyên gia, khủng hoảng SVB hiện nay ít có tác động đến rủi ro hệ thống của các thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam. Phần lớn nhờ sự phục hồi ổn định của nền kinh tế Trung Quốc. Thị trường bất động sản-tín dụng Trung Quốc đã qua giai đoạn khó khăn nhất khi doanh số bán nhà bắt đầu tăng trưởng dương từ tháng 2/2023. Mặt khác, đồng USD đang yếu hơn sau sự kiện SVB cũng là yếu tố tích cực đối các nước mới nổi.

Hiện chỉ số đồng USD (DXY) giảm mạnh còn 103,86 điểm, giảm 1,3% sau sự sụp đổ của SVB. Trong số các đồng tiền trong khu vực, đồng USD đã mất giá so với Nhân dân tệ của Trung Quốc (-0,3% so với đầu năm), Rupiah của Indonesia (-1,3% so với đầu năm) và Peso của Philippines (-1,4% so với đầu năm).

Chuyên gia của VNDIRECT cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng áp lực lên tỷ giá VND sẽ giảm do Fed giảm đà tăng lãi suất sau vụ SVB. Bên cạnh đó, sự cải thiện của cán cân thương mại và cán cân thanh toán của Việt Nam trong năm 2023 sẽ hỗ trợ tỷ giá đồng VND. Chúng tôi duy trì quan điểm tỷ giá USD/VND sẽ dao động trong khoảng 23.400-23.800 đồng/USD vào cuối năm 2023...”

Cũng đồng quan điểm chuyên gia của KBSV cho biết thêm, việc Fed sớm kết thúc lộ trình tăng lãi suất vào cuối quý 2/2023 được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho chính sách tiền tệ nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước, khi đồng USD lao dốc, giảm bớt áp lực tỷ giá. Nếu xu hướng điều chỉnh tiếp diễn có có thể tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước mua vào USD gia tăng dự trữ ngoại hối.

Còn theo phân tích của VinaCapital, câu chuyện của SVB và Credit Suisse cuối cùng sẽ có lợi cho Việt Nam vì cả hai đều có khả năng dẫn đến việc VND tăng giá so với USD. Do đó sẽ cho phép Ngân hàng Nhà nước tái tích lũy một lượng đáng kể dự trữ ngoại hối trong năm nay. Điều này sẽ bơm thanh khoản bằng VND vào nền kinh tế, vì Ngân hàng Nhà nước thường tích lũy dự trữ ngoại hối thông qua các biện pháp can thiệp "không trung hòa" trên thị trường ngoại hối, dẫn đến việc tăng cơ sở tiền tệ của quốc gia.

VinaCapital kỳ vọng sự sụt giảm nhanh chóng của lãi suất ở Mỹ và toàn cầu sẽ hỗ trợ cho đồng VND tăng giá, giúp Ngân hàng Nhà nước tích lũy lại dự trữ ngoại hối trong năm nay.

Trên thực tế, tỷ giá trung tâm đã liên tục giảm trong những phiên gần đây, so với đầu tháng Ba đã giảm 26 đồng. Tỷ giá liên ngân hàng cũng biến động theo xu hướng giảm trong tuần qua.

Tỷ giá diễn biến ổn định, thậm chí tiếp tục hạ nhiệt dù Ngân hàng Nhà nước vừa giảm lãi suất điều hành cho thấy thanh khoản hệ thống tương đối dồi dào. Từ tháng 1/2023, Ngân hàng Nhà nước đã mua được ngoại tệ từ các tổ chức tín dụng bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước và đưa lượng tiền lớn VND vào lưu thông.

Giúp giảm lãi suất

Cũng theo phân tích của VinaCapital, Ngân hàng Nhà nước đã tăng lãi suất điều hành vào tháng Chín và tháng Mười năm 2022 để hỗ trợ giá trị của đồng VND và Ngân hàng Nhà nước cũng đã đẩy mạnh rút thanh khoản ra khỏi thị trường tiền tệ Việt Nam trong những tuần gần đây bằng cách phát hành tín phiếu nhằm đảm bảo lãi suất liên ngân hàng bằng VND cao hơn lãi suất USD.

Diễn biến tỷ giá trung tâm từ đầu tháng Ba đến nay. Đơn vị: Đồng

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đã cắt giảm lãi suất chiết khấu của Việt Nam, một trong những lãi suất điều hành quan trọng của quốc gia, 100 điểm cơ bản xuống còn 3,5% và Ngân hàng Nhà nước đã ngừng rút tiền ra khỏi thị trường tiền tệ. Động thái cắt giảm lãi suất chiết khấu chủ yếu mang tính biểu tượng nhưng động thái ngừng rút tiền ra khỏi thị trường tiền tệ đã giúp lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh, xuống dưới mức 5%.

Cụ thể, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã giảm về còn 4,14% từ mức 5,06%/năm trước đó. Còn so với mức ghi nhận hồi đầu tháng, lãi suất qua đêm liên ngân hàng đã giảm khoảng 2 điểm %.

Lãi suất các kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần và 1 tháng cũng giảm mạnh xuống còn lần lượt 4,29%/năm, 4,32%/năm và 6,35%/năm. So với mức cao điểm hồi đầu tháng Ba, lãi suất các kỳ hạn này cũng đã giảm 1,5%-2 điểm %.

Thực tế, thanh khoản hệ thống ngân hàng đã trở nên dồi dào hơn trong những tuần gần đây. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa diễn ra hồi đầu tháng Ba, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện thanh khoản của hệ thống đã dồi dào trở lại, vượt khoảng 50.000 tỷ đồng so với yêu cầu bắt buộc.

Các chuyên gia đánh giá trong bối cảnh tỷ giá hiện tại còn ổn định, Ngân hàng Nhà nước đã có bước đi đúng là nỗ lực hạ lãi suất để giảm khó khăn cho nền kinh tế. Vì nếu khi biến động toàn cầu phức tạp, lãi suất USD và thậm chí là của một số nước xung quanh tăng lên, thì sức ép lên VND sẽ lớn hơn. Khi đó khả năng giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Nhà nước sẽ bị hạn chế bởi sức ép từ phía tỷ giá. Lúc đó, lựa chọn cân bằng giữa ổn định tỷ giá và hỗ trợ lãi suất lại phải được cân nhắc./.

Tác giả: Thúy Hà 

Theo: Vietnam+
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến