Dòng sự kiện:
Tài chính toàn cầu hoảng loạn, Việt Nam là ngoại lệ?
24/12/2018 21:48:27
Thị trường tài chính thế giới tuần qua chứng kiến sự hoảng loạn ngay sau khi Fed tăng lãi suất lần thứ tư trong năm 2018. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, VN có thể là một ngoại lệ khi sự tác động này không quá lớn.

Tuần tồi tệ nhất 10 năm của chứng khoán toàn cầu

Thị trường chứng khoán Mỹ tuần qua đã chứng kiến đợt sụt giảm tồi tệ nhất trong vòng 10 năm sau khi Fed công bố tăng lãi suất. Tuy vậy, theo ông Hoàng Công Tuấn, Trưởng ban Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô, Công ty Chứng khoán MBS, thực chất thị trường chứng khoán Mỹ sau một năm tăng trưởng mạnh đã có biểu hiện suy yếu (từ trước khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất) và rất cần nhịp điều chỉnh mạnh. Thông tin Fed tăng lãi suất đến trùng thời điểm thị trường vào nhịp điều chỉnh đó, khiến thị trường giảm sâu. Thực tế, việc Fed tăng lãi suất chỉ có tác động tâm lý. 

 

Tại Việt Nam, tỷ giá vẫn tương đối ổn định, làn sóng rút vốn ồ ạt đã không diễn ra như tại một số nước khác.

Quả thực, việc Fed tăng lãi suất tuần qua cùng lúc diễn ra với một loạt thông tin bất lợi cho các nhà đầu tư: Fed tiếp tục duy trì chính sách bán ra tài sản trong 2 năm tới (cắt giảm gói định lượng), giữ nguyên kế hoạch tăng thuế bất chấp những rủi ro tăng trưởng đang đến với nền kinh tế Mỹ; nguy cơ Chính phủ Mỹ bị đóng cửa do Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chối ký dự luật chi tiêu khẩn cấp cho Chính phủ Mỹ, trừ phi được cấp tiền xây tường biên giới; thông tin Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Jim Mattis đột ngột từ chức; giá dầu giảm sâu… Những thông tin này khiến giới đầu tư lo lắng và đua nhau bán tháo.       

Thị trường chứng khoán Mỹ tuần qua chứng kiến sự đổ nát tồi tệ nhất trong vòng 10 năm trở lại đây khi kết thúc tuần, chỉ số Dow jones giảm 414,23 điểm, gần bằng với mức giảm kỷ lục khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tương tự, sàn chứng khoán Nasdaq cũng rơi vào thị trường gấu (cổ phiếu giảm liên tục), mức tồi tệ nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008, giảm tới 20% so với tháng 8/2018. 

Sự u ám của thị trường chứng khoán Mỹ đã khiến thị trường chứng khoán châu Á, trong đó có Việt Nam, rực lửa. Tuần qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm 6 phiên liên tiếp, kết thúc tuần, chỉ số VN- Index bốc hơi 43 điểm, về dưới 920 điểm. 

Điều đáng ngạc nhiên là, mặc cho thị trường tài chính toàn cầu hỗn loạn, tại Việt Nam, thị trường ngoại hối vẫn ổn định, thị trường chứng khoán giảm điểm, song không quá lớn. Theo các chuyên gia kinh tế, sự hỗn loạn của thị trường sẽ chấm dứt nhanh và Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều. 

“Sau khi Fed tăng lãi suất, thị trường chứng khoán Mỹ và châu Á giảm điểm, song đây chỉ là tác động tâm lý, thị trường sẽ nhanh chóng ổn định trở lại. Tôi cho rằng, quyết định tăng lãi suất của Fed tuần qua đã được dự báo, nên thị trường đã có sự tính toán, điều chỉnh từ trước, không còn yếu tố bất ngờ để tiếp tục biến động mạnh”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhận định.

Việt Nam: Tỷ giá đứng yên, dòng tiền không tháo chạy 

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), năm 2018, VND là một trong những đồng tiền có sức chống chọi tốt nhất trước các đợt tăng lãi suất của Fed. Việt Nam cũng là nước duy nhất tại khu vực Đông Nam Á chưa phải tăng lãi suất điều hành trong năm.

Quả thực, từ đầu năm đến nay, nhiều nước trong khu vực đã phải điều chỉnh đồng nội tệ lên tới 5-9%, song tại Việt Nam, tỷ giá vẫn tương đối ổn định, làn sóng rút vốn ồ ạt đã không diễn ra như tại một số nước khác.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng,Ngân hàng Nhà nước đã rất bình tĩnh và linh hoạt trong điều hành tỷ giá. Từ đầu năm đến nay, tỷ giá chỉ điều chỉnh ở mức hơn 2%, thấp hơn nhiều nước trong khu vực.  

“Thời gian qua, một số nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philippines… đã điều chỉnh mạnh tỷ giá nội tệ. Lợi ích thu về từ xuất khẩu chưa thấy, nhưng các nước này đang phải đối mặt với nỗi lo lớn khi lạm phát liên tục tăng cao, đẩy lãi suất cho vay tăng mạnh, đồng thời xu hướng tháo chạy của dòng vốn đã diễn ra. Tôi cho rằng, chính sách tiền tệ của Việt Nam như vừa qua là hợp lý. Bởi thị trường tài chính luôn phản ứng thái quá, chúng ta nên bĩnh tĩnh, chứ không vội vã chạy theo điều chỉnh của thị trường”, ông Thành nói. 

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, việc giữ được ổn định nền tảng kinh tế vi mô, tập trung cải cách kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh… đã khiến kinh tế Việt Nam giảm được tác động tiêu cực từ các cú sốc bên ngoài. Sự ổn định của thị trường khiến luồng vốn FII vẫn được giữ lại ở thị trường Việt Nam. Chưa kể, vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam chủ yếu là đầu tư trực tiếp (FDI) nên khả năng rút vốn là rất khó.

Rủi ro lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam giai đoạn trước mắt nằm ở nguy cơ sụt giảm thương mại toàn cầu, đặc biệt là nếu như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục căng thẳng, kinh tế Trung Quốc và Mỹ suy giảm. Hiện đã có nhiều dấu hiệu cho thấy, tăng trưởng kinh tế Mỹ bắt đầu có dấu hiệu chững lại (lạm phát và giá nhà đất Mỹ đang chững lại), trong khi khả năng suy giảm của kinh tế Trung Quốc gần như là chắc chắn.

TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, giảng viên chính sách công của Đại học Fulbright Việt Nam khuyến cáo, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trung Quốc dù là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3, nhưng lại là thị trường có tốc độ tăng trưởng cao gần nhất. Nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu, nên nếu hai thị trường lớn này suy giảm, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trưởng chậm lại, ảnh hưởng tới tăng trưởng GDP.  

Nguy cơ suy giảm thương mại toàn cầu cộng với rủi ro kinh tế, chính trị toàn cầu diễn biến phức tạp đòi hỏi chính sách điều hành của cơ quan quản lý trên thị trường phải đặc biệt linh hoạt, dung hòa được các yếu tố tăng trưởng kinh tế và bảo đảm ổn định vĩ mô.

Ý kiến - Nhận định:

Ổn định vĩ mô là công cụ “chống sốc” tốt nhất của nền kinh tế.

Ông Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia

Năm 2018, nhiều nước phải điều chỉnh mạnh tỷ giá khi Fed liên tục tăng lãi suất, song tại Việt Nam, tỷ giá vẫn ổn định. Đó là nhờ năm qua, Việt Nam đã tận dụng được các cơ hội trong khó khăn, tập trung đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nhờ đó giảm các tác động tiêu cực từ bên ngoài.

Năm 2019, áp lực với tỷ giá với nước ta sẽ nhẹ nhàng hơn, vì Fed chỉ còn dư địa tăng lãi suất 1-2 lần, USD sẽ không tăng giá nữa, thậm chí sẽ rớt giá. Tuy vậy, chúng ta cần phải cảnh giác theo dõi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Nếu tình hình tiếp tục căng thẳng, thương mại toàn cầu sẽ bị suy giảm, dự báo mức suy giảm thương mại toàn cầu năm 2019 là trên 4%. Việt Nam là nền kinh tế mở, nếu xuất khẩu toàn cầu giảm, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Trong bối cảnh đó, quan trọng nhất là chúng ta cần linh hoạt trong hoạch định chính sách vĩ mô để thích ứng.n

Thị trường giảm điểm chỉ là tình cờ.

Ông Hoàng Công Tuấn, Trưởng ban Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô, Công ty Chứng khoán MBS

Theo tôi, động thái tăng lãi suất của Fed là không bất ngờ, thông tin này đã được phản ánh đầy đủ vào thị trường, nếu có tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam thì chỉ ở khía cạnh tâm lý. Còn với thị trường chứng khoán Mỹ, thông tin này được đưa ra vào đúng nhịp điều chỉnh của thị trường sau một thời gian dài tăng trưởng mạnh, chứ nguyên nhân chính khiến chứng khoán Mỹ suy giảm không phải do quyết định tăng lãi suất của Fed.

Với tỷ giá trong nước, quyết định của Fed cũng sẽ không có nhiều tác động. Năm 2018, nhiều nước trong khu vực đã phải điều chỉnh tỷ giá 5-9%, trong khi Việt Nam chỉ tăng tỷ giá 2,6%, đây là điểm sáng lớn của nền kinh tế. Thuận lợi của Việt Nam là kinh tế vĩ mô ổn định, kinh tế tăng trưởng tốt, cung ngoại tệ dồi dào (dự trữ ngoại hối đang ở mức kỷ lục)… khiến tỷ giá không bị tác động nhiều dù Fed 4 lần tăng lãi suất. 

Ảnh hưởng việc Fed điều chỉnh lãi suất tới Việt Nam, nếu có, sẽ diễn ra năm 2019. Điều này tùy thuộc vào động thái của Fed, song tôi cho rằng, khả năng Fed tăng lãi suất năm sau là rất ít, khả năng chỉ 1 lần, nên áp lực với tỷ giá nước ta năm 2019 sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều so với năm nay.

Không phải tỷ giá, đáng lo nhất là nợ công.

TS. Lê Trọng Thành, Hội đồng Nghiên cứu khoa học Đại học Quốc gia

Dư địa tăng lãi suất của Fed thời gian tới không nhiều và tác động đến tỷ giá VND/USD không đáng lo. Năm 2019, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể còn kéo dài, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam, song tôi cho rằng, Trung Quốc sẽ có nhiều động thái để ngăn chặn đà giảm tăng trưởng. Kinh tế Mỹ cũng không đáng lo... Vì vậy, tôi tin Việt Nam đạt tăng trưởng GDP tốt, lạm phát được kiểm soát dưới 4%.

Mặc dù xu hướng rút vốn đang ồ ạt diễn ra tại hàng loạt thị trường châu Á song ở Việt Nam, điều này không xảy ra, cho thấy các nhà đầu tư rất tin tưởng vào nền kinh tế Việt Nam. Nỗi lo lớn nhất của năm 2019 với Việt Nam là kiểm soát nợ công.

 

Theo báo Đầu tư

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến