Dòng sự kiện:
Tái cơ cấu ngân hàng yếu kém: Xử lý phần nổi của tảng băng chìm
23/05/2024 12:06:42
Không chỉ xử lý những ngân hàng yếu kém hay xử lý nợ xấu, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng còn rất cam go, kéo dài, khi vấn đề sở hữu chéo và cho vay sân sau vẫn hết sức phức tạp.

OceanBank sẽ được chuyển giao cho nhà băng khác theo hình thức mua bắt buộc. Ảnh: Đức Thanh

Xử lý ngân hàng yếu kém chỉ là phần nổi của tảng băng chìm

Báo cáo tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV đầu tuần này, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, Chính phủ đã hoàn thành định giá 3 ngân hàng được chuyển giao bắt buộc và dự kiến trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc trong tháng 5.

Trong 4 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu đang được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt, ngoại trừ Ngân hàng Đông Á (DongABank), 3 ngân hàng Xây dựng (CB), Đại Dương (OceanBank), Dầu khí toàn cầu (GPBank) sẽ được chuyển giao cho nhà băng khác theo hình thức mua bắt buộc.

Theo TS. Châu Đình Linh, giảng viên Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, định giá là cơ sở đầu tiên để hoàn thành bất kỳ một thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) nào. Việc hoàn tất quá trình định giá đồng nghĩa với lộ trình chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém sẽ được tăng tốc trong thời gian tới.

Như vậy, sau hơn một thập kỷ tắc nghẽn, việc xử lý các ngân hàng yếu kém bắt đầu có bước chuyển mạnh mẽ.

Tại mùa đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay, lãnh đạo các ngân hàng Vietcombank, MB, HDBank, VPBank đều đề cập việc nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém. Theo đó, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, phương án nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém đã được ngân hàng này hoàn thiện, đang trình Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, tiến độ chuyển giao tùy thuộc vào quyết định của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Dự kiến việc chuyển giao được thực hiện trong năm 2024.

Trong khi đó, ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc MB cho hay, ngân hàng này mong muốn sẽ chốt thương vụ chuyển giao ngân hàng yếu kém trong năm nay hoặc năm 2025. Hiện phương án nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém đã được MB trình Ngân hàng Nhà nước.

Trên thực tế, các ngân hàng yếu kém không phải là một món hời, bởi đa phần đều trong tình trạng thua lỗ, nợ xấu lớn. Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch VPBank cho rằng, nếu xét ở góc độ tài chính đơn thuần, thì hầu hết các ngân hàng không ‘tha thiết’ tham gia hỗ trợ các ngân hàng yếu kém, bởi các ngân hàng 0 đồng đều bị lỗ lũy kế và đang tiếp tục lỗ. Sở dĩ VPBank tham gia nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém là do dư thừa nguồn vốn và phải đối mặt với bài toán tăng trưởng quy mô. Việc tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu sẽ được ưu ái về room tín dụng, cũng như có cơ hội được nới room vốn ngoại.

Ngoài VPBank, các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc hiện nay (Vietcombank, MB, VPBank, HDBank) đều là các ngân hàng có tiềm lực vốn lớn, bảng cân đối tài sản lành mạnh, hệ thống quản trị chuyên nghiệp, hoạt động hiệu quả. Việc nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém chủ yếu là vì nhiệm vụ chính trị và mục tiêu tăng trưởng lâu dài.

Phải tái cơ cấu cả hệ thống tài chính

Mặc dù đánh giá cao bước chuyển mới về tái cơ cấu ngân hàng yếu, song các chuyên gia cho rằng, xử lý ngân hàng yếu chỉ là xử lý phần nổi của tảng băng chìm. Gốc rễ gây ra tình trạng ngân hàng yếu kém vẫn còn đó, đặc biệt là tình trạng sở hữu chéo, cho vay sân sau của ngân hàng, tình trạng nền kinh tế chủ yếu dựa vào tín dụng…

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam đã tư nhân hóa hệ thống ngân hàng quá sớm. Các ông chủ ngân hàng - đa phần cũng là các ông chủ tập đoàn bất động sản - chủ yếu rót vốn cho các công ty sân sau, các dự án bất động sản. Điều này dẫn tới Việt Nam không thể dồn nguồn lực tài chính cho công nghiệp, nông nghiệp, trong khi thị trường bất động sản luôn tăng trưởng nóng, thường xuyên rơi vào tình trạng đầu cơ.

Trong báo cáo mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến cáo các cấp có thẩm quyền tại Việt Nam có thể ban hành chính sách nhằm cải thiện tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng và tăng cường khung thể chế về giám sát an toàn (bao gồm phát hiện và xử lý các vấn đề về quan hệ giữa ngân hàng và các tập đoàn doanh nghiệp), can thiệp sớm và xử lý ngân hàng yếu kém (nhằm ngăn ngừa các ngân hàng sụp đổ gây ra các vấn đề mang tính hệ thống) và quản lý khủng hoảng.

Báo cáo tại Quốc hội đầu tuần này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh cũng chỉ ra thực trạng là, nguồn lực xã hội thay vì dành cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, lại bị “chôn” vào đất, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Tình trạng sở hữu chéo dù giảm trên giấy tờ, song thực chất vẫn ăn sâu, bám rễ và ngày càng tinh vi khiến việc xử lý vô cùng khó khăn. TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, sở hữu chéo khiến xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng kéo dài, khó xử lý dứt điểm.

Nói cách khác, tái cơ cấu ngân hàng không chỉ là xử lý nợ xấu, xử lý ngân hàng yếu kém, mà còn phải tái cấu trúc cả dòng vốn tín dụng toàn ngành. Muốn vậy, Ngân hàng Nhà nước cần phải có cơ chế phù hợp để khuyến khích các lĩnh vực tín dụng ưu tiên.

Ngoài ra, tái cơ cấu ngân hàng cũng không thể tách rời tái cấu trúc hệ thống tài chính. Hiện nền kinh tế đang dựa quá nhiều vào tín dụng ngân hàng, trong khi các kênh khác của thị trường vốn (trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán) vẫn còn phát triển hạn chế. Điều này gây rủi ro cho không chỉ hệ thống ngân hàng, mà cho toàn bộ nền kinh tế.

Tác giả: Hà Tâm

Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến