Tái cơ cấu, xử lý nợ xấu đang được triển khai quyết liệt
30/09/2014 11:27:44
Theo NHNN Việt Nam, mặc dù hoạt động hệ thống các TCTD an toàn, việc triển khai quyết liệt các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các TCTD, xử lý nợ xấu đã đạt được kết quả quan trọng; tuy nhiên chủ yếu là những giải pháp nội bộ của hệ thống ngân hàng. Điều đó đã và đang làm năng lực tài chính của hệ thống TCTD suy giảm.
Quyết liệt tái cơ cấu
NHNN Việt Nam cho biết, căn cứ Đề án 254 (Quyết định 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 – 2015), Thống đốc NHNN đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Đề án và tổ chức triển khai các giải pháp như đánh giá, xác định thực trạng hoạt động, chất lượng tài sản và nợ xấu của các TCTD để phân loại, xác định các TCTD yếu kém; trên cơ sở đó, ưu tiên xử lý trước phù hợp với nguồn lực, bảo đảm cơ cấu lại, xử lý những yếu kém, tồn tại nhưng vẫn giữ vững sự ổn định, an toàn của hệ thống.

Theo đó, đối với các NHTM Nhà nước, đến nay NHNN đã phê duyệt đề án tái cơ cấu của NHTMCP Ngoại thương Việt Nam và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, đang hoàn thiện để phê duyệt phương án cơ cấu lại của NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, NHTMCP Phát triển nhà đồng bằng Sông Cửu Long.

Đối với các NHTMCP, trong số 9 NHTMCP yếu kém được xác định từ năm 2012, NHNN đã phê duyệt 8 phương án cơ cấu lại, trong thời gian tới, NHNN sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phương án cơ cấu lại đối với 1 ngân hàng còn lại. Hiện nay, các ngân hàng này đang tích cực triển khai các giải pháp cơ cấu lại theo đúng phương án được duyệt.

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, NHNN đang quyết liệt thực hiện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng (Ảnh: Internet)

“Các ngân hàng yếu kém được cơ cấu lại theo các phương án được duyệt đều có tình hình hoạt động ổn định và cải thiện hơn so với thời điểm bắt đầu thực hiện tái cơ cấu...”, NHNN thông tin. Cụ thể, đến cuối tháng 6/2014, tổng tài sản của 9 NHTMCP yếu kém tăng 3,l7% so với cuối năm 2013; huy động vốn tăng 3,28% so với cuối năm 2013; tổng dư nợ thị trường 1 tăng 10,18% so với cuối năm 2013.

Đối với các NHTMCP hoạt động bình thường, NHNN đã nhận phương án tái cơ cấu của 24/25 NHTMCP; trong đó, NHNN đã phê duyệt 18 Phương án tái cơ cấu, đồng thời yêu cầu NHTMCP còn lại tiếp tục hoàn thiện phương án.

Đối với các TCTD nước ngoài, thời gian qua, NHNN tích cực chỉ đạo tái cơ cấu 3 ngân hàng liên doanh thuộc diện yếu kém hoặc vi phạm pháp luật nghiêm trọng, trong đó có 2 ngân hàng dự kiến có sự thoái vốn của đối tác Việt Nam, triển khai việc rút giấy phép, đóng cửa một số chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động không có hiệu quả hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, chuyển giao tài sản, công nợ sang đơn vị trực thuộc của cùng ngân hàng mẹ hoạt động ở Việt Nam.

Tích cực xử lý nợ xấu

Thời gian qua, NHNN đã chủ động triển khai các giải pháp kiềm chế nợ xấu gia tăng, nâng cao chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu, đồng thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của DN. Nhờ đó, “đến nay, nợ xấu đã được kiềm chế và tiếp tục được xử lý”, NHNN nhấn mạnh.

Cụ thể, theo báo cáo của các TCTD, đến cuối tháng 7/2014, tổng nợ xấu nội bảng là 162,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,11% tổng dư nợ (cuối năm 2013, tỷ lệ nợ xấu là 3,61%).
Lý giải nguyên nhân khiến nợ xấu của hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng trong các tháng đầu năm 2014, NHNN Việt Nam cho biết, là do tình hình kinh tế vĩ mô chưa có nhiều cải thiện, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN còn khó khăn. Bên cạnh đó, một phần cũng bởi TCTD áp dụng chuẩn mực mới về phân loại nợ chặt chẽ hơn để phản ánh chính xác hơn chất lượng tín dụng và thực trạng nợ xấu, từ đó thúc đẩy xử lý nợ xấu.

“Tuy nhiên, tính từ đầu năm, tháng 7/2014 có tốc độ tăng nợ xấu thấp nhất (tăng 0,79% so với tháng trước) cho thấy chất lượng tín dụng đang có chiều hướng cải thiện”, NHNN cho biết.

Liên quan đến vấn đề xử lý nợ xấu, NHNN cho biết, thời gian qua các TCTD rất tích cực và chủ động xử lý nợ xấu. Theo đó, trong 7 tháng đầu năm các TCTD đã xử lý được hơn 40,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, khách hàng trả nợ là 14,3 nghìn tỷ đồng; Bán, phát mại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ 1,56 nghìn tỷ đồng; Bán cho các tổ chức, cá nhân 14,49 nghìn tỷ đồng; Xử lý bằng dự phòng rủi ro 8,3 nghìn tỷ đồng...

Bên cạnh đó, các TCTD còn xử lý nợ thông qua VAMC. Theo đó, đến cuối tháng 8/2014, VAMC đã mua được 3281 khoản nợ, với tổng dư nợ gốc hơn 56 nghìn tỷ đồng nợ xấu, giá mua hơn 46 nghìn tỷ đồng. Đến nay, VAMC đã thu hồi được 1.462 tỷ đồng nợ xấu thuộc 31 TCTD...

Đánh giá về hoạt động của VAMC, NHNN cho biết, là định chế mới được thành lập và đi vào hoạt động với nhiều khó khăn, nhưng kết quả đạt được ban đầu của VAMC là rất đáng khích lệ, hỗ trợ cho đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu trong thời gian tới.

Còn nhiều khó khăn

Theo NHNN Việt Nam, mặc dù hoạt động hệ thống TCTD an toàn, việc triển khai quyết liệt các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các TCTD, xử lý nợ xấu đã đạt được kết quả quan trọng, tuy nhiên vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Theo đó, hiện khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện, thiếu các nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, quản trị, thủ tục, trình tự xử lý và thương lượng giữa các nhà đầu tư mất nhiều thời gian. Việc tái cơ cấu xử lý những tồn tại, yếu kém ở một số TCTD, nhất là các TCTD thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước chưa được triển khai quyết liệt. Sự an toàn lành mạnh của hệ thống ngân hàng được cải thiện rõ rệt nhưng chưa đồng đều giữa các TCTD.

Đặc biệt, khuôn khổ pháp lý về dân sự, kinh tế, đầu tư, tài chính, ngân hàng còn chưa rõ ràng, đồng bộ; cơ chế thực thi pháp luật có nơi, có lúc chưa bảo đảm nghiêm minh, công bằng, đặc biệt chưa bảo vệ quyền của chủ nợ. Trình tự, thủ tục xử lý tài sản, tố tụng và thi hành án phức tạp, kéo dài gây tốn kém thời gian và chi phí cho TCTD. Việc hình sự hóa trong lĩnh vực ngân hàng làm giảm khả năng thu hồi vốn, tài sản cho Nhà nước và nhân dân, đồng thời có thể làm gia tăng chi phí cơ cấu lại.

Bên cạnh đó, trong chương trình cơ cấu lại ngân hàng và xử lý nợ xấu, về cơ bản không sử dụng tiền từ ngân sách Nhà nước để xử lý những tổn thất, rủi ro của hệ thống. Tuy nhiên, cơ chế, chính sách khuyến khích, huy động các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia cơ cấu lại ngân hàng và xử lý nợ xấu còn chưa đủ hấp dẫn. Sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan chức năng với NHNN trong cơ cấu lại hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu chưa thực sự chặt chẽ và có hiệu quả.

“Việc thực hiện các giải pháp tái cơ cấu và xử lý nợ xấu thời gian qua chủ yếu là những giải pháp nội bộ của hệ thống các TCTD, đã và đang làm cho năng lực tài chính của hệ thống TCTD giảm, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sự an toàn, vững mạnh của hệ thống TCTD”, NHNN nhấn mạnh.

Theo Thời báo Ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến