Kỳ vọng là đòn bẩy tăng trưởng cho ngành dầu khí
Mới đây, ngày 11/5, UBND TP Cần Thơ đã làm việc với Công ty Điều hành đường ống Tây Nam thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) về công tác chuẩn bị cho dự án Đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn trên địa bàn TP Cần Thơ.
Khoảng 14 năm trước, dự án này đã được rục rịch triển khai. Tuy nhiên, vì một số lý do, nên hơn 10 năm qua dự án vẫn không thể xúc tiến.
Một hệ thống ống dẫn khí của Vietsovpetro. Ảnh: Vietsovpetro
Hiện tại, chủ trương đầu tư dự án đã được phê duyệt và đang tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi, dự kiến phê duyệt trong quý 4/2022.
Công ty điều hành đường ống Tây Nam (SWPOC) là chủ đầu tư, chịu trách nhiệm trong việc triển khai dự án.
Đại diện SWPOC cho biết, JBIC (Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản) đang ở các bước đánh giá về môi trường cũng như công tác an sinh xã hội để xác định khả năng cho dự án vay.
“Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Văn Hồng cho biết, dự án này là dự án trọng điểm của vùng, nằm trong sơ đồ điện 7 của quốc gia chứ không riêng của Cần Thơ.” |
Sau đại dịch Covid-19 và sụt giảm giá dầu toàn cầu 2 năm qua, ảnh hưởng sâu rộng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh và chỉ tiêu tăng trưởng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và PVN, việc sớm triển khai chuỗi dự án Lô B - Ô Môn sẽ là đòn bẩy tăng trưởng cho ngành dầu khí nói riêng và năng lượng nói chung.
Đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn sẽ cung cấp khí cho cụm năng lượng điện Ô Môn. Cụm này trước đây là 4 nhà máy, sau đó Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xin thêm 1 nhà máy nữa. Một nhà máy bình quân có vốn đầu tư khoảng 1,3 tỷ USD.
Hiện nay nhà máy Ô Môn 1 đã hoàn thành và đi vào hoạt động; Ô Môn 2 đã cấp chủ trương đầu tư và đang làm thủ tục để triển khai đầu tư xây dựng.
Còn nhà máy Ô Môn 3 đang xin Quốc hội để xin vốn ODA thực hiện, dự kiến sẽ triển khai sớm dự án này; Ô Môn 4 đang phát hành hồ sơ chọn lựa đơn vị thi công; Ô Môn 5 đang xin chủ trương để xây dựng thêm…
Năm 2025 sẽ bắt đầu cung cấp khí?
Cuối năm 2008, Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro (hiện là Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro, gọi tắt là Vietsovpetro) đã bàn giao tuyến ống dẫn khí dài 325km để dẫn khí về cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau. Tuyến này chỉ có 27km nằm trên đất liền nhưng thi công mất khoảng 18 tháng.
Về đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn, vào năm 2009, Vietsovpetro đề xuất nên thi công tương tự tuyến ống ở Cà Mau, tức sẽ đào kênh để đưa sà lan vào vận chuyển và thi công lắp đặt. Thiết bị sau khi đưa về cảng Cần Thơ, sẽ được đưa lên sà lan và theo tuyến kênh cung cấp cho đơn vị thi công.
Hoạt động khai thác dầu khí. Ảnh: Vietsovpetro
Phương án đưa ra khi đó là đào con kênh có độ rộng bề mặt 12m, dài 120km kéo dài từ Ô Môn cho đến Cái Tàu (Cà Mau). Theo đó, đường ống dẫn khí sẽ được lắp đặt song song, cách tuyến kênh trên 10m.
Một con kênh dài như vậy, đương nhiên dự tính phải “cắt” hàng loạt tuyến quốc lộ, tỉnh lộ ở Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu… Phương án đưa ra là xây cầu tại điểm giao cắt các tuyến giao thông hoặc khoan bên dưới để kéo ống qua.
“Công ty Điều hành đường ống Tây Nam (thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) cho biết Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với các bộ - ngành để sớm đưa dự án vào vận hành.” |
Riêng trên 100 con kênh, rạch lớn nhỏ phải cắt qua, có thể đối với những con sông lớn và sâu như sông Trẹm, Cái Tàu.. đơn vị thi công sẽ khoan để đặt ống dưới độ sâu 10m.
Dọc theo con kênh, cứ cách 5km, sẽ có một bãi thi công để đấu nối ống, với đường ray vận chuyển… Và tại Cà Mau, sẽ đặt một trạm theo dõi để đề phòng khi có sự cố xảy ra, tuyến ống sẽ được đóng lại tại đây nhằm không gây ảnh hưởng chung…
Hiện tại, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành để sớm đưa dự án vào vận hành. Khoảng tháng 7/2022 sẽ có quyết định đầu tư cho chuỗi khí điện và có dòng khí đầu tiên vào Ô Môn khoảng quý 4/2025.
Hiện nay dự án đường ống dẫn khí đang hoàn thiện những bước sau cùng để đáp ứng yêu cầu của cấp thẩm quyền. Công tác giải phóng mặt bằng đã bàn giao mốc cho Trung tâm Phát triển quỹ đất, dự kiến bắt đầu thực hiện vào tháng 7/2022, bàn giao đất cho nhà thầu thi công vào quý 2/2023.
Lãnh đạo EVN, PVN đã cập nhật hiện trạng khâu thượng, trung và hạ nguồn để có các giải pháp kịp thời. Với mục tiêu, dự án Lô B (khâu thượng nguồn) sẽ có quyết định đầu tư vào tháng 6/2022. Theo PVN, ước tính khoảng 19,23 tỷ USD sẽ được bổ sung vào ngân sách Nhà nước trong vòng đời 20 năm của dự án từ dự án thượng nguồn và đường ống dẫn khí. Ngoài ra, 4 nhà máy điện khí tại Ô Môn với tổng công suất 3.810 MW sẽ bổ sung nguồn cung điện cho khu vực miền Nam trong tương lai, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cho Việt Nam. |
Tác giả: Thanh Ngọc
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy