Dòng sự kiện:
Tài sản nhóm 'đại gia Đông Âu' biến động ra sao những ngày qua?
03/03/2022 16:40:28
Những đại gia thành danh từ Đông Âu đều là những doanh nhân nổi tiếng, đứng đầu các tổ chức lớn ở trong nước, nhiều người trong số họ là các tỷ phú USD.

Cổ phiếu VIC trong những phiên giao dịch gần đây được coi là một trong những nguyên nhân chính kéo tụt chỉ số. Ví dụ như phiên 28/2, mã này tiếp tục "mò đáy", giảm 2.100 đồng tương ứng 2,7% xuống còn 77.000 đồng và theo đó ảnh hưởng tới VN-Index hơn 2 điểm.

Tuy nhiên, tình hình đã đảo ngược ở phiên đầu tháng 3 khi VIC lại là mã có ảnh hưởng tích cực nhất đến thị trường, đóng góp tới 2,13 điểm trong mức tăng 8,65 điểm của VN-Index, giúp chỉ số đóng cửa sát mốc 1.500 điểm.

Phiên 2/3, VIC chỉ giảm 0,38%, thu hẹp thiệt hại đáng kể so với trong phiên, nhờ đó VN-Index vẫn đóng cửa trên 1.480 điểm. Trong phiên này, toàn thị trường có tới 602 mã giảm giá, 6 mã giảm sàn so với 401 mã tăng, 33 mã tăng trần.

Tính trong một tháng trở lại đây, cổ phiếu VIC đã giảm 18,66% và giảm tới 26,4% trong vòng một quý. Mã này thiết lập đáy mới 77.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 28/2 tuy nhiên đã kịp hồi phục trở lại.

Diễn biến cổ phiếu VIC từ đầu năm (Ảnh chụp màn hình).

Cho đến nay, dù VIC đã để mất "ngôi vương" vốn hóa trên thị trường nhưng giá trị vốn hóa của VIC vẫn đạt trên 300.000 tỷ đồng và là một trong 3 mã cổ phiếu lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam (đứng sau VCB và VHM). Chính bởi vậy, diễn biến giá của VIC có ảnh hưởng đáng kể đến biến động VN-Index.

Ở phiên 2/3, bên cạnh GAS thì cổ phiếu VJC của hãng bay VietJet Air là một trong những mã có ảnh hưởng tích cực nhất đối với VN-Index, đóng góp cho chỉ số 0,57 điểm.

VJC tăng 4.100 đồng tương ứng tăng 2,91% lên 145.000 đồng với khối lượng giao dịch tăng vọt so với các phiên trước, đạt 1,12 triệu đơn vị. Nhờ diễn biến giá tích cực trong 2 phiên đầu tháng 3, theo đó, VJC đạt được mức tăng trưởng gần 19% trong vòng một tháng giao dịch và tăng hơn 13% kể từ đầu năm.

MSN của Masan Group cũng là một trong số ít cổ phiếu trên thị trường tăng giá phiên 2/3. Mã này tăng 500 đồng tương ứng tăng 0,32% lên 157.000 đồng. Trong vòng một tháng qua, MSN tăng gần 9,8% nhưng nếu so với thời điểm đầu năm thì mã này lại sụt mất 14.000 đồng mỗi cổ phiếu tương ứng giảm giá 8,19%.

Phiên giảm điểm ngày 2/3 của VN-Index (chỉ số mất 13,26 điểm tương ứng 0,89%) chủ yếu do sức ép giảm giá của nhóm ngân hàng. Trong 10 mã có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số VN-Index thì có đến 9 mã thuộc ngành ngân hàng. Riêng TCB của Techcombank lấy đi 0,98 điểm của VN-Index do sụt giảm 1.100 đồng tương ứng mất 2,19% về còn 49.200 đồng.

Hiện tại, tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup - đang sở hữu trực tiếp 985,5 triệu cổ phiếu VIC và sở hữu gián tiếp 1,17 tỷ cổ phiếu.

VJC hồi phục khá tốt nhờ triển vọng ngành hàng không sáng hơn hậu Covid-19 (Ảnh chụp màn hình).

Tại Vietjet Air, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc hãng bay - đang sở hữu trực tiếp 47,47 triệu cổ phiếu VJC và sở hữu gián tiếp 193,43 triệu cổ phiếu này thông qua Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny.

Trong khi đó, "cặp bài trùng" ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Techcombank và ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Masan Group đều sở hữu khối lượng lớn cổ phần tại 2 doanh nghiệp trên. Ông Hồ Hùng Anh sở hữu 39,3 triệu cổ phiếu TCB và 250,75 triệu cổ phiếu MSN còn ông Nguyễn Đăng Quang sở hữu 9,4 triệu cổ phiếu TCB và 255,7 triệu cổ phiếu MSN.

Điểm chung của những đại gia này đó là việc họ đều được công nhận là "tỷ phú USD" và là những người giàu nhất Việt Nam thời điểm hiện tại. Do những biến động đáng kể của giá cổ phiếu trong 2 tháng đầu năm nên giá trị tài sản của các tỷ phú trên cũng thay đổi theo.

Theo thống kê của Forbes, tính đến hết phiên giao dịch 2/3, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng còn 6,1 tỷ USD và đã ra khỏi top 400 người giàu nhất thế giới, hiện xếp thứ 435. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo có tài sản 3 tỷ USD; giá trị tài sản của ông Hồ Hùng Anh là 2,5 tỷ USD và của ông Nguyễn Đăng Quang là 2,1 tỷ USD.

Bên cạnh đó, ông Phạm Nhật Vượng, ông Nguyễn Đăng Quang, ông Hồ Hùng Anh và bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng đều là những doanh nhân khởi nghiệp và thành công từ Đông Âu.

Trước khi về nước và phát triển Vingroup trở thành một tập đoàn đa ngành lớn mạnh thì tại Ukraine, ông Phạm Nhật Vượng là một trong những doanh nhân thành công với mặt hàng mì gói. Technocom - tiền thân của Vingroup - là một trong những nhà sản xuất mì ăn liền hàng đầu tại Ukraine.

Nếu như trước khi về, ông Phạm Nhật Vượng đã bán lại nhà máy sản xuất mì gói cho Nestlé để tập trung vào bất động sản thì ông Nguyễn Đăng Quang và ông Hồ Hùng Anh vẫn duy trì kinh doanh mặt hàng ngày, gây dựng nên Masan Consumer.

Là người phụ nữ duy nhất của Việt Nam được xếp hạng trong danh sách tỷ phú USD của thế giới, bà Nguyễn Thị Phương Thảo là người đồng sáng lập Tập đoàn Sovico, một doanh nghiệp hoạt động đa ngành, từ bất động sản đến hàng không, dầu khí…

Bên cạnh những doanh nhân nói trên, thương trường Việt còn có nhiều nhân vật nổi tiếng khác tu nghiệp và thành công từ Đông Âu như ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch VPBank, ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch VIB Bank, ông Trịnh Văn Tuấn - Chủ tịch OCB Bank, ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch Maritime Bank, ông Nguyễn Cảnh Sơn - Chủ tịch Eurowindow.

Tác giả: Mai Chi

Theo: Dân trí
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến