Tại sao doanh nghiệp bất động sản 'chê' vay gói 50.000 tỷ?
19/08/2014 12:18:01
(ANTT.VN - NĐT) Gần 5 tháng công bố gói tín dụng 50.000 tỷ đồng, vẫn chưa có doanh nghiệp nào vay được từ gói này.

Sau khi gói tín dụng 50.000 tỷ đồng thông qua chuỗi liên kết xây dựng 4 nhà (ngân hàng, chủ đầu tư, nhà thầu, nhà cung ứng vật liệu sản xuất) dành cho thị trường xây dựng và bất động sản của Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) phối hợp cùng Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh cho ra mắt vào ngày 25/3/2014 đến nay vẫn chưa có một doanh nghiệp bất động sản (BĐS) nào vay được vốn từ gói tín dụng này.
 
Xuất phát từ khó khăn chung của nền kinh tế, mặc dù gần đây thị trường BĐS đã có nhiều chuyển biến nhưng về cơ bản vẫn khá ảm đạm. Hơn nữa, việc triển khai gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng chưa đạt mục tiêu đề ra, không đáp ứng được kỳ vọng của Chính phủ, người dân và cả nền kinh tế. Do đó nhiều dự án bị dang dở, không ít doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, thậm chí đã có chủ dự án phải bỏ trốn.
 
Lẽ ra, trong hoàn cảnh đó, sự xuất hiện của gói tín dụng 50.000 tỷ đồng đáng lẽ phải là một tin mừng cho thị trường BĐS. Tuy nhiên, sau gần 5 tháng công bố gói tín dụng này vẫn chưa có một doạnh nghiệp nào vay được vốn. Nhiều doanh nghiệp cũng đã thẳng thừng từ chối gói 50.000 tỷ bởi theo các doanh nghiệp này sự xuất hiện của gói tín dụng 50.000 tỷ tỷ đồng cùng với chuỗi liên kết "4 nhà" cũng đặt ra nhiều số vấn đề đáng suy nghĩ.

 
Gần 5 tháng công bố gói tín dụng 50.000 tỷ đồng, vẫn chưa có doanh nghiệp nào vay được từ gói này. (Ảnh minh họa).

Trên báo Giao thông vận tải, lãnh đạo một công ty xây dựng (xin không nêu tên) cho biết, ông đã từng từ chối vay gói 50.000 tỷ đồng bởi quá thất vọng với cách cho vay của gói liên kết này.  “Gói liên kết mà họ nói là 4 nhà nhưng trên hồ sơ không cho Công ty của tôi vay mà lại cho Công ty Thiên Thanh vay. Lý do cho Thiên Thanh vay là để bán vật tư cho Công ty tôi, họ đưa lý do Công ty tôi có lợi là mua được 50 tỷ đồng vật tư mà không phải trả tiền mặt, có ngân hàng trả hộ.
 
Khi Công ty Thiên Thanh bán vật tư cho tôi sẽ lời ra được khoảng 10%, khoảng 5 tỷ. Như vậy, tiền của tôi nhưng họ bán vật tư cho tôi vừa lời tiền, nhưng tiền lãi hàng tháng của cả năm đó tôi vẫn trả cho Thiên Thanh. Nếu Công ty Thiên Thanh có sự cố thì tôi lại là người bị thu tài sản vì tài sản thế chấp lúc làm hồ sơ thủ tục là của tôi.
 
Tóm lại, tiền thì ngân hàng cho Công ty Thiên Thanh vay, tài sản thế chấp lại là của tôi, mục đích chỉ là giải ngân bán vật tư cho tôi. Tôi là người phải trả lãi tài sản của tôi và họ bán vật tư cho tôi họ có lời”, vị lãnh đạo đó chia sẻ.
 
Trả lời trên Infornet, một chuyên gia bất động sản (xin giấu tên) phân tích: “Mình ủng hộ phương thức này của anh em đưa ra nhưng đừng có “bơm” nó lên thành quả bóng to sẽ dễ bị “xì hơi. Việc muốn “biến” Tập đoàn Thiên Thanh thành nhà tổ chức chuyên nghiệp để kết nối các “nhà” chỉ là ý định kinh doanh của họ, không phải để “cứu” bất động sản. Từ đó sẽ dẫn đến một số quan ngại như độc quyền, nhóm lợi ích.
 
Nếu câu chuyện này nhằm mục đích giảm giá thành bất động sản, giá nhà bán cho người tiêu dùng hợp lý, không xuất hiện nhóm lợi ích… thì “sân chơi” này chắc chắn sẽ được ca ngợi. Tuy nhiên, liệu họ có làm được không, có hình thành nhóm lợi ích riêng hay không? Sự hợp tác giữa các chủ thể theo phương thức tự nguyện và thỏa thuận, theo cơ chế thị trường, chứ không có chính sách nào của Nhà nước cả”.
 
Đáng lưu ý là, trong chuỗi liên kết "4 nhà", Tập đoàn Thiên Thanh sẽ là nhà tổ chức cung ứng VLXD, chủ trì xây dựng sàn kinh doanh VLXD đầu tiên trên cả nước, nhằm kết nối các đối tượng có nhu cầu là các chủ đầu tư, nhà thầu với các nhà sản xuất VLXD trên cả nước. Tổng Giám đốc Ngân hàng VNCB cho rằng, chuỗi liên kết "4 nhà" sẽ giảm thiểu sự rủi ro tín dụng cho các ngân hàng thương mại, đồng thời giảm giá thành dự án, giải phóng được hàng tồn kho BĐS. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao Tập đoàn Thiên Thanh được lựa chọn làm trung gianmà không phải là các đơn vị cung ứng VLXD khác?
 
Ngoài ra, băn khoăn lớn nhất của dư luận đối với gói tín dụng này chính là nguy cơ tiếp tục gia tăng tồn kho BĐS - vấn đề lớn nhất của thị trường BĐS hiện nay. Bởi thực tế, rất nhiều nhà đầu tư mua gom hàng, đầu cơ và chưa bán được cho người tiêu dùng thực sự trong khi thị trường BĐS đang thừa mứa căn hộ, nhà ở phân khúc trung cấp và cao cấp.
 
Vì vậy, việc các ngân hàng đưa ra gói tín dụng 50.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong lĩnh vực này nếu không có sự kiểm soát tốt sẽ dẫn đến nguy cơ tiếp tục gia tăng tồn kho BĐS. Thị trường BĐS lại tiếp tục đóng băng.
 
V.T (Tổng hợp)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến