Ảnh minh họa.
Không còn không khí hồ hởi, phấn khởi khi quyết định đầu tư vào kênh nào đó như trước, giờ đây, nhiều nhà đầu tư cá nhân cân nhắc rất lâu trước khi xuống tiền.
Điều này là dễ hiểu trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu lan rộng và nhiều người đang phải thắt chặt hầu bao.
Anh P.T, một người kinh doanh bất động sản ở Đà Nẵng chia sẻ: “Đất cát dạo này ngán ngẩm, không còn sôi động như trước. Thực tình là chúng tôi đang ở trạng thái không biết đầu tư ở đâu và đầu tư thế nào cho hiệu quả, tránh được rủi ro”.
Không đầu tư địa ốc, dạo trước anh P.T quay sang đầu tư chứng khoán, nhưng càng đầu tư càng lỗ. Sau một thời gian đắm chìm trên sàn chứng khoán, anh đành phải cắt lỗ, chuyển qua đầu tư tiền kỹ thuật số. “Ban đầu thì cũng kiếm được chút, nhưng hình thức đầu tư nhàn rỗi này cũng khó tránh được rủi ro. Chơi món này tôi phải phân tích kỹ thuật và “canh me” biến động giá và tình hình kinh tế thế giới dữ lắm, nhưng nhiều khi phán đoán trật lất”, anh P.T tâm sự.
Nhận thấy đầu tư tiền kỹ thuật số không bền vững, hiện anh chuyển sang hùn vốn cùng một số người bạn đầu tư vào lĩnh vực may mặc. “Thay vì sản xuất ra mặt hàng, mình chỉ gia công, nên chi phí nhân công thấp và tiết giảm được thời gian hơn. Hy vọng, hình thức đầu tư này sẽ “ăn chắc mặc bền” hơn, nhất là giảm thiểu được rủi ro tài chính”, anh P.T nói và cho biết, khi nào thị trường bất động sản ấm trở lại, anh sẽ quay về lĩnh vực địa ốc.
Là một nhà đầu tư chuyên “săn” căn hộ, đất nền ở miền Trung, anh Nguyễn Thanh Bình tâm sự, lâu nay, anh và một số người bạn thường lướt nhà, đất bằng cách hùn vốn.
Theo anh Bình, cách đầu tư này chỉ hữu hiệu trong thời gian ngắn. Còn giờ, thị trường bất động sản ở Đà Nẵng đang “ngủ đông”, nên cách đầu tư này trở nên mạo hiểm.
“Nếu trong thời ngắn vẫn không thanh khoản được lô đất đã mua thì vô hình trung, khoản tiền đầu tư bỏ ra bị nhốt lại. Mình đầu tư bằng vốn tự có thì vẫn có thể cắt lỗ, nhưng nếu vay vốn ngân hàng thì rất đau đầu”, anh Bình phân tích.
Nếu như trước đây, nhiều nhà đầu tư luân chuyển dòng vốn một cách linh hoạt (như kiếm lời từ chứng khoán, tiền kỹ thuật số và các loại hình đầu tư khác rồi đầu tư sang nhà, đất…) thì giờ đây, họ rơi vào trạng thái phân vân lựa chọn hình thức đầu tư.
“Thời điểm này, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều nhà đầu tư có biểu hiện “trú ẩn”, ngồi quan sát, hơn là bung tiền để đầu tư thứ gì đó. Điều này cũng dễ hiểu vì đó là lựa chọn an toàn”, anh P.T nêu thực tế.
Nhiều nhân viên môi giới bất động sản tại miền Trung cũng tỏ ra ngán ngẩm khi các phân khúc bất động sản đang khó thanh khoản. “Nhiều tháng qua, bọn em không đẩy được lô đất nào. Khách cứ hỏi cho biết hoặc kỳ kèo giá cả cho vui chứ không xuống tiền”, chị K.L, một môi giới thở dài. Hơn nửa năm không kiếm được đồng hoa hồng môi giới nào, K.L chuyển sang góp vốn cùng bạn bè mở quán cà phê để sinh nhai.
Dù nhờ cả môi giới và tự mình rao bán lô đất hơn 100 m2 ở xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), nhưng anh N.P.A vẫn chưa đẩy được lô đất này. “Người hỏi thì nhiều, mà thiện chí mua thì chưa thấy, trong khi mình đã bớt giá vài chục triệu đồng”, N. P.A than thở.
Tại huyện Cam Lâm (Khánh Hòa), sau khi cơ quan chức năng phát hiện nhiều trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất, rồi tách thửa trái pháp luật xảy ra tại đây, thì các sàn giao dịch và cá nhân môi giới bất động sản bắt đầu “co vòi”.
Hiện nhiều sàn giao dịch bất động sản tại thị trấn Cam Đức, xã Cam Hải Đông... không một bóng khách đến hỏi mua đất, có sàn cửa đóng then cài, treo biển tạm nghỉ giao dịch.
Trong vai người đang tìm mua đất trồng cây để chuyển đổi, tôi tìm đến một trung tâm môi giới trên địa bàn Cam Lâm và được một nhân viên môi giới khuyên: “Thời gian này, cơ quan chức năng kiểm tra liên tục nên anh không nên mua đất trồng cây để chờ chuyển đổi”.
Khi tôi hỏi về sản phẩm bất động sản đã có pháp lý ổn định, nhân viên này nêu mức giá khá cao, do người mua trước đã mua mức cao, nên họ không muốn bán rẻ hơn. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến thị trường trầm lắng.
Theo ông Phan Việt Hoàng, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Khánh Hòa, sau khi có những động thái quyết liệt của chính quyền địa phương xử lý sai phạm tại các khu đất chuyển mục đích, phân lô bán nền tự phát... tâm lý chung của thị trường đất nền đã có sự e dè.
Cùng với đó là việc Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt đối với tín dụng bất động sản đã làm tăng thêm áp lực thoát hàng đối với các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính quá nhiều.
“Thị trường đang trầm lắng, nhà đầu tư theo dõi thêm những yếu tố liên quan như chính sách điều hành tài chính tiền tệ và tiến độ hoàn thành các quy hoạch lớn của địa phương, nên chưa vội xuống tiền”, ông Hoàng nhận định.
Tác giả: Linh Đan
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy