Dòng sự kiện:
Tân Chủ tịch tỉnh TT-Huế: 'Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo'
05/06/2018 06:30:58
Ngày 4/6, HĐND tỉnh Thừa Thiên -Huế đã bầu ông Phan Ngọc Thọ làm Chủ tịch UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2016 – 2021, với 100% số phiếu tín nhiệm.

Ngay sau khi kết quả được công bố, PV An ninh tiền tệ và Truyền thông đã có cuộc trò chuyện với vị tân Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế để hiểu rõ hơn về những kế hoạch, phương hướng xây dựng và phát triển của địa phương sắp tới…

Ông Lê Trường Lưu, Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên -Huế (bên trái), tặng hoa chúc mừng tân Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ.

PV: Thưa ông, trước hết xin được trân trọng chúc mừng ông vừa được bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế. Xin ông chia sẻ một vài cảm nghĩ của mình trên cương vị mới với độc giải An ninh tiền tệ và Truyền thông.

Ông Phan Ngọc Thọ:

Trước hết, tôi bày tỏ lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất đến các bậc tiền bối, lão thành, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ VN tỉnh, các cơ quan, ban ngành và nhân dân tỉnh nhà đã ủng hộ và dành sự tín nhiệm cho cá nhân tôi.

Với tôi, sự tín nhiệm này không chỉ là niềm vinh dự, là động lực lớn, cổ vũ, giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ được giao mà còn là một trọng trách nặng nề.

Trên cương vị mới, tôi trân trọng, học tập, kế thừa những kinh nghiệm quý báu của các đồng chí tiền nhiệm. Hết lòng dốc sức cùng tập thể UBND phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ to lớn của các tầng lớp nhân dân vào công cuộc xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Như chúng ta biết, Thừa Thiên-Huế có vị trí địa lý khá đặc biệt ở khu vực miền Trung, với những thế mạnh nổi bật, chính vì vậy sự kết hợp khai thác hiệu quả các tiềm năng, cùng những bước đi phù hợp và ý chí quyết tâm, đoàn kết, sáng tạo của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân thì tôi tin rằng, Thừa Thiên - Huế sẽ bứt phá vươn lên phát triển vượt bậc trên cơ sở lấy chất lượng cuộc sống và sự hài lòng của người dân làm thước đo.

PV:Chất lượng cuộc sống và sự hài lòng của người dân là một yếu tố quan trọng của một địa phương phát triển. Vậy thưa ông, muốn nâng cao chất lượng cuộc sống, sự hài lòng của người dân thì cần bước đi nào đầu tiên?

Ông Phan Ngọc Thọ:

Nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng cung cấp dịch vụ phục vụ, cải thiện sức khỏe của người dân là một trong những mục tiêu trọng tâm của tôi trên cương vị mới. Muốn hoàn thành được mục tiêu này, trước hết, cần phải tập trung cải cách hành chính, gắn liền với xây dựng chính quyền điện tử, dịch vụ thông minh một cách thật chất lượng.

Tân Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ trong một lần thăm, tặng quà người có công tại thị xã Hương Trà.

Đồng thời, cải thiện và nâng cao chất lượng mối quan hệ giữa người dân với chính quyền, hướng tới xây dựng nền hành chính thân thiện phục vụ, năng động, hiện đại và hiệu quả. Trong đó, nỗ lực thực hiện 5 hơn: chính quyền thân thiện hơn, thủ tục hành chính đơn giản hơn, thời gian giải quyết thủ tục hành chính nhanh hơn, phương thức phục vụ hiện đại hơn và người dân hài lòng hơn.

PV: Thưa ông, điều ông đang nói có phải là một trong những mục tiêu nằm trong định hướng xây dựng Thừa Thiên-Huế trở thành đô thị thông minh?

Ông Phan Ngọc Thọ:

Đúng vậy. Xây dựng đô thị thông minh là một xu thế tất yếu. Hiện nay, nhiều địa phương tại Việt Nam đang triển khai rất nhiều dịch vụ thông minh để đáp ứng cho nhu cầu của người dân cũng như điều hành của các cấp chính quyền.

Thừa Thiên - Huế cũng vậy, xây dựng đô thị thông minh được định hướng trên nền tảng xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin. Mục tiêu hướng tới đô thị có nền kinh tế thông minh, quản trị thông minh, giao thông thông minh, năng lượng thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh… Kết hợp với việc đầu tư trọng tâm, trọng điểm kết cấu hạ tầng kỹ thuật nhằm kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư những dự án quy mô, thương hiệu trên các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh nhà như: Văn hóa, du lịch, giáo dục đào tạo, y tế chuyên sâu…

PV: Nói đến đô thị thông minh, người ta thường nghĩ đến sự hiện đại hóa, trong khi Thừa Thiên-Huế lại có những thế mạnh gắn liền với các giá trị văn hóa cổ xưa. Thưa ông, ông nghĩ sao về việc này?

Ông Phan Ngọc Thọ:

Mục tiêu xây dựng đô thị thông minh của tỉnh là phát triển kinh tế đô thị, phát triển kinh tế bền vững, người dân được cung cấp dịch vụ tốt nhất, được tham gia giám sát hoạt động nhà nước trong quá trình cung cấp các dịch vụ công.

Tuy nhiên, việc xem xét, lựa chọn mô hình cũng phải phù hợp và có nghiên cứu kỹ lưỡng trên cơ sở các tiêu chí của quốc gia về đô thị thông minh, nhu cầu của người dân và điều kiện thực tế của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nghĩa là, phát triển đô thị phải gắn với việc bảo vệ và giữ gìn các di sản văn hóa, các công trình kiến trúc có giá trị, gắn với cải thiện môi trường ở các điểm dân cư và bảo đảm chỗ ở hợp lý cho mọi người dân.

Muốn vậy, việc đầu tiên phải làm là nâng cao dân trí cho cư dân thành phố bằng giáo dục, bằng ý thức dân chủ và trình độ tự chủ, tinh thần cộng đồng và ý thức trách nhiệm, lòng nhân ái và sự chia sẻ, sự kiên định bảo vệ môi trường sống.

Ông Phan Ngọc Thọ là 1 trong 12 người vinh dự được đón nhận giải thưởng Lãnh đạo Công nghệ thông tin Đông Nam Á CIO ASEAN AWARDS năm 2011. Giải thưởng do Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDG) tại Việt Nam sáng lập nhằm tôn vinh những người đã có nhiều sáng kiến về Công nghệ thông tin, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội tại Việt Nam và ASEAN.

PV: Thưa ông, Thừa Thiên- Huế là vùng đất văn hóa, lịch sử, có truyền thống hiếu học, là cố đô của Việt Nam, có rất nhiều di sản văn hóa, lịch sử… Tuy nhiên, tỉnh Thừa Thiên Huế chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế để phát triển. Đặc biệt,  du lịch là thế mạnh của tỉnh nhưng đóng góp chưa tương xứng. Trên cương vị mới, ông có những định hướng nào? 

Ông Phan Ngọc Thọ:

Việc tiềm năng du lịch Thừa Thiên-Huế chưa được phát huy cũng là đánh giá của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong buổi làm việc gần đây với tỉnh. Đây cũng trở thành điều trăn trở của tôi trên cương vị mới.

Trên cơ sở định hướng của Thủ tướng, muốn Thừa Thiên-Huế đi lên thì phải dịch vụ hóa nền kinh tế, lấy du lịch làm nền tảng và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, phải xác định phương hướng phát triển đặc thù, khác biệt với các đô thị, thành phố khác trong cả nước; phấn đấu nâng cao tốc độ tăng trưởng, thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn, nhất là trong lĩnh vực du lịch, tăng cao số lượng khách du lịch trong nước và quốc tế, kéo dài thời gian lưu trú của du khách.

Tập trung phát triển đồng bộ cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông phục vụ phát triển du lịch.

Đồng thời, thúc đẩy các ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hình thành được các vườn ươm doanh nghiệp khởi nghiệp và các câu lạc bộ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không chỉ trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ.

Bên cạnh đó, cũng cần có một không gian sáng tạo về lĩnh vực thiết kế, sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ trong thời gian sắp tới, qua đó tạo ra được những sản phẩm lưu niệm có tính nghệ thuật và thẩm mỹ cao, thể hiện nét đặc trưng của văn hóa Huế; đồng thời đảm bảo dễ ứng dụng, giá thành hợp lý, kích thước và trọng lượng phù hợp với tính chất hàng lưu niệm, quà tặng và với nhiều đối tượng tiêu dùng, nhất là khách du lịch. Đặc biệt, sản phẩm ấy phải sử dụng nguyên liệu chủ yếu tại địa phương và trong nước.

PV: Thưa ông, phải nói rằng Thừa Thiên-Huế có một đội ngũ trí thức đông đảo với nhiều nhà khoa học ở Đại học Huế, Bệnh viện Trung ương Huế… Quan điểm của ông như thế nào về vai trò của đội ngũ này trong sự phát triển kinh tế – xã hội tỉnh nhà?

Ông Phan Ngọc Thọ:

Trước hết, phải xác định tri thức là yếu tố then chốt trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế. Thừa Thiên-Huế có lợi thế đặc biệt là có đội ngũ đông đảo các nhà khoa học chất lượng cao.

Vấn đề ở đây là phải làm thế nào để lực lượng này trở thành nòng cốt trong cả vấn đề hoạch định chính sách, cả vấn đề ứng dụng các kết quả nghiên cứu và thực tiễn cuộc sống.

Muốn như vậy, theo tôi ngoài việc phát huy vai trò của đội ngũ trí thức và các tầng lớp nhân dân thúc đẩy kinh tế trí thức thì vấn đề tạo cơ chế phù hợp là quan trọng nhất.

Bên cạnh đó, cần có sự liên kết chặt chẽ với Đại học Huế, Bệnh viện trung ương Huế, chính quyền các cấp và các doanh nghiệp nhằm để phối hợp thực hiện đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy vai trò, đóng góp của Đại học Huế, Bệnh viện Trung ương Huế vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

PV: Xin trân trọng cám ơn ông!

Tiểu sử ông Phan Ngọc Thọ

Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 14 nhiệm kì 2016-2021, Trưởng Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên -Huế.

Sinh ngày 18/6/1963

Quê quán: xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trình độ chuyên môn: Kỹ sư công nghệ khai thác dầu khí; trình độ chính trị: cử nhân; trình độ quản lý nhà nước: chuyên viên cao cấp;

Trước khi là Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế ông đã từng kinh qua chức vụ Ủy viên UBND tỉnh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh.

Lê Kông (thực hiện)

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến