6 tháng đầu năm, bất chấp dịch Covid-19, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Canada vẫn tăng trưởng 29% so với cùng kỳ. Xét toàn ngành thủy sản, Canada là một trong 2 thị trường ghi nhận tăng trưởng khi các nước khác giảm tiêu thụ thủy sản Việt Nam.
Bà Tô Thị Tường Lan, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), đánh giá nhờ tăng trưởng tốt ở thị trường Canada và Nhật Bản giúp các doanh nghiệp ngành tôm vượt qua khó khăn khi EU, Mỹ, Trung Quốc giảm nhập. Ngoài ra, ngành tôm không tăng trưởng âm như các ngành hàng thủy sản khác là cá tra, cá ngừ...
Động lực của sự tăng trưởng này là việc Canada và Nhật Bản xóa bỏ thuế quan cho 100% hàng thủy sản từ Việt Nam ngay khi CPTPP có hiệu lực ngày 14/1/2019. Nhìn rộng ra, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có thể mở ra cánh cửa giúp doanh nghiệp Việt vượt khó giữa dịch Covid-19.
Cú hích cho doanh nghiệp giữa Covid-19
CPTPP và EVFTA là 2 hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đầu tiên mà Việt Nam ký kết, với những cam kết sâu rộng và toàn diện về thuế quan lẫn phi thuế quan. Nhiều đối tác cam kết hạ thuế nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam xuống 0%.
Với lợi thế này, nhiều ngành hàng của Việt Nam hứa hẹn sẽ có những cơ hội mới. Đặc biệt, hàng hóa của Việt Nam sẽ cạnh tranh hơn so với các đối thủ trên thế giới khi chi phí rẻ hơn.
Bà Tô Thị Tường Lan cho biết khối các nước tham gia CPTPP chiếm 25% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản và 16% nguồn cung nguyên liệu thủy sản nhập khẩu của Việt Nam. Năm 2019, nhờ có CPTPP mà giá trị xuất khẩu thủy sản sang các thị trường như Mexico tăng 99%, Australia tăng 5,7%, Nhật Bản tăng 6,1%...
Trong khi đó, EU là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 4 của Việt Nam, chiếm 11% tỷ trọng với 2 sản phẩm chủ lực là tôm và cá tra. Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực từ 1/8, 212 mặt hàng thủy sản có thuế suất cơ sở khoảng 0-22% sẽ về 0%.
Các FTA thế hệ mới được đánh giá là "cú hích lớn" giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu (Ảnh: Hoàng Hà)
Giữa lúc dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn cho xuất khẩu, bà Lan cho rằng các FTA thế hệ mới sẽ là "cú hích lớn" giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, tạo ưu thế so với các đối thủ như Thái Lan, Ấn Độ và Trung Quốc.
"Những lợi thế này sẽ thấy rõ hơn vào cuối năm 2020 và 2021", bà khẳng định.
Tương tự, một lãnh đạo của Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar) đánh giá CPTPP và EVFTA là "đòn bẩy" tích cực cho xuất khẩu trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Ông đánh giá các hiệp định mở ra thị trường mới đầy tiềm năng, đặc biệt với các mặt hàng chế biến có giá trị gia tăng cao.
Chính vì vậy, mặc dù tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu, doanh nghiệp này vẫn đặt mục tiêu gia tăng sản lượng đường xuất khẩu niên độ 2020-2021 với tỷ lệ tăng trưởng khoảng 26%. Trước đó, trong niên độ 2019-2020 kết thúc vào tháng 6 vừa qua, mức tăng trưởng xuất khẩu đạt 41% so với cùng kỳ.
Hiệu quả trong trung và dài hạn
Mặc dù vậy, đối với một số doanh nghiệp, khả năng tận dụng những FTA này để đối phó với Covid-19 trong ngắn hạn vẫn còn bỏ ngỏ.
Ông Vũ Thanh Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), cho rằng sự phục hồi xuất khẩu của các doanh nghiệp nhờ FTA thế hệ mới trong ngắn hạn là rất khó. Tuy nhiên, về trung và dài hạn, các doanh nghiệp có thể tận dụng để đẩy nhanh tiến độ phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cùng chung quan điểm này, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, nhấn mạnh dù Việt Nam cơ bản đang khống chế tốt, các đối tác trên toàn cầu còn chịu tác động nặng nề, dẫn đến sức mua chưa thể hồi phục.
Tuy vậy, ông Việt khẳng định các FTA thế hệ mới chắc chắn sẽ giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh hơn. May 10 kỳ vọng có thể tăng xuất khẩu vào EU, vốn là thị trường xuất khẩu chủ lực, chiếm 35% tổng doanh thu. Doanh nghiệp này cũng kỳ vọng mở ra các thị trường mới như Canada nhờ CPTPP.
Dệt may được đánh giá là hưởng lợi tốt từ EVFTA, bởi còn nhiều dư địa để gia tăng thị phần tại EU (Ảnh: Hoàng Hà)
Dự báo với 6 tháng cuối năm, ông Vũ Thanh Sơn cho rằng việc tạm dừng thông quan tại các cửa khẩu hay dư cung có thể khiến giá các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Hapro giảm sâu. Đồng thời, các thị trường nhập khẩu chính của sản phẩm thủ công mỹ nghệ như châu Âu, Mỹ sẽ đặt hàng dè chừng hơn.
Tuy nhiên, thông qua CPTPP và EVFTA, ông Sơn cho biết doanh nghiệp có thể tăng khả năng cạnh tranh về giá và mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt đối với một số mặt hàng thế mạnh như gạo, hạt điều, cà phê, dệt may...
Hiện doanh nghiệp này đang đầu tư xây dựng nhà máy nhằm tăng khả năng chế biến sâu sản phẩm, như nhà máy chế biến gạo công suất 45.000-50.000 tấn/năm tại Đồng Tháp.
Ông Vũ Thanh Sơn cũng nhấn mạnh cơ hội để các doanh nghiệp bán lẻ trong nước đa dạng hóa nguồn hàng kinh doanh khi thuế nhập hàng từ EU giảm mạnh. Chưa kể, việc tiếp cận công nghệ, cải thiện năng lực quản lý và tự đổi mới cũng dễ dàng hơn nhờ các FTA này.
Mức độ đầu tư là tiên quyết
Bà Tô Thị Tường Lan cho rằng khả năng tận dụng CPTPP và EVFTA để vượt qua Covid-19 phụ thuộc rất nhiều vào sự đầu tư và chuẩn bị của các doanh nghiệp, cộng với hỗ trợ hiệu quả từ các bộ, ngành liên quan.
Ngay tại May 10, ông Thân Đức Việt cho biết đã tổ chức một bộ phận chuyên môn để khai thác tiềm năng tăng trưởng đối với thị trường EU ngay khi EVFTA có hiệu lực. Bởi rõ ràng, không dễ để đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ phía EU hay các nước CPTPP. Ông Việt đánh giá khả năng đáp ứng chứng nhận xuất xứ đối với sản phẩm vải và các hàng may mặc của Việt Nam chưa cao.
Do đó, trong ngắn hạn, vị này cho rằng các doanh nghiệp có thể sử dụng nguyên tắc xuất xứ cộng gộp, tức nhập khẩu vải từ EU hoặc Hàn Quốc (và các nước có FTA với EU), sau đó sản xuất hàng hóa và xuất khẩu sang EU để hưởng ưu đãi.
Trong khi đó, ông Vũ Thanh Sơn nhận định: "Khi hàng rào thuế quan được cắt giảm thì hàng rào phi thuế quan sẽ được nâng lên". Theo ông, trong ngành hàng nông sản, doanh nghiệp cần hoàn thiện nhiều về chất lượng, đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường...
Bên cạnh đó, ông chỉ ra thực tế rằng nông sản Việt hiện chủ yếu vẫn là nông sản thô, hàm lượng chế biến sâu còn thấp, đồng thời chưa chú trọng nhiều đến xây dựng thương hiệu.
Lĩnh vực thủy sản cũng gặp vấn đề tương tự. Bà Tường Lan cho rằng nhiều quốc gia, trong đó có các nước ký CPTPP, có xu hướng thắt chặt các yêu cầu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học, môi trường biển..., do đó sẽ áp đặt điều kiện khắt khe hơn về mô hình và cách thức khai thác hải sản.
Bà Lan cũng cảnh báo xu thế gia tăng bảo hộ, đặc biệt là nguy cơ lạm dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, cũng bắt đầu xuất hiện ở một số nước ký CPTPP.
Tác giả: Lan Anh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy