Dòng sự kiện:
Tăng 7 bậc, chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam lọt top 25 thế giới
06/11/2019 11:46:16
Báo cáo đánh giá về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2020 mới được công bố, chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam đã tăng 7 bậc so với năm trước và nằm trong nhóm 25 quốc gia có điểm cao nhất.

Kết quả này cũng là sự phản ánh khách quan về nỗ lực của ngành Ngân hàng trong việc quyết liệt, nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp để góp phần cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng,tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn. 

Hai lĩnh vực của Việt Nam được WB đánh giá có cải cách, giúp việc kinh doanh dễ dàng hơn là Vay vốn và Nộp thuế.

Trong đó chỉ số tiếp cận tín dụng là một trong 5 chỉ số (trên 10 chỉ số đánh giá) được nâng hạng trong năm nay.

 

Cụ thể, chỉ số tiếp cận tín dụng Việt Nam ở mức 25/190 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 07 bậc so với năm 2019 và đứng thứ 02 trong ASEAN và thứ 02 trong khu vực Châu Á (chỉ sau Brunei – hạng 1/190), cao hơn khu vực châu Á Thái Bình Dương và các nước có thu nhập cao khu vực OECD.

Bảng so sánh xếp hạng của chỉ số tiếp cận tín dụng năm 2020

Xếp hạng năm 2020
25
Xếp hạng năm 2019
32
Thay đổi về thứ hạng
⭡ 7
Khoảng cách biên năm 2020 (% điểm)
80
Khoảng cách biên năm 2019 (% điểm)
75
Thay đổi về khoảng cách biên
⭡ 5

Chỉ số tiếp cận tín dụng bao gồm hai chỉ số thành phần là chỉ số quyền năng pháp lý và chỉ số chiều sâu và chiều rộng thông tin tín dụng.

Chỉ số quyền năng pháp lý được đánh giá theo thang điểm từ 0-12, điểm càng cao phản ánh mức độ thuận lợi pháp lý để bảo vệ cho quyền của người vay và người cho vay có bảo đảm.

Chỉ số chiều sâu thông tin tín dụng được đánh giá theo thang điểm từ 0-8, phản ánh phạm vi và mức độ dễ dàng trong việc tiếp cận tín dụng của cá nhân và doanh nghiệp.

Bảng xếp hạng thường niên về môi trường kinh doanh lần thứ 17 của nhóm WB đã ghi nhận Việt Nam đạt điểm tối đa của tiêu chí Chiều sâu thông tin tín dụng (8/8 điểm) tại cấu phần phân phối dữ liệu từ các nhà bán lẻ, góp phần cải thiện Chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam đạt 80 điểm trên thang điểm 100, tăng 5 điểm so với năm 2019.

Cụ thể, Ngân hàng Thế giới đã ghi nhận CIC đã tích hợp các thông tin từ các nhà bán lẻ vào báo cáo tín dụng của CIC, giúp các tổ chức tín dụng có thêm nguồn thông tin để đánh giá khách hàng vay với lịch sử thanh toán ngoài hệ thống ngân hàng truyền thống. 

So sánh về chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam với các nước trong khu vực

Chỉ số

Việt Nam
Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương
Các nước có thu nhập cao thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD

Chỉ số Quyền năng pháp lý (0-12)

8
7,1
6,1

Chỉ số Chiều sâu thông tin tín dụng (0-8)

8
4,5
6,8

Mức độ bao phủ thông tin của Trung tâm Thông tin tín dụng công (% người trưởng thành)

59,4
16,6
24,4

Mức độ bao phủ thông tin của Công ty Thông tin tín dụng tư (% người trưởng thành)

20,6
23,8
66,7

Báo cáo cũng đưa ra đánh giá Việt Nam tiếp tục cải thiện độ phủ thông tin tín dụng công đạt 59,4%/dân số trưởng thành (tăng 4,6% so với năm 2019). 

Theo ông Lê Anh Tuấn, Trưởng Phòng nghiên cứu phát triển, Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC): “Chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam là một điểm sáng trong nỗ lực triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết 01, 02 năm 2019 của Chính phủ góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Chỉ số này thể hiện sự quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước trong việc chỉ đạo các Tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp được tiếp cận tín dụng công bằng, minh bạch.

Đồng thời thể hiện sự nỗ lực của Trung tâm Thông tín dụng Quốc gia Việt Nam trong việc mở rộng các nguồn dữ liệu thay thế, đáp ứng yêu cầu thông tin của các Tổ chức tín dụng, khẳng định là trụ cột quan trọng của cơ sở hạ tầng tài chính quốc gia”.

Kết quả trên cũng phẩn nào phản ánh khá rõ nét về sự nỗ lực của ngành Ngân hàng trong hoạt động cải cách hành chính, trong đó 4 lần liên tiếp NHNN đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương về chỉ số cải cách hành chính.

Để duy trì và tiếp tục cải thiện thứ bậc xếp hạng trong báo cáo đánh giá của WB thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, cùng với sự nỗ lực của ngành ngân hàng, cần có sự nỗ lực, vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn của các Bộ, ngành chức năng trong việc cải thiện chỉ số Quyền năng pháp lý, tức là bảo vệ quyền của người vay và người cho vay có bảo đảm và pháp luật về phá sản. 

Theo: Đầu tư Chứng Khoán
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến