Thanh tra, kiểm tra tài chính là chức năng cũng như công cụ thiết yếu, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đồng thời cũng là biện pháp hữu hiệu ngăn ngừa, phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm trong lĩnh vực tài chính.
Thanh tra, kiểm tra tài chính là biện pháp hữu hiệu ngăn ngừa, phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm trong lĩnh vực tài chính. Nguồn: internet
Đã xử phạt tài chính 4.538,5 tỷ đồng
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, công tác thanh tra, kiểm tra tài chính 6 tháng đầu năm đã có sự chuyển biến tích cực về tổ chức và hoạt động. Hoạt động thanh tra, kiểm tra luôn luôn bám sát chỉ đạo của Chính phủ, nhiệm vụ của Ngành, phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị thanh tra, kiểm tra những lĩnh vực mang tính thời sự, những chuyên đề diện rộng.
Theo thống kê, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đã triển khai 22.314 cuộc thanh tra, kiểm tra và kiến nghị xử lý về tài chính trên 4.538,5 tỷ đồng, xử phạt vi phạm về hành chính trên 913,1 tỷ đồng. Trong đó, Thanh tra Bộ Tài chính đã triển khai 08 cuộc thanh tra chuyên ngành tập trung vào những vấn đề mang tính thời sự, được dư luận xã hội quan tâm, phục vụ cho công tác quản lý điều hành như: quản lý, bình ổn giá Sữa trẻ em, công tác quản lý nợ công, công tác hoàn thuế giá trị gia tăng... Qua đó đã phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính trên 1.350,4 tỷ đồng và 6.241.443 USD.
Ngành Thuế cũng tích cực thực hiện thanh tra, kiểm tra chống các hành vi gian lận, trốn thuế, kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế giá trị gia tăng, chống các hoạt động chuyển giá thông qua giao dịch liên kết để khai thác nguồn thu ngân sách nhà nước. Theo đó, toàn ngành đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 20.708 doanh nghiệp và kiểm tra 732.578 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Số thuế xử lý tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 4.089,04 tỷ đồng và số tiền thuế đã nộp ngân sách Nhà nước lên tới 2.532,8 tỷ đồng.
Về phía Hải quan, 6 tháng đầu năm 2014 toàn ngành đã triển khai thực hiện 17 cuộc thanh tra chuyên ngành với tổng số tiền kiến nghị truy thu là 2.500 triệu đồng, đã thu nộp ngân sách nhà nước 11.899 triệu đồng (gồm thu từ số kiến nghị của năm trước). Đồng thời, Tổng cục Hải quan cũng chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác kiểm tra sau thông quan với 660 cuộc thanh tra, kiểm tra và truy thu 210,3 tỷ đồng (bằng 69% cùng kỳ năm 2013), đã thực thu vào ngân sách Nhà nước (bao gồm cả thu nợ từ những năm trước) 184,1 tỷ đồng (bằng 72% cùng kỳ năm 2013). Bên cạnh đó, trong công tác điều tra chống buôn lậu, tính đến ngày 15/5/2014, các đơn vị nghiệp vụ thuộc Cục đã phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý 65 vụ, trị giá hàng vi phạm khoảng 87 tỷ 845 triệu đồng, thu ngân sách Nhà nước ước đạt 4 tỷ 436 triệu đồng và ban hành 03 Quyết định khởi tố.
Tập trung cao độ 6 tháng cuối năm
Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn và sẽ tác động không nhỏ đến nhiệm vụ thu – chi ngân sách Nhà nước của ngành tài chính. Bởi vậy, công tác thanh tra, kiểm tra thời gian tới cần phải được thực hiện có hiệu quả gắn với các nhiệm vụ trọng tâm trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm.
Theo đó, công tác thanh tra, kiểm tra 6 tháng cuối năm được Bộ Tài chính định hướng tập trung vào 7 nội dung cơ bản, cụ thể:
Thứ nhất, xây dựng chương trình công tác chi tiết từng quý, từng tháng để triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt; bố trí lực lượng dự phòng cho các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất. Phối hợp kịp thời, chặt chẽ với các đơn vị trong và ngoài ngành để định hướng công tác, xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra đúng hạn định.
Thứ hai, nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, đảm bảo đủ chứng lý kết luận, tính khả thi trong việc thực hiện các kiến nghị thanh tra. Chú trọng công tác khảo sát, nắm tình hình trước khi triển khai cuộc thanh tra.
Thứ ba, tiếp tục nghiên cứu đổi mới nội dung, phương thức, phương pháp tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra thể hiện tính khoa học trong điều hành hoạt động thanh tra, thực hiện các nhiệm vụ kiểm tra; nêu cao trách nhiệm, kỷ luật, tính chiến đấu, tính thuyết phục, tính hiệu quả trong hoạt động thanh tra.
Thứ tư, đa dạng hoá các hoạt động thông tin, tuyên truyền Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các chương trình hành động đến toàn thể cán bộ, công chức trong toàn ngành. Tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng trong công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Thứ năm, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế thanh tra tài chính phù hợp với Luật Thanh tra sửa đổi và các quy định pháp luật. Xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra, kiểm tra trong sạch, vững mạnh, có tâm, có tầm, có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn mới, nhất là bản lĩnh chính trị phải vững vàng, trình độ nghiệp vụ và kỹ năng chuyên môn phải tốt.
Thứ sáu, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, xử lý sau thanh tra. Tăng cường sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các Đoàn thanh tra, bảo đảm đúng tiến độ và nội dung thanh tra; tăng cường tổng kết, rút kinh nghiệm sau mỗi cuộc thanh tra.
Thứ bảy, xây dựng, chỉnh sửa các tiêu chí, nội dung và thời gian báo cáo công tác thanh tra, kiểm tra phù hợp, thiết thực đồng thời tổ chức thực hiện tốt chế độ thông tin báo cáo.
Theo tapchitaichinh.vn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy