Sức ép lên ngành điện
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định 02/2023/QĐ-TTg về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân được áp dụng từ ngày 3/2/2023. Theo đó, khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) như sau: mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh; mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa là 2.444,09 đồng/kWh.
So với mức khung cũ được quy định tại Quyết định 34/2017, giá tối thiểu tăng 220 đồng, giá tối đa tăng 538 đồng một kWh.
Ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, giải thích: Khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân hiện tại không còn phù hợp với bối cảnh và chưa phản ánh sự biến động của các thông số đầu vào tới chi phí sản xuất kinh doanh điện, đặc biệt là biến động của giá nhiên liệu. Do đó, Bộ Công Thương nhận thấy cần thiết sửa đổi, bổ sung, thay thế Quyết định số 34/2017/QĐ-TTg - đây là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay.
Việc tăng giá điện đang được cân nhắc. Ảnh: Hoàng Hà
Giá than nhập khẩu cung cấp cho các nhà máy điện đã bắt đầu tăng từ cuối năm 2021. Từ mức 54 USD/tấn của năm 2020, giá than nhiều thời điểm năm 2022 đã tăng lên 359 USD/tấn và giữ ở mức cao cho đến nay.
Trong khi đó, sản lượng điện từ nhiệt điện than chiếm tỷ trọng khoảng 40% sản lượng điện của Việt Nam nên chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng cao.
Ngoài ra, các khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện trong hợp đồng mua bán điện của các năm 2019, 2020 cũng như của các năm 2021-2024 ước khoảng hơn 21 nghìn tỷ đồng cần được phân bổ, tính toán vào chi phí sản xuất điện hàng năm để tính toán khung giá.
“Với các bối cảnh nêu trên đã tạo nên sự biến động lớn về các thông số liên quan đến chi phí mua điện (chiếm khoảng trên 80% tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện hàng năm của EVN)”, ông Hòa nói.
Cho nên, EVN dự báo số lỗ trong 2 năm 2022 và 2023 dự kiến lên đến hơn 93 nghìn tỷ đồng.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá, tính toán: Giá than thế giới năm 2022 tăng gấp 6 lần năm 2020 và tăng gấp khoảng 2,6 lần so với 2021. Giá than nhập khẩu tăng làm chi phí mua điện từ các nhà máy sử dụng than nhập khẩu và than pha trộn năm 2022 tăng khoảng 25% so với năm 2021, tức từ 1.635 đồng/kWh lên 2.043 đồng/kWh.
Giá dầu làm cơ sở tính giá khí cho các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu khí, năm 2022 tăng gấp 2,2 lần so với năm 2020 và tăng 1,3 lần so với 2021. Việc tăng giá này làm giá điện bình quân của các nhà máy điện tuabin khí tăng lên khoảng 11,31%, tức từ 1.620 đồng/kWh lên 1.803 đồng/kWh.
“Như vậy, chi phí sản xuất kinh doanh điện tăng, trong khi giá bán điện bình quân hiện hành giữ ổn định từ năm 2019 đến nay đã làm cho giá hiện hành không bù đắp được chi phí sản xuất kinh doanh, dẫn đến ngành điện gặp khá nhiều khó khăn và sản xuất kinh doanh bị lỗ là không thể tránh khỏi”, ông Thỏa chia sẻ.
Con số lỗ lên đến mấy chục nghìn tỷ đó có đúng hay không cần phải được các cơ quan có thẩm quyền xác minh, kiểm tra, xác định một cách khách quan, công bố công khai, minh bạch để tạo sự đồng thuận của người tiêu dùng trong xã hội. Ông Nguyễn Tiến Thỏa |
Giá than tăng chóng mặt trong 2 năm qua. Ảnh: EVN
Có lo lạm phát?
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023, Chính phủ đã giao các đơn vị chủ động xây dựng phương án và kịch bản truyền thông, tạo đồng thuận xã hội; chủ trì, phối hợp với EVN xem xét, điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo tập đoàn xem xét, điều chỉnh theo thẩm quyền mức giá bán điện bình quân theo quy định của pháp luật. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Việc điều chỉnh giá điện ở mức nào đang được nhiều người quan tâm. Theo ông Thỏa, với chi phí sản xuất kinh doanh điện thực tế tăng quá cao như vậy, cần xem xét điều chỉnh giá bán điện ở mức phù hợp. Nếu không, ngành điện sẽ thua lỗ, dòng tiền sẽ âm và không có tiền để thanh toán cho việc mua điện cho các đơn vị phát điện. Điều chỉnh mức nào là một câu hỏi khá khó và cần tính toán kỹ.
“Chúng ta có thể tính toán với chi phí ngành điện tăng như vậy, có thể điều chỉnh giá điện ngay, nhưng phải có biện pháp quyết liệt để ngăn chặn tác động lan tỏa của việc điều chỉnh giá điện”, ông Nguyễn Tiến Thỏa khuyến nghị. Ngoài ra, cần có giải pháp tổng thể để bình ổn giá, ngăn ngừa tác động từ việc tăng giá điện đến mặt bằng giá của nền kinh tế, các hàng hóa dịch vụ khác; tránh việc lợi dụng tăng giá điện để đẩy mặt bằng giá lên, ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Nhìn biểu đồ giá than 30 năm qua, từng tham gia các đoàn kiểm tra giá thành điện, chuyên gia chính sách công Nguyễn Minh Đức cũng chia sẻ “việc tăng giá điện là điều bắt buộc”.
Biểu đồ giá than 30 năm qua.
Nếu không, trước mắt EVN phải đối mặt giảm lương, nợ lương, thiếu tiền trả cho các nhà máy điện. Sau đó các nhà máy điện thiếu tiền mua than, khí. Nếu vẫn tiếp tục kéo dài thì có thể sẽ không mua được than, khí để phát điện. Người lao động có thể sẽ nghỉ việc vì nợ lương lâu. Ngoài ra, các hợp đồng tín dụng cũng có thể bị liệt vào diện nợ xấu. Lâu dài nữa ngành điện hết tiền đầu tư, hạ tầng xuống cấp, không có nguồn điện mới bổ sung vào hệ thống.
Lo ngại tăng giá điện tác động đến lạm phát là có, nhưng chuyên gia Nguyễn Minh Đức đánh giá so với tác động của các chính sách tài khoá, tiền tệ thì tác động này không lớn bằng. Lạm phát năm 2022 giữ ở mức có hơn 3%, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu, chủ yếu là vì chính sách tài khoá và tiền tệ chặt chẽ. Việc đưa ra lạm phát năm 2023 là 4,5% là con số chấp nhận được, không cần thiết phải kiềm chế ở mức thấp như năm 2022.
“Nói chung, lạm phát cả thế giới đều tăng, Việt Nam cố gắng nằm ngoài xu hướng đó thì cũng có cái được và cái mất. Nhưng nếu cứ xa rời xu hướng thế giới lâu quá, nhiều quá, thì cái mất nhiều hơn cái được”, chuyên gia này nhận định.
Một chuyên gia tài chính khi xem xét dữ liệu kinh doanh của EVN 10 năm qua thấy rằng: Không thể có sản xuất điện bằng mọi giá còn giá đầu ra vẫn là hình thức bao cấp. Ngoài khoản nợ công ty mẹ 268 nghìn tỷ đồng, các công ty con EVN cũng nợ thêm. Lợi nhuận từ 2013 đến 2021 của EVN chỉ 13,6 nghìn tỷ đồng và dự kiến 2022 lỗ hơn 30 nghìn tỷ đồng. Với vốn gần 10 tỷ USD, sau 10 năm, EVN không có đồng lãi nào. “Tôi nghĩ giá điện cần phải tăng. Không phải vì EVN mà vì lợi ích quốc gia”, vị này chia sẻ. |
Tác giả: Lương Bằng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy