Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Chỉ thị nêu rõ: Trong bối cảnh dự báo tình hình kinh tế thế giới còn rất nhiều khó khăn, để đạt được mục tiêu đề ra đòi hỏi quyết tâm, nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị với phương châm “5 tăng” gồm: Tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ tín dụng, đặc biệt là các DNVVN, các động lực tăng trưởng truyền thống và các động lực tăng trưởng mới; Tăng cường tháo gỡ vướng mắc pháp lý và chất lượng tín dụng.
Tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Nhà nước, ngân hàng, DN và năng lực quản trị điều hành của ngân hàng, của thị trường tài chính; Tăng công khai, minh bạch về lãi suất huy động, cho vay và chống tín dụng đen; Tăng cường giám sát, kiểm tra và phòng ngừa rủi ro, chống tham nhũng, tiêu cực. Vậy NHNN có những chính sách gì để thực hiện tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh?
Người dân thuận lợi trong việc lựa chọn ngân hàng cho vay có lãi suất thấp - Ảnh minh họa: KT
Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, trong năm 2024, NHNN một mặt đổi mới cơ chế điều hành, chỉ đạo hoạt động tín dụng, đổi mới phân bổ chỉ tiêu, tạo điều kiện thuận lợi, chủ động cho các NHTM và cũng chỉ đạo các NHTM tích cực, mạnh dạn chủ động cung ứng vốn cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp người dân tiếp tục vay vốn, khắc phục khó khăn.
“Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục duy trì chính sách đã duy trì từ khi có dịch Covid đó là chính sách giãn hoãn nợ, lãi vay cho các DN đang khó khăn chưa trả nợ được cho ngân hàng, đồng thời sẽ nghiên cứu kéo dài thông tư 02 đến thời điểm phù hợp”, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú nói.NHNN cũng đã triển khai một loạt giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, điều hành hoạt động tín dụng, tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng ngay từ đầu năm. Đặc biệt, các TCTD phải có những đánh giá, nhận diện đầy đủ để tăng trưởng tín dụng bám sát thực tế, an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng…
Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc ngân hàng Agribank cho biết, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái khoảng 3-4%, tuỳ từng đối tượng, còn bình quân cho vay lãi suất đã giảm rất thấp. Việc tăng cường cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng, đẩy mạnh triển khai cho vay qua các hình thức điện tử, trực tuyến được các NHTM tập trung từ sớm.
Thực hiện chỉ thị 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các NHTM tiếp tục tập trung đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tín dụng ngân hàng phù hợp từng phân đoạn khách hàng và thị trường, loại hình, nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người dân, DN, HTX và nhất là các nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân. Thực tế, lãi suất cho vay thời gian gần đây được đánh giá là đã khá hấp dẫn.
Ông Hồ Nam Tiến, Tổng giám đốc Ngân hàng Bưu điện Liên Việt LPBank cho biết, ngân hàng đã có gói hỗ trợ 6,5%, phục vụ cho ngành hàng lâm thuỷ sản. Năm 2023 ngân hàng đăng ký gói 300 tỷ đồng, năm nay khi tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng sẽ tự tin đăng ký gói 1.000 tỷ đồng với NHNN.
Các chuyên gia cho rằng, mặt bằng lãi suất thấp có thể tiếp tục duy trì trong những tháng đầu năm nay. Với lãi suất điều hành được giữ ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay trong năm nay cũng được kỳ vọng ở mức hợp lý để DN, người dân yên tâm làm ăn, giúp nền kinh tế phục hồi.
Song, giảm lãi suất chỉ là yếu tố cần. Gốc rễ của vấn đề hỗ trợ DN, thúc đẩy tăng trưởng là phải cải thiện sức hấp thụ vốn của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ DN, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, kích cầu tiêu dùng... Bản thân các DN cũng phải minh bạch tài chính mới tăng được khả năng tiếp cận vốn vay với lãi suất hợp lý.
Các NHTM tiếp tục tập trung đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tín dụng ngân hàng phù hợp - Ảnh minh họa: KT
Ông Thiều Quang Hiệp, Giám đốc Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Hoàn Kiếm cho biết, những khách hàng mới đều được ngân hàng ưu đãi về tài sản đảm bảo, khi khách không đủ tài sản đảm bảo hoặc những điều kiện khác còn thiếu, nhưng phương án sản xuất kinh doanh tốt ngân hàng sẽ có những chính sách có thể cho vay một phần tín chấp.
Theo NHNN, lãi suất tiền gửi bình quân hiện ở mức 3,3%/năm. Lãi vay khoảng 6,4%/năm với các khoản vay mới. Các mức này hạ lần lượt 0,2% và 0,7% so với 2023… Tuy nhiên, các ngân hàng bày tỏ lo ngại khi hàng trăm nghìn tỷ đồng “đóng băng”; ngân hàng sẵn sàng cho vay nhưng vay có thu hồi được không và nỗi lo nợ xấu tăng cao là một rào cản.
“Cơ chế tài sản bảo đảm còn thiếu linh hoạt, chủ yếu dựa vào tài sản thế chấp” hay là vấn đề cho vay DN lỗ. Đây là những vấn đề rất lớn, các NHTM vẫn e sợ khi không có được sự bảo đảm từ cơ quan bảo vệ pháp luật nếu không thu được nợ nhưng lại thiếu tài sản bảo đảm, hay giải ngân cho DN đang gặp khó khăn. Những vướng mắc này cần được tháo gỡ từ nhiều phía, các Bộ, ngành chứ không chỉ riêng hệ thống ngân hàng.