Dòng sự kiện:
Tăng năng suất lao động Việt, cần thay đổi gấp giáo dục để hút vốn ngoại
15/11/2018 21:32:11
Các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm địa chỉ để di chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, ngoài điều kiện vĩ mô, hạ tầng tốt, điều họ quan tâm là năng suất của lao động tại quốc gia tìm đến.

Các diễn giả trao đổi tại Hội nghị CFO thế giới lần thứ 48 tại TP HCM

Doanh nghiệp sẵn sàng trả lương cao, nhưng năng suất phải tương ứng

Trong phiên thảo luận “Giảm thiểu tác động từ chiến tranh thương mại” tại “Hội nghị CFO thế giới lần thứ 48” diễn ra tại TP HCM, các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh đến yếu tố năng lực cạnh tranh quốc gia để thu hút nguồn vốn đang dịch chuyển khỏi Trung Quốc.

Theo ông Fausto Cosi, Chủ tịch IAFEI, các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư ở một quốc gia đang phát triển ngoài sự ổn định chính trị, cơ sở hạ tầng tốt, vấn đề mấu chốt là lao động có kỹ năng. Dù các nhà đầu tư nước ngoài muốn có chi phí lao động (chi phí lương) rẻ hơn ở các nước tiên tiến, nhưng họ cũng sẵn sàng trả lương cao cho lao động nếu lao động có kỹ năng tốt. Câu trả lời cho vấn đề này nằm ở giáo dục. Tôi rất ngạc nhiên Việt Nam chi tới 5,7% GDP cho giáo dục, con số rất cao nhưng chất lượng lao động chưa tương xứng. Dân số Việt Nam gần 40% dưới 25 tuổi, đây là "chân dung" nhân khẩu học tuyệt vời. Phải nâng cao giáo dục và năng lực cho người Việt. Công ty nước ngoài sẵn sàng trả lương cao cho lao động Việt Nam nhưng đổi lại lao động phải đưa ra được giải pháp tốt cho doanh nghiệp.

Đồng ý với quan điểm về nâng cao năng lực cho lao động Việt Nam từ đổi mới giáo dục, Giáo sư Ian Alexander Eddie, VinaCapital, cho rằng để cạnh tranh thì Việt Nam phải có năng lực đổi mới, quan trọng là nâng cao kỹ năng lao động của người Việt, mấu chốt là tăng chất lượng giáo dục. Việt Nam có dân số hơn 90 triệu người hoà vào tổng số 650 triệu dân trong khu vực ASEAN, sự cạnh tranh về năng suất lao động là tất yếu để thu hút các nguồn lực nước ngoài.

Còn theo ông Hàn Mạnh Tiến, Chủ tịch VACD, cho rằng ngoài ra điều ngại nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vốn tại Việt Nam là khung pháp lý chưa hoàn thiện theo chuẩn quốc tế.

Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt Quốc hội Việt Nam đã thông qua CPTPP cũng như các hiệp định thương mại song phương (FTA) được ký giữa Việt Nam với EU… Do đó, Việt Nam sẽ phải thay đổi nhiều điều khoản pháp lý và sẽ tác động mạnh đến hoạt động của doanh nghiệp Việt. Các doanh nghiệp phải tích cực hợp tác với Chính phủ để ban hành luật pháp đạt chuẩn quốc tế và có lợi cho đối tượng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đang chiếm gần 98% tại Việt Nam. Ngoài ra, Chính phủ cần có cơ chế hấp thu các sản phẩm mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 xuất phát từ các doanh nghiệp nhỏ, các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup).

Một kinh nghiệm cho Việt Nam từ nước Ý, đây là quốc gia có số lượng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tương đồng với Việt Nam, Ý có thách thức và xu hướng là tạo ra thị trường thương hiệu dành cho công ty gia đình trên thế giới. Bí kíp cho các doanh nghiệp nhỏ là luôn đổi mới sáng tạo, có những sản phẩm mới khác biệt để cạnh tranh, Theo quan điểm của ông Fausto Cosi, Chủ tịch IAFEI.

Khẳng định tranh chấp thương mại giữa Mỹ - Trung, Việt Nam sẽ có lợi, ông ông Hiroaki Endo, Hiệp hội CFO Nhật Bản, cho biết Nhật Bản là nền kinh tế phụ thuộc nặng nề vào xuất khẩu. Tôi ngạc nhiên phần lớn giá trị xuất khẩu của Việt Nam đến từ các doanh nghiệp FDI. Ví như hãng Apple sẽ chuyển dịch nhà máy khỏi Trung Quốc sang Việt Nam… Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đang tìm kiếm những địa chỉ để dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, có thể là Việt Nam hoặc Indonesia… tới những quốc gia nào có cơ sở hạ tầng tốt. Những năm 1980s đồng Yên Nhật tăng giá rất cao, ảnh hưởng rất nặng nề đến xuất khẩu của Nhật Bản. Nếu Việt Nam ổn định vĩ mô, tỷ giá, có đường sá tốt, kỹ năng của người lao động giỏi… sẽ là cơ hội tuyệt vời để cạnh tranh hút vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, ẩm thực Việt Nam rất tuyệt vời, đây cũng là điểm hấp dẫn cho các nhà đầu tư muốn đến đây.

Bên cạnh đó, làm sao để TP HCM trở thành một trong những trung tâm tài chính của khu vực, khi đó dòng chảy vốn ngoại giao dịch qua Việt Nam rất lớn và thị trường tài chính luôn là thị trường tạo ra giá trị cao nhất. Hiện vị trí đó thuộc về Singapore và Hồng Kông.

Ngoài ra, hơn 650 triệu người dân ASEAN sẽ già đi, họ muốn tiết kiệm về già nên cần xây dựng các quỹ hưu trí, các quỹ tương hỗ để đón bắt nhu cầu này. Trên thế giới cho thấy 2 loại hình quỹ này có quy mô lớn nhất.

 Toàn cảnh Hội nghị

Blockchain đẩy nhanh dòng chảy thương mại toàn cầu

Một câu hỏi đặt ra là cấu trúc thuơng mại thế giới sẽ thay đổi thế nào từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung?

Giáo sư Ian Alexander Eddie, VinaCapital, cho rằng hiện đã mô hình từ xuất khẩu đến nhập khẩu ứng dụng công nghệ blockchain, điều này tạo ra tốc độ thương mại ngày càng nhanh. Chúng tôi cũng muốn thành lập trung tâm blockchain tại Việt Nam, ứng dụng blockchian cho các quy trình quản lý của Chính phủ Việt Nam. HSBC cũng đã áp dụng blockchain trong thanh toán tài chính.

Trong thị trường tài chính, blockchain tạo ra lòng tin cho các bên vào dòng lưu chuyển thương mại quốc tế. Hiện chu kỳ phát triển kinh tế thế giới đang bị chậm lại, việc ứng dụng công nghệ mới giúp cho tốc độ thương mại sẽ tăng nhanh. Công nghệ blockchain ngày càng tăng tốc phát triển và sẽ tạo ra biến đổi rất lớn trong thế giới tương lai.

Theo ông Teng Theng Dar, Nhà sáng lập công ty Asia Entrepreneurs Exchance, thương mại và dịch vụ luôn là lĩnh vực phát triển rất nhanh. Hiện ASEAN đang tăng trưởng 40% về thương mại, dịch vụ cùng với việc đang tạo rất nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ với những sản phẩm mới, khác biệt. Đây là các “tay chơi” mới trong cuộc cạnh tranh mới.

Ông Fausto Cosi, Chủ tịch IAFEI, cho biết các quốc gia Châu Âu cũng đang lo ngại từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, vì ở Châu Âu, tăng trưởng kinh tế thấp hơn Châu Á, chỉ 2-3%/năm. Tăng trưởng giữa các quốc gia cũng không đồng nhất, chẳng hạn, Đức có tăng trưởng nhanh nhưng Ý lại chậm hơn. Ngoài ra, Châu Âu cũng cảm thấy không ổn khi Anh ra khỏi Châu Âu (Brexit), dù Đức và Ý mạnh về sản xuất công nghiệp nhưng họ cũng không lạc quan bởi những sự tác động này.

Tuy nhiên, GDP luôn tăng trưởng theo hình Sin, các Chính phủ cũng đều tìm ra giải pháp cho mỗi giai đoạn và thành công. Tôi lạc quan tin rằng đây là cơ hội dành cho các công ty vươn lên và CFO (giám đốc tài chính) sẽ là những người phát huy vai trò của mình để giúp giám đốc công ty định hướng, đầu tư…trong môi trường hiện nay.

Còn theo ông Hiroaki Endo, Hiệp hội CFO Nhật Bản, đối với các giám đốc điều hành, giám đốc tài chính phải đầu tư nhiều hơn cho đổi mới sáng tạo để giúp doanh nghiệp. Nhật Bản trong 50 năm trước cũng đầu tư rất nhiều cho sáng tạo, sau đó lại quá tập trung vào sản xuất nên bị chững lại, còn Mỹ luôn luôn tập trung vào đổi mới, sáng tạo nên vẫn duy trì vị trí cường quốc kinh tế. Bài học cho Việt Nam là hãy luôn luôn đầu tư vào công nghệ.

Theo Bizlive

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến