Dòng sự kiện:
Tăng thanh khoản thị trường chứng khoán: Cần các giải pháp căn cơ!
16/09/2019 09:02:20
Sau giai đoạn bùng nổ cuối năm 2017- đầu năm 2018 nhờ đà tăng hưng phấn của chỉ số VN-Index, khối lượng giao dịch trên cả ba sàn đã liên tục đi xuống, duy trì ở mức thấp và làm 'nản lòng' hầu hết các NĐT.

Có một số yếu tố mang tính chủ quan Việt Nam có thể cải thiện để thu hút thêm dòng tiền.

Theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM, thanh khoản thị trường trong sáu tháng đầu năm 2019 trên sàn này sụt giảm mạnh. Khối lượng giao dịch bình quân chỉ đạt 172,3 triệu chứng khoán, tương ứng với giá trị bình quân đạt 3.930 tỉ đồng/ngày, giảm khoảng 14,6% về khối lượng và 29,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Còn tính chung trên cả ba sàn thì khối lượng giao dịch bình quân của chứng khoán cơ sở chỉ đạt 220 triệu cổ phiếu/phiên và giá trị giao dịch trung bình đạt 4.500 tỉ đồng/phiên, lần lượt giảm 27% và 44% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tình hình cũng không có nhiều cải thiện trong hai tháng trở lại đây và đặc biệt, các phiên giao dịch kể từ sau kỳ nghỉ lễ 2-9 thậm chí còn cho thấy một nhịp độ giao dịch “uể oải” hơn nữa. Điển hình nhất là phiên ngày 6-9, vốn nội thuần khớp lệnh co lại, chỉ còn 1.600 tỉ đồng - mức thấp kỷ lục của năm 2019. Đây cũng là lần đầu tiên trong năm nay, vốn nội thuần bình quân tính theo tuần đã giảm xuống dưới ngưỡng 2.000 tỉ đồng/phiên.

Vốn nội thuần được coi là dòng tiền cơ bản của thị trường do không chịu tác động “nhiễu” của các giao dịch thỏa thuận hay giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài.

Có nhiều nguyên nhân lý giải cho đà đi xuống của thanh khoản thị trường. Một trong những căn nguyên vẫn là sự bất định trong môi trường kinh tế vĩ mô toàn cầu: từ chuyện chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng phát và leo thang đến rủi ro kinh tế toàn cầu bước vào pha suy giảm. Ngoài ra, việc Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức thấp hơn giai đoạn trước, đồng thời giám sát chặt dòng tiền vào các lĩnh vực có rủi ro cao như cho vay tiêu dùng, cho vay bất động sản, chứng khoán... khiến cho nhiều nhà đầu tư lo ngại về rủi ro chung của thị trường.

Cùng với đó, dòng tiền trên thị trường cơ sở cũng phải “chia lửa” với các sản phẩm đầu tư khác như thị trường phái sinh (các hợp đồng mua tương lai chỉ số VN30, sản phẩm chứng quyền có đảm bảo), trái phiếu doanh nghiệp lãi suất cao hay tiền gửi ngân hàng...

Tất cả mang tính chất cộng hưởng, khiến dòng tiền vào thị trường cơ sở ngày một teo tóp. Mà khi thiếu đi sự sôi động của dòng tiền thì chỉ số VN-Index khó có thể tăng điểm mạnh được, tích cực lắm cũng chỉ là dao động trong biên độ hẹp của một vùng điểm tạm gọi là cân bằng chứ không đủ lực để bứt phá xa hơn.

Hơn ai hết, các công ty chứng khoán là những thành viên chịu ảnh hưởng rõ rệt và nặng nề nhất của xu hướng thanh khoản sụt giảm. Kết quả kinh doanh sáu tháng đầu năm của các công ty chứng khoán có thị phần môi giới hàng đầu như SSI, HSC... đều chịu ảnh hưởng tiêu cực khi khối lượng giao dịch không còn được như năm 2018. Không chỉ phí môi giới mà một trong những nguồn thu quan trọng là lãi cho vay margin cũng bị sụt giảm theo.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để cải thiện tình trạng trên? Rõ ràng với các nguyên nhân khách quan như triển vọng kinh tế toàn cầu, xung đột thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam không có khả năng tác động mà chỉ cố gắng để giảm thiểu những tác động bất lợi. Tuy nhiên, có một số yếu tố mang tính chủ quan Việt Nam có thể cải thiện để thu hút thêm dòng tiền.

Thứ nhất là tiếp tục đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết và đăng ký giao dịch. Điều này sẽ tạo thêm hàng hóa cho thị trường, qua đó thu hút thêm dòng vốn, đặc biệt tại các thương vụ cổ phần hóa, thoái vốn có quy mô vốn lớn và chất lượng.

Thứ hai, cần tháo gỡ vướng mắc trong việc tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thông qua việc ban hành Luật Chứng khoán sửa đổi; tăng cường tính công khai, minh bạch trên TTCK, đảm bảo quyền bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin của nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ ba, cần đẩy mạnh triển khai các giải pháp nâng hạng TTCK từ hạng cận biên lên mới nổi theo các tiêu chí của hai tổ chức đánh giá là MSCI và FTSE.

Thứ tư, các cơ quan quản lý cần tiếp tục nghiên cứu, ban hành các sản phẩm tài chính phái sinh mới, điển hình như chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) như một công cụ tháo gỡ vướng mắc về room cho nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ năm, ủy ban chứng khoán và trung tâm lưu ký có thể xem xét phối hợp rút ngắn chu kỳ giao dịch.

Hiện tại, TTCK đang áp dụng chu kỳ thanh toán T+2, nhưng thực chất, phải đến ngày T+3 thì nhà đầu tư mới có thể bán chứng khoán. Việc rút ngắn chu kỳ giao dịch sẽ khiến vòng quay của tiền nhanh hơn, theo đó thanh khoản cũng sẽ tăng thêm.

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến