Dòng sự kiện:
Tăng trưởng kinh tế sẽ không giảm tốc mạnh
18/08/2018 10:00:33
Một số động lực tăng trưởng mới đang xuất hiện trong năm 2018 như thép, xe có động cơ, dược, may mặc và đáng kể nhất là ngành lọc hóa dầu với dự án Nghi Sơn mới đi vào hoạt động.


Các động lực tăng trưởng vẫn mạnh

Một số dự báo gần đây cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý III và quý IV năm nay sẽ thấp đi nhiều. Tuy nhiên, nếu nhìn lại có thể thấy về cơ bản các trụ cột, động lực của tăng trưởng vẫn được giữ vững.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 7 tháng năm 2018, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao 13,1%. Trong khi đó, xuất khẩu vẫn duy trì được đà tăng trưởng cao, kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm đạt 134,51 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017; xuất siêu đạt 2,85 tỷ USD.

Việt Nam tiếp tục thu hút tốt nguồn vốn FDI

Dòng vốn FDI đăng ký mới tuy có giảm nhẹ so với năm trước, nhưng lượng vốn giải ngân lại tăng 8,8% đạt 9,85 tỷ USD. Đáng chú ý lượng vốn đầu tư nước ngoài thông qua hình thức góp vốn mua cổ phần tăng mạnh 53,3% so với năm trước, đạt gần 4,79 tỷ USD.

Dự báo của Nhóm Nghiên cứu Toàn cầu Standard Chartered cho thấy, vốn FDI chảy vào Việt Nam sẽ tiếp tục ở mức cao trong năm nay (vốn FDI đăng ký và vốn FDI thực hiện kỳ vọng sẽ đạt gần 15 tỷ USD), tập trung vào lĩnh vực sản xuất.

Việt Nam cũng vừa đón nhận một tin tích cực khác là việc Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s ngày 10/8 đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia từ mức B1 (triển vọng tích cực) lên Ba3 (triển vọng ổn định), dựa trên nhận định về tiềm năng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, được thúc đẩy nhờ sử dụng ngày càng hiệu quả lao động và vốn trong nền kinh tế. Đồng thời, tổ chức này cũng cho rằng, sức mạnh kinh tế của Việt Nam là sự kết hợp giữa tăng trưởng cao với sức cạnh tranh cao, và dự báo tăng trưởng GDP trung bình cho giai đoạn 2018 - 2022 ở mức 6,4%. Nếu bản thân việc nâng hạng đã cho thấy góc nhìn tích cực của Moody’s (hay trước đó là Fitch’s Rating) với Việt Nam thì hàm ý đằng sau đó còn lớn hơn.

Moody’s cho rằng, với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình liên tục được duy trì ở mức trên 6%/năm trong thập kỷ qua, Việt Nam đã vươn lên trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu chỉ trong một thời gian ngắn, nhất là việc có được khả năng cạnh tranh trong lắp ráp các sản phẩm điện tử giá trị gia tăng cao hơn - như điện thoại thông minh - trong khi vẫn giữ được các lợi thế so sánh của mình trong xuất khẩu các mặt hàng thâm dụng lao động như hàng dệt may, da giày.

“Việc tăng được khả năng cạnh tranh và chuyển đổi mạnh hơn nữa sang hoạt động công nghiệp giá trị gia tăng cao hơn sẽ hỗ trợ tăng trưởng ở mức cao trong trung hạn cho Việt Nam”, Moody’s nhận định.

Vắng Samsung có Nghi Sơn

Không chỉ các động lực tăng trưởng cũ được giữ vững, mà theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc Phân tích & Tư vấn đầu tư Khách hàng Cá nhân, thuộc Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), một số động lực tăng trưởng mới đang xuất hiện trong năm 2018 như thép, xe có động cơ, dược, may mặc và đáng kể nhất là ngành lọc hóa dầu với dự án Nghi Sơn mới đi vào hoạt động.

“Nghi Sơn là dự án công suất lớn với 10 triệu tấn dầu thô/năm, cao hơn Dung Quất là 6,5 triệu tấn, nên có khả năng mang lại tăng trưởng đột biến của ngành hóa dầu, qua đó hạn chế bớt nhập siêu và có thể giúp bù đắp một phần cho sự giảm tốc của ngành công nghiệp điện tử/điện thoại. Bên cạnh đó, ngành sản xuất trong nước cũng đang được kỳ vọng rất nhiều, trong đó nòng cốt là các dự án của khối DN tư nhân. Các DN này sẽ là động lực tăng trưởng mới của năm 2019 trở về sau”, chuyên gia này nhận định.

Tuy vậy, ông Nguyễn Đức Hùng Linh cho rằng, khả năng rất cao là tốc độ tăng trưởng trong các quý còn lại của năm nay sẽ giảm. Cơ sở để chuyên gia này đưa ra nhận định trên là việc tăng trưởng của quý II đã có dấu hiệu giảm tốc rõ rệt. Bên cạnh đó, tăng trưởng khó có thể tiếp tục vượt lên cao hơn trên nền đã rất cao của cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, xuất khẩu đã bắt đầu xuất hiện xu hướng chậm lại.

Cùng quan điểm trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng, tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm có thể chậm hơn do các yếu tố từ cả nội tại của nền kinh tế cũng như các yếu tố từ bên ngoài. Trong nước, một trong những vấn đề mà chuyên gia này vẫn trăn trở là nợ công, nợ nước ngoài. Bên cạnh đó, vai trò của các DNNN, vẫn còn rất lớn trong nền kinh tế và làm cho nền kinh tế thị trường chưa được hoàn thiện.

Trong khi đó, dù đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam hiện tại vẫn rất khả quan và đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, cũng chính trong sự khả quan đó thì chúng ta cần phải lưu ý các dòng vốn ngoại đang có một sự chao đảo rất mạnh do chịu tác động từ các nền kinh tế lớn và các thị trường đầu tư, tài chính của thế giới, đặc biệt xung quanh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hiện nay. “Hoạt động đầu tư luôn theo sát những biến động trên thị trường tài chính thế giới. Thành ra, điểm mạnh của mình cũng là điểm mà mình cần phải quan tâm”, ông Hiếu lưu ý.

Bởi vậy, để tạo điều kiện hơn nữa cho sản xuất trong nước, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần linh hoạt sử dụng các chính sách hỗ trợ, kể cả bảo hộ (phù hợp với các cam kết hội nhập của Việt Nam), kết hợp với quảng bá xúc tiến tìm kiếm thị trường cho DN. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công trên cơ sở tính đến hiệu quả và tính lan tỏa để giúp tăng cầu nội địa.

Hiện Chính phủ cũng đang thể hiện tinh thần rất quyết liệt trong việc giữ và duy trì các động lực tăng trưởng. Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tới việc cần tiếp tục duy trì động lực tăng trưởng, giữ đà cho tăng trưởng, không chỉ năm nay mà cả các năm tiếp theo.

Báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam của Ngân hàng ANZ vừa công bố tuần trước nhận định, tăng trưởng GDP trong năm nay là 6,8% và năm 2019 là 7% khi Việt Nam tiếp tục thu hút được các dòng vốn FDI vào để mở rộng cơ sở sản xuất. Trước đó, báo cáo kinh tế toàn cầu quý III/2018 của Ngân hàng Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh ở mức 7% trong năm nay (tăng so với dự báo 6,8% mà ngân hàng này đưa ra trong quý II) nhờ sự tăng tốc cùng lúc của tất cả các động lực trong nước.

Báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam của Ngân hàng ANZ vừa công bố tuần trước nhận định, tăng trưởng GDP trong năm nay là 6,8% và năm 2019 là 7% khi Việt Nam tiếp tục thu hút được các dòng vốn FDI vào để mở rộng cơ sở sản xuất. Trước đó, báo cáo kinh tế toàn cầu quý III/2018 của Ngân hàng Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh ở mức 7% trong năm nay (tăng so với dự báo 6,8% mà ngân hàng này đưa ra trong quý II) nhờ sự tăng tốc cùng lúc của tất cả các động lực trong nước.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến