Theo cơ quan soạn thảo, để thực thi phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong hoạt động của các TCTD, doanh nghiệp, việc ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của NHNN là rất cần thiết.
Đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước đối với hoạt động ngân hàng
Bên cạnh đó, theo đơn vị soạn thảo, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh tại Thông tư phải phù hợp với quy định tại các văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn như Luật Các TCTD, pháp lệnh ngoại hối... và trên cơ sở phương án cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của NHNN đã được phê duyệt. Đồng thời, phù hợp với định hướng về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của ngành Ngân hàng.
Một trong những điểm được chú ý tại dự thảo nằm ở điểm đ khoản 2 Điều 9, đã được sửa đổi, bổ sung: “Các cổ đông sáng lập phải cùng nhau sở hữu tối thiểu 50% vốn điều lệ khi thành lập NHTMCP, trong đó các cổ đông sáng lập là tổ chức phải cùng nhau sở hữu tối thiểu 50% tổng số cổ phần của các cổ đông sáng lập...”. Như vậy theo Dự thảo, cổ đông sáng lập vẫn phải sở hữu tối thiểu 50% vốn điều lệ khi thành lập NHTMCP, nhưng sẽ không còn phải sở hữu trong thời hạn tối thiểu 5 năm kể từ ngày được cấp phép như trong Thông tư 40/2011/TT-NHNN trước đây.
Chia sẻ với phóng viên Thời báo Ngân hàng, một luật sư cho rằng quy định mới này tương đối hợp lý. Theo vị này, việc đề xuất bỏ thời hạn tối thiểu 5 năm sẽ phần nào giúp cho ngân hàng có khả năng huy động được nhiều nguồn vốn hơn. Các ông chủ ngân hàng có thể chuyển nhượng vốn sở hữu của mình tại nhà băng đó mà không còn có rào cản về mặt thời gian.
Vì trên thực tế, có nhiều trường hợp cổ đông muốn góp vốn vào ngân hàng, song các cổ đông sáng lập lại đang giữ một tỷ lệ khống chế trong một thời gian tương đối dài thì phần nào sẽ ảnh hưởng tới quyết định rót vốn vào ngân hàng của các nhà đầu tư khác trong tương lai. “Bãi bỏ thời hạn có thể tạo ra sức hấp dẫn, khả năng huy động vốn tốt hơn cho các ngân hàng, đồng thời có thể tạo ra cơ cấu cổ đông đa dạng hơn”, ông này chia sẻ.
Dự thảo Thông tư cũng đã bỏ điều kiện “có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật” và “có khả năng về tài chính để góp vốn thành lập NHTMCP” với cổ đông sáng lập là cá nhân tại các điểm e(i) và e(ii) khoản 2 Điều 9 Thông tư 40. Nhận xét về quy định này, một chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, quy định “có khả năng về tài chính để góp vốn thành lập NHTMCP” là không cần thiết vì ở trên đã quy định các cổ đông sáng lập phải cùng nhau sở hữu tối thiểu 50% vốn điều lệ khi thành lập NHTMCP”. Bên cạnh đó, còn có quy định là “Không được dùng vốn huy động, vốn vay của tổ chức, cá nhân để góp vốn”.
“Nếu không có năng lực tài chính thì làm sao đáp ứng được các quy định trên, nên quy định về năng lực tài chính là không cần thiết, nên bỏ”, vị chuyên gia này phân tích.
Cũng với lý do trên, vị chuyên gia này cũng đồng tình với NHNN khi bỏ các điều kiện về “chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của nguồn vốn góp” (điểm a khoản 2 Điều 9). Với quy định “cam kết hỗ trợ NHTMCP về tài chính để giải quyết khó khăn trong trường hợp NHTMCP khó khăn về vốn hoặc khả năng thanh toán” (điểm b khoản 2 Điều 9), vị chuyên gia này cũng đồng tình với quyết định loại bỏ của NHNN, bởi nhiều khi các cổ đông đã sử dụng hết năng lực tài chính của mình để góp vốn vào ngân hàng nên khó có thể hỗ trợ được. Hơn nữa, khi cổ đông sáng lập chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của mình thì quy định này là không hợp lý.
Liên quan đến vấn đề này, một chuyên gia khác lại cho rằng nên quy định cụ thể hơn đối với cam kết hỗ trợ NHTMCP về tài chính để giải quyết khó khăn. Vì theo lý thuyết, đã là cổ đông sáng lập thì nên có cam kết đó. Giả sử về sau những cổ đông này bán cổ phần, không còn là cổ đông chi phối nữa thì liệu có phải cam kết nữa hay không? Chuyên gia đề xuất, có thể xem xét thay đổi, nếu các cổ đông mà tham dự trong HĐQT thì cổ đông đó phải cam kết hỗ trợ tài chính, còn nếu chỉ đơn thuần là cổ đông phổ thông thì không cần thiết.
Tuy nhiên, các chuyên gia đều đồng tình việc bãi bỏ điều kiện “có tối thiểu 2 cổ đông sáng lập là tổ chức” bởi Luật DN năm 2014 chỉ quy định CTCP có tối thiếu là 3 cổ đông, cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân chứ không quy định cụ thể về số lượng cổ đông tổ chức là bao nhiêu.
Dự thảo Thông tư cũng sửa đổi, bổ sung và bãi bổ môt số điều của Thông tư số 30/2015/TT-NHNN quy định cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động với TCTD phi NH. Theo đó, các tổ chức này cũng sẽ không được phép dùng vốn huy động, vốn vay của tổ chức, cá nhân khác để góp vốn. Bãi bỏ điều kiện trong hoạt động của TCTD phi NH: có tối thiểu 2 cổ đông sáng lập là tổ chức, có khả năng về tài chính để góp vốn, cam kết hỗ trợ về tài chính để giải quyết khó khăn trong trường hợp gặp khó khăn về vốn, thanh khoản cũng được bãi bỏ.
Theo Thời báo ngân hàng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy