Dòng sự kiện:
Tập đoàn ASG bị truy thu, tiền phạt và tiền chậm nộp thuế 85,7 triệu đồng
05/01/2023 13:42:53
Trước khi kết thúc năm 2022, CTCP Tập đoàn ASG (mã chứng khoán ASG - sàn HoSE) nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế.

Ngày 28/12/2022, Cục Thuế TP. Hà Nội Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Tập đoàn ASG.

Trong đó, về thuế Giá trị gia tăng (GTGT), Tập đoàn ASG chưa kê khai giảm thuế GTGT được khấu trừ chuyển kỳ sau theo kiến nghị Biên bản thanh tra kỳ trước; kê khai khấu trừ thuế GTGT không phục vụ sản xuất kinh doanh trong kỳ, tương ứng hóa đơn của đơn vị có thông báo không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh.

Như vậy, Tập đoàn ASG đã vi phạm quy định tại điểm a, khoản 5, Điều 10 Thông tư số 156/2013/TT-BTC và khoản 10, Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC.

Về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Tập đoàn ASG kê khai chi phí được trừ khi xác định TNDN với các khoản chi phí không tương ứng doanh thu trong kỳ, không phục vụ sản xuất kinh doanh, chi phí tiền lương hết thời hạn nộp hồ sơ quyết toán chưa chi, chi phí tương ứng hóa đơn của đơn vị có thông báo bỏ địa chỉ kinh doanh; chi phí lãi vay vượt mức khống chế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Như vậy, Tập đoàn ASG vi phạm quy định tại điểm 2.1, tiết c điểm 2.6, điểm 2.30, khoản , điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC và điểm a, khoản 3 Điều 16 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP.

Để khắc phục hậu quả, Cục Thuế TP. Hà Nội buộc Tập đoàn ASG nộp đủ số tiền thuế TNDN thiếu vào ngân sách là 48.098.047 đồng, tiền chậm nộp tiền thuế TNDN là 9.090.531 đồng. Như vậy, tổng số tiền thuế truy thu, tiền phạt và tiền chậm nộp là 85.728.187 đồng.

Tập đoàn ASG dừng kế hoạch chào bán và phát hành riêng lẻ 21,3 triệu cổ phiếu

Ở một diễn biến khác, Tập đoàn ASG thông qua việc tạm dừng thực hiện phương án tăng vốn điều lệ đã thông qua ngày 24/6/2022 với lý do tình hình kinh tế - xã hội, thị trường chứng khoán có nhiều bất lợi ảnh hưởng đến việc phát hành, hiệu quả sử dụng vốn và lợi ích của cổ đông.

Trước đó, ngày 24/6/2022, Tập đoàn ASG đã thông qua kế hoạch phát hành 756.540 cổ phiếu ESOP, tương ứng 1% tổng lượng cổ phiếu đang lưu hành, giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu; phát hành 11.348.083 cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 15%, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được quyền mua thêm 15 cổ phiếu mới với giá 15.000 đồng/cổ phiếu; và phát hành riêng lẻ 10 triệu cổ phiếu, giá phát hành không thấp hơn 20.000 đồng/cổ phiếu.

Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ dự kiến tăng từ 756,5 tỷ đồng lên 977,6 tỷ đồng.

Như vậy, với kế hoạch tạm dừng việc tăng vốn, kế hoạch chào bán và huy động sẽ chưa thể triển khai.

Dùng cổ phiếu ASG và VFC đảm bảo lô trái phiếu 300 tỷ đồng

Theo nguồn tin của phóng viên Báo điện tử Đầu tư - baodautu.vn, Tập đoàn ASG đã phát hành một lô trái phiếu mệnh giá 300 tỷ đồng, mã ASGH2225001, kỳ hạn 3 năm và phát hành ngày 18/5/2022. Trong đó, tài sản đảm bảo gồm 6,9 triệu cổ phiếu ASG thuộc sở hữu của ông Dương Đức Tính; 3.657.749 cổ phiếu ASG của bà Vũ Thị Phương Dung; 2.800.875 cổ phiếu ASG của ông Nguyễn Minh Tuấn; và 6.825.000 cổ phiếu VFC của CTCP Vinafco.

Thực tế từ thời điểm phát hành trái phiếu tới nay, cả hai cổ phiếu ASG và VFC không chia cổ tức, giá cổ phiếu lần lượt giao dịch vùng 29.500 đồng/cổ phiếu và 44.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, ước tính tổng tài sản đảm bảo gồm 13,36 triệu cổ phiếu ASG và 6,83 triệu cổ phiếu VFC tại thời điểm phát hành lô trái phiếu là 694,8 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, tính tới ngày 30/12/2022, ước tính giá trị tài sản đảm bảo còn 624,7 tỷ đồng, thấp hơn thời điểm phát hành trái phiếu.

Việc doanh nghiệp sử dụng cổ phiếu đảm bảo các lô trái phiếu không hiếm trên sàn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng tiêu cực của thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu lao dốc, điều này đồng nghĩa giá trị tài sản đảm bảo cũng sụt giảm và các doanh nghiệp phải bổ sung tài sản đảm bảo.

Đơn cử DIC Corp (mã DIG) vừa bổ sung 24,2 triệu cổ phiếu DIG và 88 bất động sản tại xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai làm tài sản đảm bảo thay thế cho 55 triệu cổ phiếu của bên thứ ba vừa bị bán giải chấp cho 3 lô trái phiếu mệnh giá 3.500 tỷ đồng.

Quay lại trường hợp của Tập đoàn ASG, tính tới 30/9/2022, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Tập đoàn ASG đạt 878,67 tỷ đồng. Trong đó, 237,7 tỷ đồng là nợ vay ngắn hạn và 640,97 tỷ đồng là nợ vay dài hạn.

Công ty có thuyết minh lô trái phiếu phát hành 300 tỷ đồng với đích cơ cấu lại nguồn vốn của Công ty.

Lợi nhuận tăng nhưng biên lợi nhuận giảm trong quý III

Trong quý III/2022, Tập đoàn ASG ghi nhận doanh thu tài chính đạt 641,91 tỷ đồng, tăng 256% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 14,4 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 26,3% về còn 18,8%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 154,5% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 73,21 tỷ đồng lên 120,59 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 93,2%, tương ứng tăng thêm 6,71 tỷ đồng lên 13,91 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 80,7%, tương ứng tăng thêm 9,63 tỷ đồng lên 21,56 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 101,7%, tương ứng tăng thêm 25,65 tỷ đồng lên 50,87 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Lũy kế trong 9 tháng đầu năm 2022, Tập đoàn ASG ghi nhận doanh thu đạt 1.402,1 tỷ đồng, tăng 177,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 152,55 tỷ đồng, tăng 621,3% so với cùng kỳ năm trước.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/1/2023, cổ phiếu ASG giao dịch giá tham chiếu 25.700 đồng/cổ phiếu.

Tác giả: Duy Bắc

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến