Chevron dừng hoạt động ở Mexico. (Nguồn: AFP)
Ngày 10/9, Ủy ban Nhiên liệu Hóa thạch Quốc gia Mexico thông báo tổ chức này vừa phê chuẩn đơn xin dừng hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí tại Mexico từ Tập đoàn Hóa dầu Chevron của Mỹ sau nhiều năm vận hành không mang lại hiệu quả.
Phóng viên TTXVN tại Mexico dẫn thông báo cùng ngày của Ủy ban Nhiên liệu Hóa thạch Quốc gia Mexico cho biết Chevron - một trong những tập đoàn hóa dầu lớn nhất thế giới, sẽ rút khỏi dự án khai thác tại lô 22 trên Vịnh Mexico sau 7 năm hoạt động. Tuy nhiên, Chevron vẫn duy trì văn phòng đại diện nhằm cập nhật những thông tin mới nhất về thị trường dầu khí tại quốc gia Mỹ Latinh này.
Bắt đầu hoạt động tại Mexico từ năm 2016 tại thời điểm Tổng thống thời gian đó là ông Enrique Peña Nieto bắt đầu cho phép các tập đoàn tư nhân tham gia vào lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí.
Tuy nhiên, sau 7 năm vận hành không hiệu quả, Chevron đã buộc phải rút khỏi một trong những quốc gia có trữ lượng dầu hàng đầu thế giới này.
Chevron không phải là trường hợp duy nhất. Nhiều tập đoàn dầu khí quốc tế khác như BP, Total hay Equinor cũng đã phải trả lại một số mỏ dầu cho Chính phủ Mexico do hoạt động khai thác không mang lại hiệu quả như mong muốn.
Theo Ủy ban Nhiên liệu Hóa thạch Quốc gia Mexico, hiện chỉ còn CNI của Italy, Talos Energy của Mỹ và Repsol của Tây Ban Nha được đánh giá là những tập đoàn dầu khí hoạt động có hiệu quả tại Mexico.
Đây chính là lý do mà Hiệp hội Nhiên liệu Hóa thạch Mexico (Amexhi) hồi tuần trước thừa nhận rằng do phần lớn các công ty khai thác dầu khí tư nhân hoạt động không hiệu quả, hiện các công ty này vẫn chưa đưa ra được sản lượng khai thác dự kiến trong năm 2024.
Lý giải nguyên nhân trên, Hiệp hội Nhiên liệu Hóa thạch Mexico cho rằng để mang lại hiệu quả kinh doanh, các công ty thăm dò và khai thác dầu khí cần có thời gian tối thiểu là 15 năm kể từ thời điểm bắt đầu đi vào hoạt động.
Tổ chức này cho rằng đại dịch COVID-19 vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả hoạt động của các tập đoàn dầu khí tư nhân tại Mexico.
Trên thực tế, kể từ khi lên nắm quyền hồi năm 2018, Tổng thống Mexico, Andrés Manuel López Obrador đã đặt nhiều hoài nghi vào hiệu quả hoạt động của các nhà đầu tư tư nhân vào lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí.
Thay vào đó, ông Obrador đã thúc đẩy việc cung cấp nguồn lực tài chính cho Pemex - Tập đoàn dầu khí quốc gia thuộc sở hữu của Chính phủ Mexico - nhằm nâng cao sản lượng khai thác.
Tuy nhiên, hoạt động của Pemex cũng không mang lại kết quả như kỳ vọng. Hồi tháng Bảy vừa qua, tập đoàn này khai thác trung bình 1,6 triệu thùng dầu/ngày, mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây.
Trong khi đó, tổng sản lượng khai thác dầu hiện tại của Mexico nằm trong khoảng 1,9 triệu thùng/ngày, thấp hơn đáng kể so với mức 2,6 triệu thùng/ngày mà chính phủ nước này đề ra kể từ đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Obrador.
Theo trang Worldometer, có trữ lượng dầu thô lên tới 9,7 tỷ thùng, Mexico hiện đang đứng thứ 17 thế giới về trữ lượng./.
Tác giả: Phi Hùng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy