Dòng sự kiện:
Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ mua điện dư thừa từ các dự án điện mặt trời
16/05/2019 15:15:57
Nếu công suất điện mặt trời lớn hơn công suất tiêu thụ, phần điện năng dư thừa sẽ được bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo giá quy định.

Theo thông tin trên VnExpress, Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) vừa cung cấp biểu mẫu đăng ký bán Điện mặt trời áp mái cho khách hàng, cùng các thông tin về quy định và điều kiện sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời.

Đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân đang mua điện trực tiếp của đơn vị điện lực, có lắp hệ thống điện mặt trời trên mái nhà và có nhu cầu bán lượng điện dư cho công ty điện lực.

Với hệ thống điện mặt trời hòa lưới, nếu điện năng tạo ra bằng nhu cầu tiêu thụ của tòa nhà, tòa nhà sẽ nhận điện hoàn toàn từ năng lượng mặt trời này. Khi công suất từ nguồn điện mặt trời nhỏ hơn nhu cầu tiêu thụ, tòa nhà sẽ nhận thêm nguồn điện từ lưới.

Hệ thống năng lượng mặt trời được lắp đặt trên mái nhà

Nếu công suất điện mặt trời lớn hơn công suất tiêu thụ, phần điện năng dư thừa sẽ được bán cho bên mua điện là Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo giá quy định.

Trong trường hợp mất điện lưới, hệ thống điện mặt trời hòa lưới sẽ tự động được cách ly để đảm bảo an toàn cho lưới điện, đại diện EVN Hà Nội cho hay.

Trước đó, thông tin trên báo chí đăng tải, tại hội thảo "Thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam", ngày 27/2, Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân cho biết, sau 2 năm triển khai, đến nay đã có 365 dự án điện mặt trời được đăng ký, bổ sung vào quy hoạch với tổng công suất dự kiến 29.000 MWp. Hiện nay, có 141 dự án đã bổ sung vào quy hoạch với tổng công suất trên 14.000 MWp, trong đó 95 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN. 

Riêng về điện mặt trời lắp mái, sau 2 năm, mới có 1.800 khách hàng (công sở, doanh nghiệp, hộ gia đình…) tham gia với công suất lắp đặt khoảng 30 MWp, sản lượng điện năng phát lên lưới lũy kế là 3,97 triệu kWh.

Tại hội thảo, các chuyên gia năng lượng cũng cho biết, điện mặt trời áp mái có thể triển khai theo hình thức chia sẻ: EVN chia sẻ lưới điện cho các nhà đầu tư; các hộ gia đình chia sẻ mái nhà; nhà đầu tư có thể tham gia bằng cách đầu tư nguồn vốn, thiết bị... Khi lắp đặt điện mặt trời áp mái, các gia đình không chỉ giảm được chi phí tiền điện mà còn góp phần giảm áp lực nguồn điện cho EVN.

Về phía EVN, ông Trần Đình Nhân cho biết, Tập đoàn cam kết hỗ trợ tối đa mọi yêu cầu của người dân, doanh nghiệp như: Đơn giản hóa các quy trình thủ tục đấu nối; thanh toán tiền điện kịp thời sau khi có thông tư hướng dẫn của các bộ/ngành; lắp đặt miễn phí công tơ hai chiều... EVN cũng sẽ tiếp tục tiên phong trong công tác tuyên truyền, triển khai lắp đặt điện mặt trời áp mái để người dân, doanh nghiệp thấy được lợi ích, hiệu quả từ những mô hình cụ thể. 

Từ ngày 20/3/2019 Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định tăng giá điện với mức 8,36%. Khi thực hiện Quyết định này, từ cuối tháng 4/2019 đến nay, các phương tiện thông tin đại chúng đã có nhiều ý kiến phản ánh việc các hộ dùng điện, người tiêu dùng phải trả tiền điện tháng 4 tăng đột biến so với tháng 3/2019. Các nguyên nhân của việc này đã được EVN, Bộ Công Thương giải thích.

Ngày 2/5/2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ra Quyết định số 1114/QĐ-BCT lập 3 đoàn công tác để tiến hành kiểm tra việc thực hiện điều chỉnh giá điện theo Quyết định 846/QĐ-BCT của Bộ Công Thương và các quy định liên quan đến giá điện.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo lập Đoàn do Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương kiểm tra việc tăng giá điện, sớm có kết luận. 

Ly Na (t/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến