Dòng sự kiện:
Tập đoàn gia đình trị của nhóm đại gia gốc Hoa tại Việt Nam
15/03/2020 11:00:48
Kido là tập đoàn có toàn bộ 5 thành viên sáng lập đều là người gốc Hoa, trong đó có 2 cặp là vợ chồng. Sở dĩ nói 'gia đình trị' là bởi các thành viên trong Ban điều hành đều là người nhà của Chủ tịch và CEO.

CTCP Tập đoàn Kido (HoSE - KDC) tiền thân là Tập đoàn Kinh Đô được thành lập năm 2002 bởi nhóm cổ đông là 2 cặp vợ chồng gồm anh em ông Trần Kim Thành là ông Trần Kim Thành và vợ là Vương Bửu Linh; ông Trần Lệ Nguyên và vợ là Vương Ngọc Xiểm, cả 4 người đều là doanh nhân gốc Hoa, sinh ra tại Trung Quốc, và một thành viên khác là ông Wang Ching Hua cũng là người Hoa.

Các nhà sáng lập Kido

Không chỉ sở hữu và điều hành Kido, ông Thành và ông Nguyên còn sở hữu và điều hành một loạt các doanh nghiệp khác. Cụ thể, ngoài cương vị Chủ tịch Kido, ông Trần Kim Thành còn được biết đến với các vai trò: Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long (TLG); Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (VOC); Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Địa ốc Kido (Kido Land); Chủ tịch Công ty Cổ phần Thực phẩm Đông lạnh Kido (KDF)...

Trong khi đó, cánh tay phải đắc lực của ông Thành là ông Trần Lệ Nguyên không chỉ được biết đến với vai trò Phó Chủ tịch thường trực kiêm TGĐ Tập đoàn Kido. Ông còn đảm nhận các cương vị khác như: Thành viên HĐQT của các công ty Thiên Long, VOC, Dầu thực vật Tường An, Kido Land... Đáng chú ý, từ cuối năm 2015 ông Nguyên chính thức trở thành Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt và sở hữu 35% cổ phần tại công ty này.

Trong phần giới thiệu của Kido về CEO của mình, ông Trần Lệ Nguyên được biết đến với công lao mua lại nhà máy kem Wall's từ Unilever và đã lãnh đạo phát triển ngành hàng này cho đến ngày nay. Ngoài ra, ông còn thành công trong việc thực hiện các thương vụ M&A khác của Kido. Ông Nguyên gắn bó với Kinh Đô từ năm 1992 và trở thành TGĐ từ đó đến nay. Trước đó, ông có 5 năm đảm nhiệm vai trò kỹ thuật sản xuất tại Cơ sở bánh ngọt Đô Thành và 2 năm làm kỹ thuật sản xuất tại Xí nghiệp chế biến thực phẩm Quận 1.

Tại Kido, ông Trần Kim Thành chỉ sở hữu 276.000 cổ phiếu KDC, tương đương 0,13%, trị giá 12,90 tỷ đồng (tính theo thị giá ngày 14/07). Trong khi đó, ông Trần Lệ Nguyên sở hữu 25.930.867 cổ phiếu, tương đương 12,61%, trị giá 1.212 tỷ đồng. Chỉ tính riêng cổ phần tại Kido và Chứng khoán Rồng Việt, tài sản của ông Nguyên đã vượt qua con số 1.500 tỷ đồng.

Hai người em ruột khác của ông Thành là ông Trần Quốc Nguyên, Phó TGĐ Kido, sở hữu 655.707 cổ phiếu, trị giá 30,65 tỷ đồng; Ông Trần Vinh Nguyên nắm giữ 604.729 cổ phiếu, trị giá 28 tỷ đồng.

Bà Vương Bửu Linh, vợ của Chủ tịch Trần Kim Thành hiện sở hữu 2 triệu cổ phiếu KDC, trị giá 93,5 tỷ đồng. Theo giới thiệu của Kido, bà Linh là cổ đông sáng lập, thành viên HĐQT và là Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn. Bà đã góp phần dẫn dắt Kido vượt qua giai đoạn mở rộng qui mô và nằm trong đội ngũ những người đầu tiên xây dựng nên một trong các doanh nghiệp thực phẩm lớn nhất Việt Nam. Bà Linh là "kiến trúc sư" trưởng trong việc triển khai hệ thống ERP (Hoạch định Tài nguyên Doanh nghiệp) trong tập đoàn. Bà Vương Bửu Linh có hai người em ruột là Vương Bửu Ngọc và Vương Quốc Trụ cũng đang nắm giữ tổng cộng 38.400 cổ phiếu KDC.

Trong khi đó, em dâu bà, Phó TGĐ Vương Ngọc Xiểm được Kido giới thiệu có trên 20 năm kinh nghiệm điều hành kinh doanh chuỗi bán lẻ và nhượng quyền chuỗi cửa hàng Kinh Đô Bakery, bà đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình quản lý và điều hành doanh nghiệp từ những ngày mới thành lập. Bà Xiểm đã bán hết cổ phần của mình tại KDC nhưng hai người em gái của bà là Vương Thu Lệ và Vương Thu Bình đang nắm giữ tổng cộng 10.000 cổ phiếu KDC.

Ngoài ra, còn một nhân vật họ Vương khác là bà Vương Bửu Dinh, vợ của Phó TGĐ Mã Thanh Danh (nắm giữ 105.750 cổ phiếu KDC, tương đương 0,05%.

Cái tên Kido thay thế Kinh Đô sau thương vụ ông Trần Kim Thành bán lại 80% lĩnh vực bánh kẹo của Kinh Đô cho Tập đoàn Mondelēz International của Mỹ. Tập đoàn Kinh Đô đã đổi tên thành Tập đoàn Kido, chuẩn bị cho cuộc "marathon" khắc nghiệt của thương hiệu Kido trên "đường đua" dầu ăn, mì gói.

Được giới kinh doanh nể phục gọi với cái tên ông vua M&A, ông Trần Kim Thành cùng KIDO đã thực hiện nhiều thương vụ M&A.

Thương vụ đầu tiên và cũng được coi là thành công lớn của Kinh Đô là mua lại nhà máy kem Wall của Unilever vào năm 2003. Đến năm 2005, Kinh Đô tiếp tục nắm cổ phần chi phối của Tribeco; năm 2007 đầu tư vào Nutifood, năm 2008 mua lại Vinabico; Năm 2010, Kinh Đô thực hiện hoán đổi cổ phiếu để nắm giữ 100% cổ phần của Kinh Đô Miền Bắc và Kido.

Đầu năm 2012, hãng bánh kẹo Nhật Bản Ezaki Glico đã rót gần 660 tỷ đồng để nắm giữ 10,5% cổ phần của Kinh Đô.

Năm 2016 và 2017, Kido còn "lấn sân" sang thị trường dầu ăn thông qua việc mua lại 51% cổ phần tại Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) và 65% cổ phần tại Dầu Tường An - hai doanh nghiệp có nguồn gốc Nhà nước. Ngoài ra, Kido đã mua lại 50% cổ phần tại Dabaco Foods nhằm thâm nhập vào thị trường thức phẩm chế biến sẵn.

Năm 2019, doanh thu thuần cả của Kido đạt 7.210 tỷ đồng, giảm 5,2% so với năm 2018. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế năm 2019 đạt 282 tỷ đồng, tăng 59,6% và lợi nhuận sau thuế đạt 200 tỷ đồng, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Kido, doanh thu thuần giảm chủ yếu là do doanh thu ở phân khúc dầu phổ thông giảm. Doanh thu từ ngành dầu chiếm 79% doanh thu toàn Tập đoàn, ngành lạnh chiếm 19% và các ngành khác chiếm 2%.

Theo báo cáo của các công ty thành viên trong tập đoàn, CTCP Thực phẩm Đông lạnh Kido (UPCoM - KDF) đạt doanh thu thuần 1.383 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước do Công ty đã chú trọng tăng trưởng ngành hàng kem, phát triển kênh phân phối, mở rộng thị trường, cao cấp hoá sản phẩm, đồng thời quy hoạch và cải tiến nhà máy, kho bãi, tổ chức lại đội ngũ bán hàng để thúc đẩy doanh số.

Lợi nhuận trước thuế năm 2019 của KDF đạt 185 tỷ đồng, tăng 489% so với năm trước và vượt 24% kế hoạch năm 2019 đặt ra. 

Đối với các công ty trong lĩnh vực dầu ăn, tình hình chung là giá dầu nguyên vật liệu giảm liên tục nhiều tháng liền, ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam - CTCP (Vocarimex, UPCoM - VOC).

Dù vậy, doanh thu thuần năm 2019 của VOC đạt 2.547 tỷ, vượt 6% so với kế hoạch, nhưng giảm 41,5% so với năm 2018 chủ yếu là do cạnh tranh cao và giá dầu giảm.

Chi phí hoạt động năm 2019 của VOC giảm 20% so với năm trước, lợi nhuận gộp đạt 45 tỷ đòng, giảm 39,7%. Kết quả, lợi nhuận trước thuế VOC đạt 243 tỷ đồng, vượt 35% so với kế hoạch.

Còn đối với CTCP Dầu Thực vật Tường An (HoSE - TAC), doanh thu thuần đạt 4.142 tỷ đồng, giảm 6% so với năm trước, nhưng vượt 7,5% so với kế hoạch đề ra. Lợi nhuận trước thuế cả năm của TAC đạt 170,5 tỷ đồng, tăng 25,2% so với năm 2018, vượt 25% so với kế hoạch đề ra và biên lợi nhuận tăng từ 3,1% lên 4,1%. 

Với KDN (Kido Nhà Bè) là một thành viên mới gia nhập Tập đoàn Kido cuối năm 2018. Sau một năm gia nhập tập đoàn, lợi nhuận trước thuế của KDN đạt 19 tỷ đồng, tăng trưởng 165%.

Linh Nhi (t/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến