Dòng sự kiện:
Tất cả ngân hàng niêm yết trong 2015: Khó đúng lộ trình!
28/07/2014 14:05:24

Theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tất cả các ngân hàng thương mại (NHTM) phải niêm yết cổ phiếu vào năm 2015. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều ngân hàng chưa mặn mà niêm yết, đặc biệt trong bối cảnh ngành ngân hàng đang thực hiện tái cơ cấu, trong khi cổ phiếu nhà băng chưa có dấu hiệu khởi sắc.

 

Theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tất cả các ngân hàng thương mại (NHTM) phải niêm yết cổ phiếu vào năm 2015. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều ngân hàng chưa mặn mà niêm yết, đặc biệt trong bối cảnh ngành ngân hàng đang thực hiện tái cơ cấu, trong khi cổ phiếu nhà băng chưa có dấu hiệu khởi sắc.

 

Nhiều ngân hàng đã có kế hoạch lên sàn từ lâu, nhưng đến nay, vẫn chưa thực hiện được


Kế hoạch có nhiều

 

Không chỉ chịu áp lực tăng vốn, các NHTM cũng đang chịu sức ép không nhỏ về việc lên sàn chứng khoán, khi cơ quan đầu ngành đã làm việc với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) để thúc ép các TCTD niêm yết trong năm 2015. Tuy nhiên, trước chủ trương tái cơ cấu và làn sóng M&A ngày càng sôi động, kế hoạch niêm yết của các ngân hàng dường như vẫn đang giậm chân tại chỗ.

 

Đơn cử như HDBank, kế hoạch niêm yết đã được nhà băng này trình cổ đông trong nhiều kỳ ĐHCĐ trước, song lãnh đạo HDBank cho biết, trong 2 năm qua, Ngân hàng phải thực hiện kế hoạch sáp nhập với DaiA Bank và mua lại Công ty Tài chính SGVF. Vì thế, việc niêm yết cổ phiếu chưa thực hiện được như kế hoạch.

 

Cùng với việc thực hiện tái cơ cấu ngân hàng hậu M&A, HDBank đang lên kế hoạch tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài. HĐQT HDBank cho biết, Ngân hàng đã và đang tiếp xúc với các đơn vị tư vấn, để lựa chọn đối tác chiến lược nước ngoài có thế mạnh về tài chính, cũng như có thể chia sẻ kinh nghiệm quản lý, chuyển giao công nghệ và cùng hợp tác phát triển sản phẩm dịch vụ mới. Bên cạnh đó, HDBank cũng đã triển khai mở văn phòng đại diện ở Myanmar, nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư, tiến tới cung cấp dịch vụ tài chính - ngân hàng tại nước ngoài, thực hiện mục tiêu gia nhập và vươn tầm quốc tế… Tất cả những bước đi đó để chuẩn bị nội lực tốt trước khi niêm yết. Khả năng trong năm tới, cổ phiếu HDBank sẽ được niêm yết trên sàn chứng khoán chính thức, tuy nhiên, theo lãnh đạo nhà băng này, việc niêm yết cũng còn tùy thuộc vào yếu tố thị trường.

 

DongA Bank cũng đã có kế hoạch niêm yết trên HOSE. Tuy nhiên, trước khi Ngân hàng triển khai kế hoạch này, khủng hoảng kinh tế khiến TTCK sụt giảm mạnh, Ngân hàng buộc phải hoãn kế hoạch niêm yết... vô thời hạn. Theo ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank, niêm yết là cần thiết để hoạt động minh bạch hơn, song không có nghĩa Ngân hàng sẽ phải niêm yết bằng mọi giá.

 

“Niêm yết tùy thuộc vào tình hình của thị trường, hiện thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, cổ phiếu ngân hàng chưa có dấu hiệu hồi phục, thậm chí ở nhiều thời điểm, giá cổ phiếu ngân hàng giảm xuống dưới mệnh giá. Trong bối cảnh như vậy, việc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán sẽ khó thu hút được nhà đầu tư”, ông Bình nói.

 

OCB, Nam A Bank, VPBank… cũng có kế hoạch niêm yết cách đây 1 - 2 năm, nhưng đến nay, vẫn chưa có động tĩnh gì. Tại các kỳ ĐHCĐ những năm qua, HĐQT của các ngân hàng trên đều có tờ trình cổ đông về kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán. Trong khi đó, cũng có một số ngân hàng chưa kịp thực hiện kế hoạch lên sàn đã phải sáp nhập, hợp nhất trước chủ trương đẩy mạnh tái cơ cấu ngành, như Southern Bank, DaiA Bank…

 

Nhưng nội lực phải tốt

 

Theo yêu cầu của NHNN và UBCK, các ngân hàng cổ phần đại chúng phải đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán tập trung trong năm 2015, nhằm giao dịch công khai minh bạch, hạn chế sở hữu chéo. Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhiều nhà băng, ngân hàng cần phải củng cố nội lực tốt trước khi đưa cổ phiếu lên sàn mới thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư, tạo được thanh khoản tốt. Nếu không, tên tuổi cũng như cổ phiếu sẽ đi xuống, kể cả khi đã niêm yết chính thức.

 

Thực tế, ngay cả với ngân hàng đã niêm yết như Navibank cũng có ý định rút khỏi sàn HNX. Lý do ngân hàng này đưa ra là việc giao dịch trên sàn không đem lại hiệu quả như mong đợi. Theo Navibank, thông thường, các doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu nhằm đáp ứng một số mục tiêu như tăng cường vốn, ổn định thanh khoản…, nhưng tất cả những điều này, Navibank đều không đạt được.

 

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ Navibank xin hủy niêm yết là do những năm qua, hoạt động của Ngân hàng không mấy thuận lợi trước bối cảnh thị trường khó khăn. Các cổ đông lớn thoái vốn và Ngân hàng đang nằm trong danh sách tái cơ cấu theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và NHNN. Năm 2013, tổng lợi nhuận trước thuế của Navibank chỉ đạt 31,94 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cả năm 23,95 tỷ đồng, gấp gần 10 lần so với mức lãi 2,4 tỷ đồng của 2012. Tuy nhiên, nợ xấu của Navibank vẫn chiếm tới 6% tổng dư nợ, trong đó, nợ có khả năng mất vốn 438,32 tỷ đồng, tăng 19,5% so với cuối năm 2012.

 

… Lên sàn mới thành công

 

Đến thời điểm hiện tại, NHNN đã nhận được 24/25 phương án tái cơ cấu của các NHTM và đã phê duyệt 18 phương án. Có 8/11 TCTD phi ngân hàng cũng được phê duyệt đề án tái cơ cấu lại. Vì thế, trước mắt sẽ tái cơ cấu và nếu thị trường thuận lợi sẽ tiến hành niêm yết năm 2015.

 

Để thực hiện yêu cầu trên của NHNN, các NHTM đã phải thực hiện kiểm toán độc lập chất lượng tín dụng theo chuẩn mực phân loại nợ mới theo Thông tư 09. Việc này nhằm đánh giá chính xác hơn nợ xấu và cũng là để cơ quan quản lý có biện pháp xử lý phù hợp.

 

Chủ tịch HĐQT một nhà băng cho rằng, do những năm qua, TTCK chưa thuận lợi, nên ngân hàng muốn chờ thêm một thời gian, khi chứng khoán hồi phục sẽ dễ dàng hơn trong việc thực hiện kế hoạch lên sàn. Mặt khác, theo vị chủ tịch trên, ngân hàng muốn hoàn tất các kế hoạch mua bán, sáp nhập trước khi niêm yết trên sàn tập trung.

 

Trong khi đó, theo đánh giá của tổng giám đốc một ngân hàng TMCP, nếu không thận trọng, niêm yết có khi mất nhiều hơn được.

 

Mặc dù vậy, cũng không thể phủ nhận việc lên sàn đã đem lại không ít thuận lợi cho nhiều doanh nghiệp, trong đó có khối ngân hàng. Hiện cả 2 sàn chứng khoán đã có 8 ngân hàng niêm yết gồm: VCB, CTG, ACB, EIB, STB, SHB, MBB, BID. Nhưng cũng có thể thấy rằng, các cổ phiếu này đều là những ngân hàng lớn, nằm trong top có kết quả hoạt động kinh doanh khả thi và tiềm năng tăng trưởng tốt, nên vẫn thu hút được nhà đầu tư. Vì thế, việc chuẩn bị nội lực tốt trước khi niêm yết được xem là yếu tố cần và đủ.

 

Theo ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank, có niêm yết mới thành công. Cổ phiếu cũng được nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn, thay vì lên sàn là xuống giá. Song theo đánh giá của giới phân tích chứng khoán, giá cổ phiếu ngân hàng vẫn khó kỳ vọng bật mạnh trong quá trình tái cơ cấu.

 

Lãnh đạo CTCK KIS Việt Nam cho rằng, đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng trong năm 2014 không thích hợp với các nhà đầu tư ngắn hạn, do tình hình hoạt động kinh doanh ngành ngân hàng trong 2014 và cả năm 2015 được dự đoán sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Xu hướng lãi suất cho vay đang có chiều hướng giảm dần sẽ làm giảm tỷ lệ lãi biên của các ngân hàng, đồng thời chi phí dự phòng nợ xấu tăng sẽ bào mòn lợi nhuận. Tuy nhiên, về dài hạn, không thể phủ nhận tầm quan trọng của hệ thống ngân hàng, được coi là huyết mạch của nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng nhất trong hệ thống trung gian tài chính.

 

“Nếu quá trình tái cơ cấu được tiến hành thành công, qua đó sẽ nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống ngân hàng. Lúc đó, cổ phiếu ngân hàng sẽ trở nên hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư”, lãnh đạo KIS nhận định.

 

Thùy Vinh 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến