Tại báo cáo gửi Quốc hội về các dự án đường sắt đô thị, trong đó có dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, thông tin “Đến kỳ trả nợ gốc khoản vay lại của các Hiệp định vay cho dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Bộ Tài chính đã ứng từ Quỹ tích lũy để trả nợ theo cam kết của Chính phủ tại các Hiệp định vay đã ký” đã nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông chưa rõ ngày vận hành.
Làm rõ hơn thông tin này, Bộ Tài chính cho biết: Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông (dự án) sử dụng vốn vay từ 3 Hiệp định vay Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc, tổng giá trị vay là 690,62 triệu USD.
Về cơ chế tài chính của dự án, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cơ chế tài chính đặc thù. Theo đó Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) ủy quyền cho Ban Quản lý Dự án đường sắt ký Hợp đồng vay lại đối với phần vốn vay nước ngoài để thực hiện các hạng mục liên quan tới khai thác, vận hành kinh doanh vận tải của dự án với cơ quan cho vay lại khi bắt đầu thực hiện rút vốn. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm bố trí vốn đối ứng để trả nợ nước ngoài cho phần vốn vay lại và các khoản phí liên quan trong giai đoạn xây dựng cho tới khi hoàn thành bàn giao cho Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội;
UBND TP.Hà Nội nhận nợ vay lại trực tiếp đối với phần vốn vay lại khi dự án được bàn giao từ Bộ Giao thông vận tải và có trách nhiệm hoàn trả ngân sách nhà nước số vốn đã được Bộ Giao thông - Vận tải ứng để trả nợ.
Hiện nay, khoản vay triển khai dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông là khoản vay của Chính phủ nên khi đến hạn, Bộ Tài chính đã thực hiện trả nợ đầy đủ, đúng hạn cho Chính phủ Trung Quốc và Ngân hàng Eximbank Trung Quốc.
Ngoài ra, khoản cho Bộ Giao thông vận tải vay lại để thực hiện các hạng mục liên quan tới khai thác, vận hành kinh doanh vận tải của dự án đang gặp vướng mắc về trả nợ nên Bộ Tài chính phải ứng tiền từ Quỹ tích lũy trả nợ để trả thay cho dự án.
Về trả nợ khoản vay lại của Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Tài chính cho biết: Bộ GTVT đã bố trí vốn đối ứng để trả nợ lãi theo Hợp đồng cho vay lại đã ký với Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Hiện việc bố trí vốn để trả nợ gốc của các khoản vay lại đang gặp vướng mắc do từ khi ký Hợp đồng cho vay lại, Bộ Giao thông vận tải không được bố trí vốn để trả nợ gốc.
Theo quy định của Luật Quản lý nợ công và các văn bản hướng dẫn, phần vay lại, chủ dự án phải có trách nhiệm bố trí vốn để hoàn trả Bộ Tài chính.
Thế nhưng, từ khi phát sinh nghĩa vụ trả nợ đối với phần vay lại, Bộ GTVT mới bố trí trả hơn 398 tỷ đồng (tương đương trên 17,3 triệu USD) nợ gốc, phần còn phải hoàn trả Bộ Tài chính là nợ gốc hơn 9,83 triệu USD (tương đương 227,322 tỷ đồng); gốc và lãi quá hạn hơn 1,65 triệu USD (tương đương 38,37 tỷ đồng).
Từ năm 2019 đến nay, Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc giao Bộ GTVT phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn để trả nợ. Tuy nhiên đến nay Bộ GTVT vẫn chưa được bố trí vốn để trả nợ gốc. Vì vậy Bộ Tài chính đã phải ứng Quỹ tích lũy để trả nợ thay cho Dự án là hơn 9,83 triệu USD (tương đương hơn 227,3 tỷ đồng).
Hiện Bộ GTVT đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc Hội cho phép bổ sung danh mục “trả nợ gốc các khoản vay lại của các Hiệp định vay của dự án” để có nguồn hoàn trả nợ cho Bộ Tài chính và thực hiện các thủ tục để bàn giao Dự án cho UBND TP Hà Nội.
Việc bàn giao nghĩa vụ nợ, Bộ Tài chính cho biết: Khi bàn giao dự án cho UBND TP Hà Nội thì UBND TP Hà Nội có trách nhiệm nhận nợ với Bộ Tài chính phần cho vay lại trên cơ sở số liệu đã xác nhận giữa Bộ Tài chính và Bộ GTVT. UBND TP Hà Nội và Bộ Tài chính sẽ ký Hợp đồng vay lại, xác nhận nghĩa vụ trả nợ với UBND TP Hà Nội, điều kiện vay lại thực hiện theo quy định.
Hiện Bộ GTVT đang khẩn trương rà soát, tổng hợp số liệu đã nhận nợ, số đã trả nợ, số còn phải trả nợ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc bàn giao nợ để bàn giao khoản nợ vay lại của Dự án cho UBND TP Hà Nội để UBND TP Hà Nội bố trí nguồn trả nợ cho dự án.
Theo báo cáo của Chính phủ, lũy kế giá trị giải ngân tính đến hết kỳ thanh toán 62 (tháng 10 năm 2021) là 731,25/868,04 triệu USD, đạt 84,2% (trong đó, vốn nước ngoài 618,019/669,62 triệu USD, đạt khoảng 92,3%; vốn trong nước 149,14/198,42 triệu USD, đạt khoảng 75,2%). Giá trị còn lại chưa giải ngân cho Tổng thầu là 89,92 triệu USD (đã bao gồm 31,69 triệu USD chi phí 5% giữ lại). |
Tác giả: Lương Bằng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy