Dòng sự kiện:
Taxi công nghệ bỏ 'đeo mào', đề xuất dán chữ phản quang để nhận diện
13/08/2019 20:24:31
Dù đã bỏ quy định “gắn mào”trên nóc xe, nhưng tại dự thảo sửa đổi Nghị định 86/2014, Bộ Giao thông Vận tải lại đề xuất dán chữ phản quang trên kính trước và sau nhằm dễ nhận diện.

Bộ Giao thông Vận tải lại đề xuất dán chữ phản quang trên kính trước và sau nhằm dễ nhận diện ứng dụng công nghệ gọi xe. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Tại dự thảo sửa đổi Nghị định 86/2014 mới nhất do Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ, Bộ này đã bỏ quy định “gắn mào” trên xe taxi công nghệ nhưng lại đề xuất phải dán chữ phản quang để dễ nhận diện.

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất phải có phù hiệu “XE HỢP ĐỒNG” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe, niêm yết các thông tin khác trên xe theo quy định. Đồng thời, các xe kinh doanh vận tải theo hợp đồng cần phải dán cố định cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” trên kính phía trước và kính phía sau xe theo quy định. Kích thước tối thiểu của cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” là 6 x 20 cm và cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” phải được làm bằng vật liệu phản quang.

Như vậy, theo dự thảo sửa đổi Nghị định 86/2014 quy định bắt buộc gắn cố định hộp đèn trên nóc xe đối với xe ôtô chở khách dưới 9 chỗ đã được hủy bỏ theo đúng chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ yêu cầu. Tuy nhiên, tại bản Dự thảo mới nhất này, các xe taxi công nghệ sẽ được dán logo xe hợp đồng bằng vật liệu phản quang.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải bổ sung quy định về xây dựng hạ tầng công nghệ và quy định việc kết nối, chia sẻ, liên thông toàn bộ dữ liệu giám sát hành trình, hình ảnh, ghi, lưu trữ lâu dài từ camera trên xe, đăng kiểm, đào tạo, sát hạch cấp, thu hồi giấy phép lái xe giữa các cơ quan quản lý Nhà nước.

Dự thảo cũng quy định, đơn vị cung cấp nền tảng trong hoạt động kinh doanh vận tải cần thực hiện lưu trữ toàn bộ lịch sử các giao dịch đã thực hiện trên nền tảng để phục vụ thanh kiểm tra; thời gian lưu trữ tối thiểu hai năm. Cung cấp cho cơ quan quản lý danh sách các đơn vị vận tải, xe ôtô và lái xe của các đơn vị vận tải hợp tác với đơn vị cung cấp nền tảng; đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin đối với các dữ liệu của hành khách…

Về công tác bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, Dự thảo bổ sung quy định đối với đơn vị kinh doanh vận tải phải có phương án kiểm soát để bảo đảm không bỏ quên hành khách ở trên xe khi kết thúc hành trình (áp dụng đối với xe kinh doanh vận tải hành khách).

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương báo cáo nghị định thay thế, sửa đổi Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.

“Bộ Giao thông Vận tải phải hủy bỏ quy định gắn hộp đèn trên nóc xe công nghệ, loại bỏ ngay các điều kiện kinh doanh vận tải không cần thiết, sử dụng công nghệ thông tin để quản lý với loại hình này,” Thủ tướng chỉ đạo.

Vào tháng Sáu vừa qua, tại dự thảo lần thứ 9 Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô, Bộ Giao thông Vận tải quy định, xe taxi chia làm 2 loại.

Loại thứ nhất là xe taxi sử dụng đồng hồ tính tiền, trên xe phải gắn đồng hồ tính tiền được cơ quan có thẩm quyền về đo lường kiểm định và kẹp chì, phải có thiết bị in hóa đơn hoặc phiếu thu tiền kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe; lái xe phải in hóa đơn hoặc phiếu thu tiền và trả cho hành khách khi kết thúc hành trình.

Loại thứ hai là xe taxi sử dụng phần mềm để đặt xe, hủy chuyến, tính cước chuyến đi (gọi là phần mềm tính tiền) trên xe phải có thiết bị kết nối trực tiếp với hành khách để đặt xe, hủy chuyến; tiền cước chuyến đi được tính theo quãng đường xác định trên bản đồ số...

Cả 2 loại taxi trên đều phải có phù hiệu "TAXI" và được dán cố định phía bên phải mặt kính trước của xe, có hộp đèn chữ "TAXI" gắn cố định trước nóc xe, kích thước tối thiểu 15x30cm.

Ngoài ra, dự thảo này còn quy định, trường hợp xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử phải có hộp đèn với chữ “XE HỢP ĐỒNG" gắn cố định trên nóc xe, kích thước hộp đèn tối thiểu 12x30cm.

Quy định này của Bộ Giao thông Vận tải gặp phải nhiều ý kiến phản đối. Đặc biệt, các chuyên gia cho rằng quy định xe công nghệ phải gắn mào như taxi truyền thống sẽ làm tăng chi phí vận hành của doanh nghiệp, gây khó cho cơ quan quản lý, chịu thiệt lớn nhất là người dùng và tài xế. Thậm chí, có chuyên gia cho rằng việc “đeo mào” cho Grab là một tư duy quản lý cũ kỹ, lỗi thời và lạc hậu.

Theo Vietnam+

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến