Tây bán, Tây mua
06/04/2017 09:24:51
Tuần cuối cùng của tháng 3 hàng năm bao giờ cũng là thời điểm quan trọng đối với các tổ chức đầu tư vì họ phải công bố giá trị tài sản ròng (net asset value - NAV), đặc biệt với các quỹ đầu tư niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ngoài.

Tin liên quan

Chính vì lẽ đó, ngay từ giữa tháng 3-2017, khối ngoại bắt đầu tăng cường mua hoặc bán những mã chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục đầu tư của họ. Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) với giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường hiện nay 205.665 tỉ đồng, là một trong những cổ phiếu có ảnh hưởng đến VN-Index và thường xuyên có mặt trong danh mục của các quỹ, đã được mua ròng mạnh trong vòng một tháng qua.

Nhà đầu tư theo dõi diễn biến của một phiên giao dịch chứng khoán. Ảnh: TL

Theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (Hose), từ ngày 27-2 đến 24-3-2017, nước ngoài mua tổng cộng 18,186 triệu cổ phiếu và bán ra 10,16 triệu cổ phiếu Vinamilk, mua ròng hơn 8 triệu đơn vị, trị giá khoảng 1.120 tỉ đồng. Đây là mức mua ròng đáng kể đối với một mã, vì từ đầu tháng 3 đến nay khối ngoại mua ròng trên toàn Hose chỉ có 1.240 tỉ đồng. Phần lớn tiền mua ròng của họ đã được đổ vào Vinamilk.

Tuy nhiên việc mua bán mang tính kỹ thuật đó chỉ có ý nghĩa ở thời điểm chốt NAV, trong khi các cổ phiếu mang lại sự tăng trưởng đáng chú ý cho các quỹ lại nằm ở những gương mặt mới. Quỹ đầu tư tầm cỡ nhất thị trường hiện tại là VEIL (Vietnam Enterprise Investments Limited) do Dragon Capital quản lý, niêm yết trên thị trường chứng khoán London, thông báo NAV của quỹ ngày 20-3-2017 lên đến 1,092 tỉ đô la Mỹ, tương đương NAV trên mỗi chứng chỉ quỹ 4,96 đô la Mỹ. So với NAV ngày 5-1-2017 là 996,35 triệu đô la Mỹ, VEIL ghi nhận NAV tăng thêm 95,5 triệu đô la Mỹ hay 9,58%. Mức này cao hơn sự tăng trưởng cùng thời gian trên của VN-Index là 8,61%.

Từ đầu tháng 3 đến nay khối ngoại mua ròng trên toàn Hose chỉ có 1.240 tỉ đồng, và phần lớn trong số này đã được đổ vào Vinamilk.

Theo công bố thông tin định kỳ của VEIL, trong tốp 10 danh mục đầu tư của quỹ, tỷ trọng trong NAV của Vinamilk, GAS, HPG đang giảm xuống trong khi tỷ trọng của VietjetAir, Novaland và ACB tăng lên do thị giá các cổ phiếu này đã biến động mạnh trong tháng 3-2017. Vietcombank đã rớt khỏi danh mục tốp 10 của VEIL và trong lĩnh vực ngân hàng VEIL vẫn đang nắm giữ tỷ trọng lớn ACB và MBB.

Một tên tuổi khác đã có thâm niên gắn bó với thị trường tài chính Việt Nam là Vietnam Opportunity Fund (VOF) do VinaCapital quản lý và cũng niêm yết ở thị trường chứng khoán London. Trong thông báo gửi cổ đông, VOF cho biết đến ngày 17-3-2017 tổng giá trị tài sản ròng của quỹ đạt 898 triệu đô la Mỹ, tương đương NAV trên mỗi chứng chỉ quỹ 4,43 đô la Mỹ. Trước đó, theo báo cáo bán niên 2016, từ ngày 1-7 đến 31-12-2016 NAV trên mỗi chứng chỉ quỹ của VOF đã tăng ngoạn mục gần 11% từ 3,77 lên 4,18 đô la Mỹ. Việc giải ngân vào các cổ phiếu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), HPG, NVL và VNM đã giúp VOF có mức tăng trưởng vượt bậc nhờ sự tăng giá cổ phiếu tương ứng 194%; 29,3%; 20,2% và 9,4%. Ngoài ra, VOF còn sở hữu 40,5 triệu đô la Mỹ cổ phiếu Công ty Đường Quảng Ngãi (QNS-UpCom) tính theo thị giá ngày cuối cùng của năm ngoái.

“Năm 2017 hứa hẹn là một năm sôi động và có thể không thể dự báo trước được của chứng khoán Việt Nam. Chúng tôi nhìn thấy sự tăng trưởng lợi nhuận bình quân trên mỗi cổ phiếu của các công ty niêm yết khoảng 10-15%/năm. Và điều này rất thú vị đối với chiến lược đầu tư của VOF. Chỉ số PE bình quân của thị trường Việt Nam vẫn còn đang được chiết khấu chừng 15-20% so với các nước khu vực” - báo cáo của VOF nhận định.

Không giống VEIL, VOF không nắm giữ nhiều cổ phiếu ngân hàng và họ khá linh động trong việc tìm kiếm các khoản đầu tư ở các công ty chưa niêm yết. Cái gì cũng có hai mặt của nó. Trong những năm khủng hoảng, việc không giải ngân vào cổ phiếu ngân hàng là một lợi thế, nhưng tình hình hiện nay có vẻ đã khác. Cổ phiếu ngân hàng đang trên đà khởi sắc theo lộ trình tái cơ cấu ngành.

Trong tốp 10 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường hiện tại có sự hiện diện của ba ngân hàng VCB, CTG và BID với vốn hóa tương ứng 136.715 tỉ đồng; 69.628 tỉ đồng; 61.195 tỉ đồng (tính theo thị giá ngày 24-3-2017). VCB hiện có sức tác động đến chỉ số thứ hai chỉ sau Vinamilk. Ở vị trí thứ ba trên bảng tổng sắp này là Sabeco với giá trị vốn hóa 128.256 tỉ đồng; thứ tư là VIC 111.706 tỉ đồng và thứ năm là Tổng công ty Khí GAS 104.277 tỉ đồng.

Với các quỹ ETFs như VanEck Vectors Vietnam ETF, tỷ trọng cổ phiếu tài chính - ngân hàng đứng đầu trong danh mục của họ. Theo trang web của quỹ, cổ phiếu VCB, SSI, BVH đang chiếm tổng cộng 17,52% vốn đầu tư của quỹ. ETF hoạt động ngoài lãnh thổ Việt Nam và họ không có điều kiện tiếp cận với các doanh nghiệp ngoài sàn. Trước đây đã có lúc giá trị tài sản ròng của VanEck Vectors Vietnam vượt quá 450 triệu đô la Mỹ, nhưng nay số vốn họ quản lý chỉ còn 286,23 triệu đô la Mỹ (dữ liệu ngày 24-3-2017) do năm ngoái nhà đầu tư đã rút vốn tương đối nhiều. Từ đầu năm đến nay tăng trưởng NAV của VanEck Vectors Vietnam đạt 6,83%, thấp hơn mức tăng của VN-Index. Sau khi lên đến đỉnh gần 24 đô la Mỹ/chứng chỉ quỹ năm 2014, cuối tuần trước giá chứng chỉ quỹ của VanEck Vectors Vietnam đứng ở 13,94 đô la Mỹ.

Gần đây khi thanh khoản thị trường được cải thiện, giá trị giao dịch của nước ngoài cũng tăng lên. Tổng giá trị giao dịch của khối ngoại từ mức 5.000-6.000 tỉ đồng/tháng những năm trước đã lên 14.000-15.000 tỉ đồng/tháng năm nay, thậm chí có tháng hơn 17.000 tỉ đồng như tháng 12-2016. Thời gian nắm giữ cổ phiếu của các quỹ nhìn chung đã ngắn lại và họ phản ứng mau lẹ với diễn biến thị trường không kém các nhà đầu tư cá nhân. Sự dẫn dắt của khối ngoại đối với thị trường cũng không còn đậm nét như trước.

Theo TBKTSG

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến