Dòng sự kiện:
TCTD áp dụng Basel II trước hạn sẽ có cơ chế 'thoáng' hơn về 'room' tín dụng
08/01/2019 06:00:05
Đó là quan điểm của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khi trả lời về vấn về tăng vốn với các ngân hàng trong năm 2019, nhất là các ngân hàng áp dụng thành công tiêu chuẩn Basel II.

"Room" tín dụng hiện được xem như một nút thắt trong tăng trưởng và lợi nhuận với nhiều đơn vị hiện nay.  Chia sẻ tại cuộc họp báo Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2019 diễn ra sáng nay (7/1), Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết Thống đốc đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2019 khoảng 14%.

Đây cũng là mức tăng trưởng tín dụng đạt được trong năm vừa qua. Theo nhận định của Phó Thống đốc, kết quả trên là "rất phù hợp" với bối cảnh hiện nay khi tỷ lệ tín dụng/GDP đã tăng lên 130%. Định hướng điều hành của Thống đốc năm 2018 vừa đáp ứng vốn cho nền kinh tế vừa tránh rủi ro cho hệ thống.

Theo NHNN, năm tới, tín dụng cũng cần phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng. Thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh.

Năm 2019, NHNN sẽ tiếp tục phân bổ các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tới từng ngân hàng. Trong đó, TCTD thực hiện trước thời hạn các quy định về tỷ lệ an toàn vốn tại Thông tư 41 (Basel II) sẽ được ưu tiên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn. Đến nay, mới chỉ có 3 ngân hàng áp chuẩn Basel II sớm là Vietcombank, VIB, OCB. Một điều thú vị là các ngân hàng thành công trong việc hoàn tất triển khai Basel II sớm cũng là các ngân hàng hàng đầu trong quản trị rủi ro và hiệu quả hoạt động, với chất lượng tài sản hàng đầu, không còn dư nợ trái phiếu tại VAMC.

"Khi mà các ngân hàng tuân thủ được Basel II thì không chỉ từng tổ chức tín dụng riêng lẻ mà cả hệ thống sẽ đạt mức độ ổn định", Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói và cho biết Ngân hàng Nhà nước sắp tới sẽ chỉ đạo các nhà băng quyết liệt thực hiện mục tiêu này để đáp ứng thời hạn trước năm 2020.

Tại Việt Nam, lộ trình áp dụng Basel II được Ngân hàng Nhà nước đưa ra gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là thí điểm áp dụng tại 10 ngân hàng từ tháng 2/2016, gồm: Vietcombank, VietinBank, BIDV, MB, Sacombank, Techcombank, ACB, VPBank, VIB và Maritime Bank. Giai đoạn 2 là cơ bản các ngân hàng thương mại có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II, trong đó có ít nhất 12-15 ngân hàng áp dụng thành công toàn bộ tiêu chuẩn này. 

Ban đầu thời hạn cho giai đoạn thí điểm được ấn định từ tháng 2/2016 đến cuối năm 2018 và giai đoạn hai tính đến năm 2020. Tuy nhiên, trước áp lực về việc nâng cao vốn tự có gặp nhiều khó khăn, thời hạn áp dụng Basel II cho nhóm ngân hàng thí điểm đã được lùi về năm 2020.

Để triển khai đề án Basel II, NHNN đã ban hành thông tư số 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với TCTD (theo phương pháp tiêu chuẩn của Basel II) và thông tư số 13/2018/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của NHTM nhằm tạo khung pháp lý để các ngân hàng thực hiện trụ cột 1, trụ cột 2 và trụ cột 3 của Basel II.

Thiết nghĩ, việc ban hành các thông tư hướng dẫn triển khai Basel II là định hướng đúng đắn của NHNN trong việc nâng cao năng lực quản lý rủi ro và chuẩn mực an toàn trong hoạt động ngân hàng theo thông lệ quốc tế. Điều này cũng tạo ra nền tảng để giúp các ngân hàng Việt Nam tiếp cận với các thị trường vốn quốc tế một cách dễ dàng, với chi phí thấp và tăng mức độ tin cậy của các định chế tài chính toàn cầu, các nhà đầu tư và các tổ chức quốc tế khác đối với Việt Nam, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của ngành ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới. Hy vọng rằng với sự tiên phong của một số ngân hàng đã được NHNN áp dụng chuẩn Basel II theo thông tư 41 ngay từ đầu năm 2019 sẽ là động lực mạnh mẽ để quá trình triển khai và tuân thủ Basel II của các ngân hàng còn lại được thực hiện một cách nghiêm túc và nhanh chóng.

Hoàng Dung

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến