Dòng sự kiện:
Thách thức cho công ty chứng khoán có vốn ngoại
16/11/2017 18:06:08
Dù có ưu thế về vốn và kinh nghiệm nhưng để tạo được đột phá trên một thị trường mà những đối thủ "nội" đã xác lập được vị trí vững chắc là điều không dễ dàng cho các công ty chứng khoán (CTCK) có vốn ngoại.

Không ít doanh nghiệp vẫn khó khăn

Không giống như lĩnh vực ngân hàng, việc dòng vốn ngoại thâu tóm các công ty thuộc ngành chứng khoán ít gây được sự chú ý của nhà đầu tư hơn. Một phần cũng do số lượng các vụ thâu tóm còn ít và quy mô các thương vụ cũng không thật sự lớn. Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), hiện có 74 CTCK hoạt động trên thị trường Việt Nam, giảm năm công ty so với thời điểm cuối năm 2016.

Trong số 74 công ty này, số công ty có 100% vốn nước ngoài hoặc cổ đông nước ngoài chiếm cổ phần chi phối vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tiêu biểu trong số đó là các công ty có dòng vốn đầu tư từ Hàn Quốc như Shinhan Việt Nam, Worri CBV, KIS Việt Nam, Mirae Asset... Bên cạnh đó, Maybank Kim Eng với ông chủ đến từ Malaysia cũng là cái tên nổi bật.

Nếu nhìn từ góc độ hiệu quả kinh doanh thì khó có thể nói các CTCK có vốn ngoại đang đạt được thành công như kỳ vọng ban đầu trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Đa số nhóm này hầu như vẫn chưa tìm được chỗ đứng trên thị trường và vẫn ngập trong khó khăn khi cạnh tranh với những đối thủ “nội”.

Việc tham gia của các công ty chứng khoán có vốn ngoại tạo ra cuộc cạnh tranh sôi động về chất lượng dịch vụ và công nghệ trên thị trường.

Cụ thể, Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam (SSV) được UBCKNN cấp giấy phép thành lập và hoạt động vào tháng 2-2016 với vốn điều lệ 146 tỉ đồng. Tiền thân của SSV là CTCK Nam An (NASC). Năm 2015, Công ty Shinhan Investment Corporation (Hàn Quốc) - chủ sở hữu của SSV - đã thâu tóm NASC sau khi nhận chuyển nhượng toàn bộ 14 triệu cổ phần từ các cổ đông của NASC. Sau khi thâu tóm và chuyển đổi mô hình từ công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, kết quả kinh doanh năm 2016 của công ty này chỉ đạt doanh thu hơn 5 tỉ đồng trong khi lợi nhuận sau thuế ở mức âm hơn 7 tỉ đồng.

Hay như CTCK Woori CBV (có vốn điều lệ 135 tỉ đồng, nhà đầu tư Hàn Quốc sở hữu 49% cổ phần) chỉ có mức lãi rất khiêm tốn trong năm 2016, chủ yếu nhờ chênh lệnh tăng giá các tài sản tài chính chứ không phải đến từ nghiệp vụ chính như môi giới hay tư vấn. Năm 2015, Woori CBV còn lỗ ròng gần 1 tỉ đồng và năm 2014 lãi vỏn vẹn 97 triệu đồng.

Những chuyển động mới

Điểm sáng nhất trong số các CTCK có vốn Hàn Quốc có lẽ thuộc về CTCK KIS Việt Nam. Công ty này có vốn điều lệ 1.117 tỉ đồng, trong đó Công ty TNHH Chứng khoán và Đầu tư Hàn Quốc (KIS) sở hữu hơn 98% cổ phần. KIS Việt Nam cũng được thành lập sau khi thâu tóm một CTCK Việt Nam (Chứng khoán Gia Quyền).

Ngay từ đầu, KIS đã có những bước đi bài bản và táo bạo. Đầu tiên là việc chiêu mộ những môi giới tốt nhất và thiết lập chất lượng dịch vụ khá cao. Sau đó, KIS cũng chủ trương đẩy mạnh hoạt động cho vay ký quỹ (margin) để nhà đầu tư hào hứng hơn trong giao dịch. Và kết quả là chỉ sau khoảng năm năm có mặt tại Việt Nam, KIS đã gia nhập được vào “top 10” thị phần môi giới. Sự thành công của KIS, và quan trọng nhất là sự bùng nổ của TTCK Việt Nam trong những năm gần đây, rõ ràng đã cuốn hút các nhà đầu tư, các định chế tài chính lớn đến từ Hàn Quốc.

Và thương vụ mới đây nhất là Công ty cổ phần Chứng khoán Maritime (MSI) đã được UBCKNN phê duyệt việc bán hơn 99,4% cổ phần cho Công ty KB Securities thuộc tập đoàn tài chính KB của Hàn Quốc. Giá trị của giao dịch chưa được công bố nhưng được dự báo là 756 tỉ đồng, khoảng 33 triệu đô la Mỹ.

Đến giữa năm 2017, MSI có tổng tài sản 672 tỉ đồng, trong đó giá trị các khoản cho vay margin và ứng trước chiếm 373 tỉ đồng. Sau khi mua lại, tập đoàn Hàn Quốc có thể sẽ đổi tên MSI thành Công ty Chứng khoán KB Securities Việt Nam. Năm 2016, MSI chiếm khoảng 3,5% thị phần tại HNX và 1,7% thị phần tại HOSE.

Không chỉ có các đối tác mới đến từ Hàn Quốc, có đơn vị kỳ cựu nhưng chưa nổi bật cũng bắt đầu vươn mình sau một thời gian yên ắng, điển hình là CTCK Mirae Asset. Mới đây, công ty này đã tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỉ đồng và trở thành đơn vị có vốn lớn thứ ba trên thị trường, một động thái cho thấy sự “máu lửa” của các nhà đầu tư Hàn Quốc đối với TTCK Việt Nam.

Sau khi Hiệp định Thương mại tự do song phương Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực, trao đổi thương mại cũng như làn sóng đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam (cả đầu tư trực tiếp lẫn gián tiếp) đang có xu hướng gia tăng mạnh mẽ.

Việc Mỹ lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc khiến căng thẳng chính trị giữa Trung Quốc và Hàn Quốc leo thang cũng đang tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc khi họ thực hiện chiến lược phân tán rủi ro. Hiện nay, nhờ sự khởi sắc của TTCK nói chung, các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) trong ngành này cũng dễ xảy ra hơn. Bên bán cũng sẽ chào được giá hợp lý mà không bị “ép” quá đáng, còn bên mua tất nhiên cũng rộng tay hơn.

Đối với nhà đầu tư ngoại, khi gia nhập một thị trường mới, ngoài chuyện vốn mạnh, kinh nghiệm, công nghệ sẵn có thì sự thích nghi cũng là tiêu chí quan trọng. Mà cách nhanh nhất để thích nghi chính là M&A với một công ty có sẵn ở nước sở tại.

Tuy nhiên, tạo được đột phá trên một thị trường mà những đối thủ dẫn đầu đã xác lập được vị trí vững chắc (top 10 các công ty chứng khoán trong nước hiện chiếm hơn 70% thị phần môi giới) không phải dễ. Điều đó đã được chứng minh qua hiệu quả hoạt động của những CTCK có vốn ngoại đầu tiên.

Mặc dù vậy, xét trên bình diện thị trường chung, việc tham gia của các CTCK có dòng vốn ngoại mới là có lợi vì sẽ tạo ra một cuộc cạnh tranh sôi động về chất lượng dịch vụ, công nghệ mà các bên sẽ phải nỗ lực hết sức nhằm có được thị phần.

Theo TBKTSG

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến