Thần dược... được mùa bịp bợm
15/01/2017 10:33:10
Chúng ta đang sống trong một không gian bị truyền thông bủa vây bởi những quảng cáo các sản phẩm liên quan đến sức khỏe con người. Cứ tưởng đây là chuyện chỉ có ở xứ mình, nhưng không, cũng là chuyện bên Mỹ đấy.

Tin liên quan

Nhiều vụ thực phẩm chức năng kém chất lượng đã được báo chí Mỹ phanh phui gần đây. Ảnh TL internet

Bức thư của một người Việt thế hệ thứ hai từ Mỹ gửi cho bạn bè mới đây đã mô tả trăm phương ngàn kế của những kẻ bịp bợm - phù phép bào chế “thần dược “ rồi được mấy ông bác sĩ vô lương tâm nối dài cánh tay gạt gẫm người mua mà trở nên giàu có. Bạn nghĩ gì khi đọc, nghe, xem mẩu quảng cáo “đông trùng hạ thảo thu hoạch từ vùng núi cao hiểm trở bên Tây Tạng đem về bào chế theo tiêu chuẩn Mỹ” để... chỉ độc quyền bán trong mấy cửa hàng của người Việt, lại “on sale” - mua một tặng một?

Anh viết tiếp: bạn có tin rằng ở Mỹ người ta có thể tìm được một loại thuốc trị được đủ bệnh, từ cao máu, cao mỡ, tiểu đường, trị ung thư, trị rụng tóc, tăng khả năng miễn nhiễm? Vậy mà vẫn có người tin! Có loại quảng cáo “nổ” vang trời, chẳng hạn “loại sản phẩm này được tinh chế từ tế bào gốc của nhau trứng cá hồi”. Trời ơi, nhau chỉ có ở động vật có vú lúc sinh sản, cá hồi làm gì có nhau mà lại là nhau của trứng cá, mà lại lấy từ tế bào gốc (stem cell) mới... kinh hoàng chứ! Có cô xướng ngôn viên một đài phát thanh địa phương quảng cáo mỹ phẩm làm bằng cả... bột kim cương!

Anh kể rằng nhiều ông bà nổi tiếng trong cộng đồng đã bán rẻ lương tâm làm cò mồi quảng cáo cho một thần dược do ba quốc gia Úc, Mỹ và Hàn hợp tác sản xuất, đó là... thuốc gội đầu. Ngày xưa, thần dược là loại hiếm, chẳng hạn phải lên núi cao tìm đông trùng hạ thảo, hái sâm, hái nấm linh chi... phải lặn biển sâu để tìm rong biển. Bây giờ thì những thứ ấy bán đầy chợ người Việt ở Mỹ với giá rẻ. Với tiến bộ khoa học nông nghiệp như hiện nay thì đông trùng hạ thảo cấy là được mùa, nhân sâm Hàn được trồng như củ cải, nấm linh chi được trồng như nấm rơm. Vậy mà ngày nay thần dược mang tên... dầu gội đầu!

Luật pháp ở đâu dù hoàn chỉnh cũng vẫn có kẽ hở để giới làm ăn lợi dụng. Như ở Mỹ, việc quản lý chất lượng thuốc trị bệnh rất chặt chẽ nhưng vẫn có những loại sản phẩm giả thuốc, có ghi hàng chữ rất nhỏ và khó đọc với nội dung “Sản phẩm này không phải để chẩn đoán, điều trị, chữa bệnh hoặc phòng chống bất cứ bệnh tật nào”. Hóa ra những thứ gọi là thần dược đó chỉ là thực phẩm chức năng.

Thời gian gần đây thực phẩm chức năng rất phổ biến ở nước ta, cũng với một ghi chú tương tự: “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Trong nhiều trường hợp đây là nơi trú ẩn của sự gạt gẫm bởi trong thực tế không phải ai cũng phân biệt được sự nhập nhằng giữa thuốc trị bệnh và thực phẩm chức năng.

Thị trường nước ta đang có nhiều loại sản phẩm được quảng cáo là “thần dược” (thực ra chỉ là thực phẩm chức năng) có khả năng trị nhiều bệnh, kể cả bệnh nan y. Đông trùng hạ thảo là một dẫn chứng. Sản phẩm này có lẽ đang được quảng cáo nhiều nhất và có giá cao nhất với những tác dụng siêu phàm cùng lúc, nào là trị rối loạn tình dục, thận hư, hạ huyết áp, đau lưng, mỏi gối, ho hen... Nhiều bác sĩ y học cổ truyền khẳng định đông trùng hạ thảo chỉ có chức năng hỗ trợ chứ không có tác dụng chữa bệnh. Nhiều bác sĩ Tây y xổ toẹt những lời quảng cáo có cánh này.

Có những loại thực phẩm chức năng được quảng cáo láo như “tăng kích cỡ vòng 1 ở phụ nữ chỉ trong vòng một tuần lễ”, thế mà cũng có người tin và chịu chi! Lại còn có cả loại máy lọc nước uống trị được mỡ trong máu! Người ta tìm mọi cách quảng cáo, làm xiếc chữ nghĩa để đánh lừa, như “sản phẩm xuất phát từ Mỹ, Úc, Nhật, Hàn đưa về bằng con đường xách tay”, tức là của hiếm và chính gốc?!

Quảng cáo thần dược kiểu như vậy đang là vấn đề nguy hiểm trong đời sống chúng ta, không chỉ vì vấn đề sức khỏe người dân mà còn làm suy giảm niềm tin về quản lý xã hội. Nhà nước đã vào cuộc, mục tiêu là quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, đảm bảo an toàn cho người sử dụng, nhưng thực tế dường như tình hình chẳng cải thiện được bao nhiêu. Trong chừng mực nào đó thì truyền thông cũng có phần trách nhiệm, hoặc dễ dãi, hoặc thỏa hiệp với những nội dung quảng cáo không đúng sự thật, phóng đại, đánh lừa người tiêu dùng.

Điều 188 Bộ luật Hình sự quy định “Quảng cáo gian dối về sản phẩm và dịch vụ gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị phạt từ 10-100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ ba năm” nhưng cũng chẳng đạt được mục đích răn đe khi mà lợi nhuận từ hành vi gian dối là quá cao để người ta sẵn sàng chấp nhận một sự trả giá quá thấp. Chúng ta cũng có Luật An toàn thực phẩm, Luật Dược, Luật Khám chữa bệnh, Luật Báo chí... quy định về nội dung quảng cáo. Nói chung luật gì cũng có nhưng tại sao việc áp dụng luật lại không nghiêm túc?

Theo TBKTSG

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến